Ủy ban Tư pháp, 'Cần tập trung chống tham nhũng lớn'

Thứ tư, 17/10/2018, 12:46 GMT+7

Sáng 17/10, báo cáo tại phiên họp Ủy ban Thường vụ, ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết từ sau kỳ họp thứ 5 (tháng 11/2017) đến nay đã có gần 3.000 ý kiến cử tri gửi đến Quốc hội.

Theo ông Mẫn, trong số nhiều vấn đề được cử tri đề cập, có việc "kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Cụ thể, vừa qua nhiều vụ án tham nhũng lớn đã được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, cử tri còn bất bình vì nạn tham nhũng vặt chưa giảm, nhiều doanh nghiệp và người dân phải chi trả những khoản phí ngoài quy định khi thực hiện thủ tục hành chính.

"Những biểu hiện tiêu cực trên thường chỉ được phát hiện thông qua phản ánh, tố giác của người dân hoặc qua báo chí, hầu như không được phát hiện thông qua đấu tranh nội bộ, tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức", ông Mẫn nói.

Vì vậy, ông trình bày nguyện vọng cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; coi trọng các giải pháp phòng ngừa; đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; thực hiện thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: QH

Báo cáo do Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày cũng đồng tình việc chống “tham nhũng vặt” chưa thực sự hiệu quả.

Bà nói, thời gian qua công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong các vụ án lớn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Song nạn tham nhũng vặt, hối lộ, lót tay, phải chi trả những khoản kinh phí ngoài quy định khi người dân thực hiện một số thủ tục hành chính như: làm chứng minh thư, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị phạt vi phạm khi tham gia giao thông..., ngày càng có những biểu hiện tinh vi, biến tướng, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng tới đời sống của người dân.

"Ban dân nguyện đề nghị Chính phủ quan tâm và có giải pháp hiệu quả, quyết liệt hơn nữa để chống tham nhũng vặt, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới", bà Hải nói.

Trước ý kiến trên, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, nếu trong nhóm công việc phòng, chống tham nhũng mà chỉ kiến nghị đặt trọng tâm chống tham nhũng vặt thì sẽ mâu thuẫn với kiến nghị của Uỷ ban Tư pháp. 

“Qua thẩm tra tổng thể, chúng tôi kiến nghị, bên cạnh chống tham nhũng vặt cần tập trung chống tham nhũng lớn, nhất là tham nhũng thông qua các hình thức lợi ích nhóm và sân sau”, bà Nga cho hay. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: QH

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga. Ảnh: QH

Theo bà Nga, trước đây cử tri nói rằng có dấu hiệu lợi ích nhóm và sân sau ở các vụ tham nhũng lớn. Các vụ án được xử lý gần đây đã chứng tỏ điều đó là sự thật. “Chúng tôi kiến nghị kiên quyết đặt trọng tâm vào chống tham nhũng lớn”, bà Nga nêu quan điểm. 

Ngoài nội dung trên, báo cáo do Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày cũng phản ánh lo lắng của cử tri về một số vấn đề, như: nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; lạm phát vẫn tiềm ẩn; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh trong nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao; nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không kịp thời và có giải pháp nắm bắt ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến...

Cho ý kiến về báo cáo, các thành viên của Ủy ban Thường vụ đánh giá cao việc MTTQ Việt Nam đã tổng hợp tương đối toàn diện kiến nghị của cử tri, đưa ra đề xuất cụ thể. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, báo cáo này cần cân đối giữa mặt tích cực, mặt hạn chế của các bộ ngành, địa phương; nếu chỉ nêu hạn chế thì không rõ vấn đề.

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc vào thứ hai, ngày 22/10 và làm việc trong 24 ngày.


vnexpress.net