Trưởng ban Dân nguyện trăn trở vì tình trạng lãng phí sách giáo khoa

Thứ hai, 15/10/2018, 17:05 GMT+7

Phát biểu tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/10, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề, theo báo cáo của Chính phủ, nhiều chính sách văn hóa, xã hội hiện không thực hiện được do thiếu nguồn lực. Nhưng mỗi năm, đất nước lại lãng phí 1.000 tỷ đồng vì sách giáo khoa sử dụng một lần. 

Bà Hải nói đây là con số lãng phí rất lớn, kéo dài từ 2002 đến nay. Báo cáo giám sát về công tác xuất bản của Ủy ban Văn hóa Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ngày 7/10 đã đề cập tình trạng này. Theo đó mỗi năm cả nước xuất bản 107,8 triệu bản sách giáo khoa và năm sau không dùng được, phải in lại.

"1.000 tỷ đồng này là lãng phí nguồn lực của xã hội chứ không phải lấy từ nguồn kinh phí nhà nước", bà Hải nhấn mạnh và so sánh xây một căn nhà cho người có công hết 50 triệu đồng. Nếu tiết kiệm được 1.000 tỷ đồng mỗi năm từ xuất bản sách giáo khoa, cả nước sẽ xây được 20.000 căn nhà. 

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quốc hội. 

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Văn phòng Quốc hội. 

Trưởng ban Dân nguyện đưa ra nhiều dẫn chứng phản biện việc Bộ Giáo dục và Đào tạo lên tiếng là từ năm học 2002-2003, khi thực hiện đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn giáo viên nhắc nhở học sinh không viết vào sách giáo khoa, phải giữ gìn sách.

"Bộ Giáo dục hướng dẫn như vậy, nhưng trong sách giáo khoa lại có những câu mệnh đề cần phải điền, viết, vẽ vào đó. Như vậy khác nào gây khó cho học sinh và phụ huynh", bà Hải nói. 

"Tôi rất ngạc nhiên là Bộ Giáo dục hàng năm vẫn hướng dẫn học sinh không viết vào sách giáo khoa nhưng từ năm 2002 đến nay là 16 năm rồi, tình hình viết vào sách không giảm", Trưởng ban Dân nguyện nói và cho hay bà cũng như đại biểu đã trao đổi với các bộ trưởng Giáo dục 5 năm nay. Có đại biểu lên tiếng suốt từ năm 2005 về việc viết vào sách gây lãng phí, nhưng chưa được giải quyết.

"Tại sao người dân biết, cử tri biết, học sinh biết, phụ huynh biết, nhưng những người quản lý lại không biết rằng viết vào sách giáo khoa là sự lãng phí và điều chỉnh chính sách này trong 16 năm qua?", bà Hải nói và đề nghị Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dự phiên họp quan tâm giải quyết vấn đề này.

Chia sẻ rất áy náy với bản thân và cử tri, bà Hải cho rằng giá như trước đây các đại biểu quyết liệt hơn thì "những năm qua có bao nhiêu căn nhà tình nghĩa, nhà cho người có công được xây dựng từ tiền tiết kiệm in sách giáo khoa".

Đây là lần thứ hai Trưởng ban Dân nguyện lên tiếng về sách giáo khoa. Tại phiên họp Thường vụ tháng 9, bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, mỗi quyển sách giáo khoa chỉ 12-15 nghìn đồng, nhưng ảnh hưởng tới muôn nhà. "Đề nghị Bộ trưởng Giáo dục thanh tra xem có hiện tượng lợi ích nhóm giữa biên soạn và nhà in không? Vì sách sử dụng một lần hay nhiều lần là do người in", bà nói.

Thông tin rằng ở Mỹ vẫn dùng lại sách giáo khoa, bà Hải cho rằng việc sử dụng lại sách sẽ rèn luyện sự sạch sẽ, cẩn thận cho học sinh. Để tránh lãng phí, giờ nhiều trường phải yêu cầu học sinh viết bút chì rồi tẩy đi sang năm dùng lại.

Theo báo cáo năm 2017 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, số lượng sách giáo khoa in ấn hàng năm là hơn 100 triệu bản. Trung bình mỗi bộ sách giáo khoa các khối có 10 cuốn, giá khoảng 100.000 đồng. Như vậy, số tiền mua hơn 100 triệu bản sách giáo khoa mỗi năm là 1.000 tỷ đồng.

Trong văn bản trả lời kiến nghị cử tri đầu tháng 10, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lý giải về việc in bài tập vào sách giáo khoa. Theo đó, khi biên soạn sách giáo khoa để thực hiện trên phạm vi cả nước từ năm học 2002-2003, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để thể hiện phương pháp dạy học tích cực, tăng tính tương tác giữa người học và sách.

Sách giáo khoa có thiết kế các thí nghiệm kèm theo bảng đại lượng cần đo (chưa có số liệu) nhằm hướng dẫn học sinh cách thí nghiệm; các bài tập đa dạng về hình thức (trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi) nhằm rèn luyện cho học sinh thao tác tư duy, hướng dẫn các em tự học, làm quen với các dạng bài tập (thời điểm đó Việt Nam mới bước đầu tiếp cận các dạng bài tập trắc nghiệm). Đây là xu thế đổi mới phương pháp dạy học ở các nước tiên tiến trên thế giới.

Việc thiết kế nội dung sách như trên có ưu điểm là tăng cường tính tương tác và sự tích cực, hứng thú của học sinh; đồng thời tạo thuận lợi cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp dạy học. Tuy nhiên, nếu học sinh viết, vẽ vào sách giáo khoa thì có thể không sử dụng lại được cho những năm sau. Bộ Giáo dục đã tổ chức các đợt tập huấn cho giáo viên và hướng dẫn sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, không viết, vẽ để sử dụng sách giáo khoa được lâu bền

 

vnexpress.net