TP Hồ Chí Minh: Cần làm rõ tính bền vững của dự án Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Thứ năm, 24/10/2019, 20:58 GMT+7

(Xây dựng) - Trong lúc TP Hồ Chí Minh đang phải “cầu viện” đến Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành về Kết quả đấu thầu Gói thầu XL-02: “Thiết kế – Xây dựng – Vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè”, do các đơn vị tham gia đấu thầu khiếu nại dẫn tới tiến độ thực hiện dự án bị trì trệ thì Liên danh Suez-Posco (một trong 3 nhà thầu tham gia đấu thầu) lại gửi đơn khiếu nại đi nhiều nơi.

Mục đích của Liên danh Suez-Posco muốn TP Hồ Chí Minh nhìn nhận lại những vấn đề các nhà thầu đang khiếu nại nhằm đem lại lợi ích bền vững của dự án. Đó là, công nghệ xử lý nước thải do Liên danh Acciona-Vinci đã đề xuất không theo “đề bài” của chủ đầu tư; các nguồn tham chiếu, kinh nghiệm của các nhà máy sử dụng công nghệ MBBR mà Liên danh Acciona-Vinci cung cấp không đáp ứng quy định của hồ sơ mời thầu; chi phí vận hành nhà máy trong tương lai.

Dòng kênh chờ đợi quyết định đúng đắn của thành phố để được trong, xanh bền vững.

Đơn vị trúng thầu không đủ năng lực

Liên danh Suez-Posco khẳng định: Các nguồn tham chiếu, kinh nghiệm của các nhà máy sử dụng công nghệ MBBR mà Liên danh Acciona-Vinci cung cấp không đáp ứng quy định của hồ sơ mời thầu: Cụ thể, tại Điểm 1.1, Mục 1, Chương III của hồ sơ mời thầu đã ghi rõ: “Các nhà thầu được phép đệ trình một hồ sơ dự thầu, theo đó các nhà thầu có thể lựa chọn một trong ba công nghệ xử lý thích hợp (công nghệ CAS; SBR, BF) hoặc một biến thể của chúng, đáp ứng được các yêu cầu và chứng minh được sự phù hợp bằng một số lượng nhất định các nhà máy xử lý nước thải có kích thước tương tự và với những điều kiện tương tự được chứng nhận bằng thư xác nhận của các chủ đầu tư”.

Hồ sơ mời thầu cũng quy định: “Việc xác định quy mô của dây chuyền công nghệ, dựa trên các công thức tính toán, đã được phổ biến và thừa nhận rộng rãi ở tầm quốc tế. Nếu không có các công thức (hay phương trình) và chỉ có kinh nghiệm từ các nhà máy đã có mới được coi là nền tảng để đo đạc, kinh nghiệm vận hành nhà máy ít nhất 3 năm trong các nhà máy xử lý nước thải với kích thước tương tự, biện pháp xử lý tương tự và điều kiện khí hậu tương tự phải được cấp dưới dạng tham khảo và được chứng nhận bởi các chủ đầu tư của các nhà máy đó.

Vậy nhưng, trong hồ sơ dự thầu của Liên danh Acciona-Vinci đã đưa ra 3 tham chiếu là 3 nhà máy đang hoạt động sử dụng công nghệ MBBR đó là: 2 nhà máy có công suất lớn hơn 240.000 m3/ngày không phải do các thành viên của Liên danh Acciona-Vinci xây dựng (của Cty OTV) và 2 nhà máy này ở địa điểm có thời tiết lạnh hơn ở Việt Nam (không đáp ứng yêu cầu điều kiện khí hậu tương tự của hồ sơ mời thầu).

Chỉ có 1 nhà máy do các thành viên Liên danh Acciona-Vinci xây dựng nhưng lại có công suất nhỏ hơn 30.000m3/ngày và không chứng minh được nhà máy này đã được vận hành ít nhất 3 năm được chứng nhận bởi chủ đầu tư, Liên danh Suez-Posco nhấn mạnh.

Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch Đầu tư cũng khẳng định: Hồ sơ mời thầu quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thiết kế một nhà máy xử lý nước thải sinh học, công suất tối thiểu 240.000m3/ngày, xây dựng (bao gồm kinh nghiệm cung cấp và lắp đặt thiết bị) một nhà máy xử lý nước thải sinh học tối thiểu 240.000m3/ngày, kinh nghiệm vận hành hoàn thành ít nhất đủ 3 năm vận hành một nhà máy xử lý nước thải sinh học công suất tối thiểu 240.000m3/ngày, thì bất kỳ hồ sơ dự thầu của nhà thầu nào chào năng lực, kinh nghiệm về thiết kế, xây dựng, vận hành nhà máy nước thải sinh học có công suất nhỏ sơn 240.000m3/ngày sẽ bị coi là không đáp ứng quy định của hồ sơ mời thầu.

