Theo Danh sách Kỳ lân Toàn cầu 2019 vừa được Viện Nghiên cứu Hurun công bố, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về số lượng startup kỳ lân (được định giá từ 1 tỷ USD). Trong tổng số 494 kỳ lân được thành lập vào những năm 2000 nhưng chưa niêm yết tính tới ngày 30/6/2019, Trung Quốc có 206 công ty, so với 203 công ty của Mỹ.
Bên ngoài trụ sở của Ant Financial Services, startup hiện được định giá 150 tỷ USD, tại Hàng Châu, Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg.
"Trung Quốc và Mỹ chiếm hơn 80% số lượng startup kỳ lân được biết đến trên thế giới, dù hai nước này chỉ chiếm 50% GDP toàn cầu và 25% dân số thế giới", Rupert Hoogewerf - chủ tịch, nhà nghiên cứu trưởng của Hurun, nói trong một thông cáo. "Thế giới cần phải thức tỉnh với việc tạo điều kiện cho các kỳ lân phát triển".
Hiện tại, các startup kỳ lân chỉ có mặt tại 118 thành phố ở 24 quốc gia trên thế giới với tổng giá trị 1.700 tỷ USD, theo danh sách của Hurun. Ấn Độ đứng thứ ba với 21 kỳ lân, theo sau là Anh và Đức với lần lượt 13 và 7 công ty.
Theo xếp hạng được công bố lần đầu tiên của Hurun, 3 startup lớn nhất thế giới đều đến từ Trung Quốc, gồm Ant Financial Services (công ty mẹ của Alipay), ByteDance (sở hữu TikTok ) và nền tảng gọi xe Didi Chuxing, với tổng giá trị 280 tỷ USD.
Trong số các thành phố, Bắc Kinh dẫn đầu thế giới về số lượng startup kỳ lân với 82 công ty, theo sau là San Francisco (55), Thượng Hải (47), New York (25) và Hàng Châu (19). Tính theo khu vực, Thung lũng Silicon của Mỹ dẫn đầu thế giới với 102 kỳ lân.
Báo cáo chỉ ra rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thu hẹp khoảng cách của Mỹ đã giúp nước này có nhiều công ty sáng tạo hàng đầu thế giới, bất chấp căng thẳng thương mại giữa hai nước khiến một số startup công nghệ của Trung Quốc bị Washington cấm vận.
"Phần lớn là các startup nhỏ nhưng các startup công nghệ Trung Quốc đang gia tăng đáng kể và có thể dễ dàng cạnh tranh với các công ty ở Thung lũng Silicon", Paul Haswell, cố vấn cho các công ty công nghệ tại hãng luật quốc tế Pinsent Masons, nhận định. "Vấn đề bây giờ là liệu sự bùng nổ startup công nghệ tại Trung Quốc có được bền vững không, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế nước này đang đối mặt những thách thức lớn nhất".
Didi Chuxing là một trong ba startup giá trị nhất thế giới, theo Hurun Report - Ảnh: Bloomberg.
Hikvision Digital Technology, nhà cung cấp hệ thống camera giám sát lớn nhất thế giới, mới đây quan ngại rằng có thể mất khách hàng và bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh sau khi Washington đưa công ty này vào danh sách đen thương mại, hạn chế tiếp cận với công nghệ Mỹ.
Các thương vụ đầu tư mạo hiểm tại Trung Quốc cũng giảm mạnh khi các nhà đầu tư có xu hướng rút lui trong bối cảnh đàm phán thương mại Mỹ - Trung khó đoán định và quan ngại ngày càng lớn về giá trị của các startup. Quý 2/2019, giá trị đầu tư mạo hiểm vào nước này đã giảm 77% xuống còn 9,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó số lượng thương vụ giảm một nửa còn 692, theo hãng nghiên cứu thị trường Preqin.
"Trừ một vài ngoại lệ, vốn rót vào các kỳ lân của Trung Quốc chủ yếu đến từ các nhà đầu tư trong nước", Haswell cho biết. "Nhưng với việc các nhà đầu tư Trung Quốc đang thắt chặt hầu bao, có thể các kỳ lân tương lai sẽ gặp nhiều thách thức hơn".
Theo xếp hạng của Hurun, hãng đầu tư mạo hiểm Mỹ Sequoia Capital là nhà đầu tư kỳ lân số một thế giới với danh mục đầu tư vào 92 startup kỳ lân tính tới ngày 30/6. Hãng internet khổng lồ Tencent Holdings của Trung Quốc đứng thứ hai với 46 công ty, theo sau là SoftBank Group Corp của Nhật với 42 công ty.
Theo danh sách này, có 192 startup kỳ lân hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ tài chính, trong khi có 118 công ty trong lĩnh vực điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo và logistics.
"Đây là những lĩnh vực đang làm thay đổi kinh tế thế giới, khởi động cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đang được xem là chìa khóa của tương lai", Hoogewerf cho biết. "Không ngạc nhiên khi những nhân tài trẻ hàng đầu thế giới muốn làm việc trong các lĩnh vực này".