Nhiều người dân tiếp tục bày tỏ nguyện vọng muốn về quê khi TP.HCM thêm giãn cách. Người đi khỏi thành phố lâu ngày, nay cũng chờ đợi để được trở lại. Ngành chức năng TP có giải pháp gì về vấn đề này?
Chính quyền TP.HCM qua các cuộc họp hay trả lời trực tuyến, nhiều lần động viên người dân ở lại TP để thực hiện chống dịch với phương châm “ai ở đâu ở yên đó” theo Công điện và Nghị quyết 86 của Chính phủ.
Tuy nhiên, với việc kéo dài giãn cách đến hết tháng 9, và vì nhiều lý do cá nhân, những ngày qua người dân tiếp tục bày tỏ trở lại nguyện vọng muốn về quê.
Bạn Đoàn Văn Tỉnh hỏi: "Tôi hộ khẩu Hà Nội, vào TP.HCM làm xây dựng, nghỉ việc từ 17/7, tôi đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin, muốn về lại Hà Nội có được không, cần giấy tờ gì?".
Gửi câu hỏi đến chương trình Dân hỏi - TP trả lời tối 15/9, bạn Hồng Trang nêu: “Hiện tại, tôi ở 60 Nguyễn Bá Tòng, phường 11, quận Tân Bình. Xin hỏi, sau ngày 15/9 tôi có thể về quê ở ấp 5, xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ, Long An?, quê tôi là vùng xanh. Tôi thất nghiệp từ lúc bùng dịch, hoàn cảnh khó khăn. Nếu như không được, lãnh đạo hỗ trợ cho tôi 1,5 triệu cầm cự. Tôi sắp hết khả năng trả tiền trọ, chi tiêu rồi”….
Hàng trăm học sinh, thai phụ, người khó khăn, bệnh tật tại TP.HCM được đón về Bình Định hồi đầu tháng 9. Ảnh: Q.T |
Thậm chí, trước tâm lý người dân mong mỏi về quê, gần đây trên mạng xã hội có một hội nhóm mang tên Hội đồng hương Sóc Trăng, kêu gọi người dân Sóc Trăng đang bị mắc kẹt do dịch Covid-19 ở TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang cùng nhau trở về quê bằng xe máy trong cùng một ngày…
Ở chiều ngược lại, có rất nhiều người rời TP.HCM từ trước giãn cách, nay bày tỏ nguyện vọng được về TP.
Gửi câu hỏi đến báo VietNamNet, bạn Lê Nguyễn Nhật Linh viết: “Nhà tôi ở TP.HCM, tôi đi công tác ở Bà Rịa-Vũng Tàu từ ngày 16/6 và bị mắc kẹt đến giờ. Nay tôi muốn trở lại?, cần những giấy tờ gì?.
Bạn Trần Tuấn ở địa chỉ e-mail th1102…@gmail.com cũng hỏi: “Tôi sống ở Hà Nội nhưng hiện tại đang công tác tại TP Vũng Tàu. Do TP giãn cách theo Chỉ thị 16 nên tôi phải nghỉ ở nhà 2 tháng nay. Tôi có nguyện vọng di chuyển về Sài Gòn để được tiêm vắc xin theo đăng kí của công ty, rồi sau đó về nhà tại Hà Nội, cần phải thực hiện những gì?”.
Về quê theo tổ chức, trở lại TP phải tiếp tục chờ
Về việc người dân từ TP.HCM muốn về quê, trước đó đã nhiều lần chính quyền TP trả lời trên các phương tiện truyền thông, và hiện nay về cơ bản vẫn như vậy.
Từ sau ngày 15/9, TP tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 tăng cường 2 tuần. Tuy có nới dần một số hoạt động và thí điểm mở cửa ở 3 địa bàn (quận 7, Cần Giờ, Củ Chi), nhưng chưa cho phép người dân tự di chuyển về quê.
Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, người dân từ TP đi tỉnh khác phải đăng ký và có sự tiếp nhận của địa phương; còn việc di chuyển giữa các địa phương cần chỉ đạo thống nhất từ cơ quan Trung ương.