Bên cạnh đó, Liên danh Suez-Posco còn khẳng định: Tại vòng sơ tuyển, Liên danh Acciona-Vinci đã tuân thủ đúng với hồ sơ mời thầu nên mới được vào vòng dự thầu. Tuy nhiên, khi đã được vào vòng trong thì Liên danh Suez-Posco lại đề xuất thay đổi sang công nghệ MBBR.

Theo nhiều tài liệu trên thế giới, các nghiên cứu đăng tải trên các tạp chí khoa học đầu ngành về môi trường, tất cả đều khẳng định: “Công nghệ MBBR không phải là một trong 3 công nghệ được quy định trong hồ sơ mời thầu (công nghệ CAS; SBR, BF) hay là biến thể của 3 công nghệ này. Công nghệ MBBR là công nghệ hỗn hợp giữa xử lý sinh học và hóa chất”.

Điều này chứng minh Liên danh Acciona-Vinci không đáp ứng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và nếu công nghệ này được lựa chọn sẽ gây ảnh hưởng rất lớn trong quá trình vận hành nhà này, đặc biệt là khi triển khai mở rộng nhà máy lên công suất 480.000m3/ngày theo thiết kế. Khi đó, các công nghệ đã được quy định (công nghệ CAS; SBR, BF) có tương thích, phù hợp với nhà máy đã sử dụng công nghệ MBBR này? Lúc đó ai sẽ chịu trách nhiệm?

Giá trị gói thầu thấp nhưng chi phí vận hành sẽ rất cao

Theo các chuyên gia của Liên doanh Suez-Posco cho biết: Nếu phương án dùng công nghệ MBBR cho gói thầu này của Liên danh Acciona-Vinci được áp dụng thì chi phí vận hành nhà máy khi đi vào hoạt động và chi phí xử lý bùn thải sẽ cao gấp đôi so với chi phí xử lý bùn của các nhà thầu khác.

Cụ thể, trong hồ sơ dự thầu, Liên danh Acciona-Vinci đã đưa ra chi phí cho việc xử lý bùn thải phát sinh trong quá trình vận hành nhà mày xử lý nước thải khi đưa vào hoạt động là hơn 50 USD/1 tấn bùn, dự tính quá trình vận hành nhà máy sẽ thải ra khoảng 100m3 bùn/ngày.

Ngoài ra, theo đánh giá của các chuyên gia đầu ngành về xử lý môi trường thì khi sử dụng công nghệ MBBR thì điện năng để xử lý nước thải cao hơn rất nhiều so với việc sử dụng các công nghệ sinh học.

“Việc đánh giá giá dự thầu của Liên danh Acciona-Vinci đã xem xét đánh giá về các yếu tố này hay chưa? Nếu công nghệ MBBR này được lựa chọn thì chi phí cho việc vận hành nhà máy và chi phí xử lý bùn thải cho một nhà máy có vòng đời hơn 30 năm sẽ tốn nhiều hơn bao nhiêu so với các công nghệ khác. Đặc biệt, nhà máy này sẽ được bàn giao lại cho chủ đầu tư sau 5 năm vận hành, vậy trong 30 năm sau, chi phí vận hành nhà máy, chi phí xử lý bùn quá cao so với công nghệ được Hồ sơ mời thầu quy định thì trong tương lai, TP Hồ Chí Minh phải tăng thêm kinh phí cho việc vận hành nhà máy này một số tiền vô cùng lớn”, Liên doanh Suez-Posco lo lắng.

Bên cạnh đó, Liên doanh Suez-Posco chắc chắn rằng: Từ các dẫn chứng nêu trên chứng minh Liên danh Acciona-Vinci không đáp ứng quy định của hồ sơ mời thầu. Việc thiếu các nguồn tham chiếu như quy định của hồ sơ mới thầu (cả về quy mô và điều kiện khí hậu) cộng với công nghệ MBBR là một công nghệ không có công thức tính toán cụ thể (hay phương trình) thì liệu ai có thể đảm bảo được việc áp dụng công nghệ này cho nhà máy xử lý nước thải của gói thầu XL.02 sẽ đáp ứng được các yêu cầu với đặc điểm về mức độ ô nhiễm, đặc tính nước thải, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng như ở TP Hồ Chí Minh? Ai đảm bảo được khi đưa nhà máy vào hoạt động nếu áp dụng công nghệ này thì sẽ không xảy ra các sự cố? Ai đảm bảo được sử dụng công nghệ này khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xử lý được nước thải có các thông số đầu ra theo như yêu cầu của hồ sơ mời thầu?

Mai Thanh - Phi Long


baoxaydung.com.vn