Những con số đáng lo ngại từ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ

Thứ sáu, 24/09/2021, 05:56 GMT+7
Những con số đáng lo ngại từ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ

Những con số đáng lo ngại từ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ

Vụ tấn công khủng bố do al-Qaeda tiến hành ngày 11/9/2001 nhằm vào nước Mỹ đã làm gần 3.000 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương.

 

Ngày 20/9/2001, Tổng thống Mỹ Bush đã chính thức tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố, bắt đầu từ mạng lưới al-Qaeda và sau đó sẽ mở rộng nhằm tiêu diệt mọi phần tử khủng bố trên khắp thế giới.

Những con số đáng lo ngại từ cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ
Lính Mỹ tham chiến ở Afghanistan. Ảnh: Wikipedia

 

"Mỹ sẽ truy kích mọi quốc gia hậu thuẫn và cung cấp thiên đường trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố. Tất cả các quốc gia ở tất cả các khu vực phải quyết định hoặc sát cánh bên chúng tôi hoặc ở bên phía bọn khủng bố".

Ông Bush cũng nhận trách nhiệm dẫn dắt nước Mỹ vượt qua một trong những thời điểm đen tối nhất lịch sử nước này. "Trong nỗi đau và sự giận dữ, chúng ta đã tìm thấy sứ mệnh và thời khắc của mình... Chúng ta sẽ không bao giờ kiệt quệ, không bao giờ chùn bước và không bao giờ thất bại", ông Bush nói.

Bài phát biểu của ông Bush đã làm nức lòng công chúng Mỹ, đúng vào thời điểm họ cần một liều thuốc vực dậy tinh thần, vượt qua biến cố kinh hoàng. Vị tổng thống đương nhiệm không chỉ chứng kiến tỉ lệ tín nhiệm tăng vọt ngay sau đó, mà còn tập hợp được đủ sự ủng hộ để khai màn cuộc chiến chống khủng bố như ông mong muốn. Và thế giới đã chính thức thay đổi từ thời điểm đó.

Không chỉ Mỹ mà nhiều nước khác trên thế giới cũng đã bị cuốn vào cuộc chiến “chống khủng bố toàn cầu” do ông Bush phát động, từ cuộc chiến đầu tiên tại Afghanistan (2001) cho đến cuộc chiến tại Iraq (2003) và sau này là cả những nỗ lực chống các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ phát động đã giành được những kết quả nhất định. Năm 2001, chỉ hai tháng sau khi bắt đầu chiến dịch Tự do bền vững ở Afghanistan, Mỹ đã lật đổ được Taliban. Những năm tiếp theo, Mỹ lần lượt tiêu diệt được các trùm khủng bố bin Laden và al Baghdadi, làm suy yếu phần nào mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và IS.

Nhưng thực tế Mỹ vẫn không thể tiêu diệt tận gốc những mối nguy này. Al-Qaeda và IS có xu thế chia thành những nhóm nhỏ, hoạt động tinh vi hơn, với tư tưởng cực đoan có chiều hướng gia tăng và phạm vi hoạt động thậm chí mở rộng sang tận Trung và Nam Á.

Đặc biệt, lực lượng Taliban còn hồi sinh và dần trở thành một lực lượng chính trị, quân sự có ảnh hưởng lớn ở Afghanistan và đến ngày 15/8 vừa rồi đã làm chủ thủ đô Kabul, giành lại chính quyền từ chính phủ thân Mỹ. Sự trỗi dậy của Taliban trong suốt 20 năm qua đã trở thành vấn đề đau đầu, bài toán nan giải đối với các đời tổng thống Mỹ, cho thấy nước Mỹ đã sa lầy trong cuộc chiến tại đây.

Theo tổ chức Physicians for Social Responsibility, từ năm 2002 đến tháng 3/2015, số người thiệt mạng trực tiếp và gián tiếp trong cuộc chiến chống khủng bố lên tới 1,3 triệu người, bao gồm 1 triệu người ở Iraq, 220.000 người ở Afghanistan và 80.000 người ở Pakistan. Một số thống kê khác cho rằng, con số thực sự gần 2 triệu người.

Số người thiệt mạng liên quan đến khủng bố hàng năm cũng tăng đáng kể, có năm lên tới hơn 10.000 người. Làn sóng di cư đi lánh nạn từ Trung Đông đang trở thành hiểm họa an ninh với châu Âu.

Các cuộc khảo sát tại châu Âu cũng cho thấy, đa số người Đức (74%), Pháp (65%) và Italy (63%) tin, các biện pháp chống khủng bố của Mỹ sau vụ 11/9 đã không tăng cường an ninh trên thế giới, mà ngược lại khiến châu Âu bị tấn công nhiều hơn. 64% số người tham gia khảo sát của trang Debate.org với độc giả tiếng Anh toàn cầu cũng cho rằng thế giới ít an toàn hơn.

Điều tương tự cũng diễn ra tại Mỹ, khi kết quả thăm dò dư luận của Hội đồng Quan hệ toàn cầu Chicago hé lộ, gần 50% người Mỹ cảm thấy môi trường sống của họ đang kém an toàn hơn trước kia.

Bên cạnh ảnh hưởng to lớn đối với tâm lý của người dân, cuộc chiến chống khủng bố còn khiến nền kinh tế Mỹ trở nên bấp bênh, tăng trưởng không ổn định. Hai cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq cộng với chi phí cho hoạt động chống khủng bố khắp toàn cầu khiến Nhà Trắng đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Chỉ riêng cuộc chiến tại Afghanistan đã "ngốn" hết của Mỹ khoảng 1.000 tỷ USD (các chuyên gia độc lập đưa ra con số 2.000 tỷ USD), cướp đi sinh mạng của 2.448 binh lính Mỹ và khiến 20.722 người Mỹ khác bị thương, theo số liệu của Mỹ. Thời kỳ cao điểm (2010-2012), quân số của Mỹ tại Afghanistan vượt quá 100.000 người. 

Nguyên Phong


vietnamnet.vn