Công an TP.HCM kiểm soát chặt người ra vào TP. Ảnh: Thanh Tùng |
“Quan điểm của Công an TP là khi nhận được bất kỳ văn bản nào đề xuất để người dân về quê, công an đều đồng ý và báo cáo lên TP”, ông Hà nói rõ.
Tại chương trình “Dân hỏi - TP trả lời” tối 15/9, Chủ tịch UBND quận Tân Bình Nguyễn Bá Thành cũng cho biết, TP còn áp dụng Chỉ thị 16 tới ngày 30/9, trường hợp người dân muốn rời TP thì “nơi đi phải có nơi nhận”.
“Nếu quê hương có chuyến xe đón bà con trở về thông qua các tổ chức như hội đồng hương, MTTQ thì Tân Bình sẵn sàng hỗ trợ theo chính sách của TP là tiêm vắc xin, test nhanh hoặc xét nghiệm theo phương pháp PCR để bà con có giấy đi đường. Nếu chính quyền địa phương nhận thì TP sẽ tạo mọi điều kiện cho bà con”.
Vừa rồi, tỉnh Sóc Trăng cũng phải thông tin đến người dân, cần cảnh giác, không để bị lôi kéo trở về quê bằng xe máy.
Theo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, người dân cần cảnh giác, bình tĩnh không nghe theo lời kêu gọi này và tuân thủ các quy định phòng, chống dịch tại nơi cư trú. Việc sắp xếp khi nào về, về như thế nào, tỉnh sẽ có phương án, có sự phối hợp với các tỉnh, thành phố liên quan và chuẩn bị các điều kiện tốt nhất về cơ sở cách ly để tổ chức đón người dân về.
Ngược lại, đối với người dân TP ra tỉnh ngoài, nay muốn trở lại, dù đã chuyển các câu hỏi này tới các ngành chức năng TP, nhưng do TP đang thực hiện Chỉ thị 16, việc di chuyển cá nhân vẫn chưa được chấp nhận, trừ những trường hợp được chính quyền cho phép.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết thêm, việc này cần có văn bản của UBND TP trên cơ sở ý kiến của Sở Y tế và các đơn vị liên quan.
"Công an TP ủng hộ và đó cũng là điều chúng tôi đã thấy, cũng như có ý kiến với bên y tế", ông Hà nói.
Theo Thượng tá Hà, Công an TP tôn trọng hướng dẫn của cơ quan y tế. Người dân đi theo đoàn, tổ chức và có sự đăng ký, kiểm soát dịch theo quy định thì vẫn đi qua các chốt bình thường.
Ngay trong chương trình “Dân hỏi - TP trả lời” tối 13/9, Phó Chủ tịch TP Lê Hòa Bình đã giải đáp rõ hơn về nội dung người dân gặp khó khăn, giờ mong muốn về quê.
“Chúng tôi luôn cố gắng hỗ trợ những gì tốt nhất, nhưng bà con cũng nên chia sẻ, đang lúc dịch bệnh khó khăn thì “ai ở đâu, nên ở đó” để dịch không lây lan, tính mạng không bị đe dọa”, ông Bình khuyến cáo.
Ông chia sẻ: "Bà con, cô bác có nhu cầu về quê, TP rất sẵn sàng hỗ trợ, nhưng trên nguyên tắc có nơi đưa thì có nơi đón về. Nếu không có tổ chức đưa đi, đón về thì việc qua các chốt là không thể".
Để thuận tiện cho việc về quê, ông Bình cho biết, có ba đầu mối để liên hệ là: các hội đồng hương, Sở GTVT và UBND các tỉnh (nơi về).
Tuy nhiên, theo ông, tốt nhất trong thời gian này người dân không nên di chuyển, "chịu khó một thời gian nữa, và TP sẽ có trách nhiệm hỗ trợ".
Trước đó, ngày 10/9, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng, gửi UBND TP Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Trong đó nêu rõ, các tỉnh cần nghiên cứu phương án tổ chức cho người ở khu vực đông dân cư không bảo đảm yêu cầu giãn cách, cách ly theo quy định được đăng ký về quê theo nguyện vọng.
Thu Anh - Hồ Văn
>>> Xem thêm hỏi đáp về Covid-19 mới nhất