Nhiệt độ ở Qatar tăng cao đến mức nhà chức trách nước này phải lắp hàng loạt điều hòa ở sân vận động, đường phố và khu mua sắm.
Qatar là một trong những nơi nóng nhất thế giới. Ảnh: Labdible.
Với nhiệt độ mùa hè lên tới 46 độ C, Qatar bắt đầu sử dụng hệ thống điều hòa ở các sân bóng đá nhằm chuẩn bị cho giải World Cup 2022. Tại sân vận động ngoài trời Al Janoub mới khánh thành, không khí mát phả ra từ khe điều hòa bên dưới 40.000 ghế ngồi và tràn xuống sân cỏ. Các máy làm mát khổng lồ cũng được lắp dọc vỉa hè và khu mua sắm ngoài trời để giúp người dân chống chọi với thời tiết nóng nực.
"Nếu không bật điều hòa, bạn sẽ không thể nào chịu được. Bạn sẽ không thể hoạt động hiệu quả", Yousef al-Horr, sáng lập viên Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển vịnh Gulf, chia sẻ.
Nhiệt độ trung bình ở Qatar tăng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đây vừa là kết quả từ biến đổi khí hậu không đồng đều vừa do số lượng công trình xây dựng tăng vọt. Nhiệt độ ban đêm tại quốc gia này hiếm khi ở dưới mức 32 độ C vào mùa hè. Vào đợt nắng nóng hồi tháng 7/2010, nhiệt độ toàn quốc đạt mức cao nhất mọi thời đại là 50,4 độ C.
"Qatar là một trong những khu vực nóng lên nhanh nhất trên thế giới, ngoài Bắc Cực. Những thay đổi ở đó có thể giúp chúng ta nhìn nhận điều gì sẽ xảy ra với các nơi khác nếu không có biện pháp cắt giảm lượng khí thải nhà kính", Zeke Hausfather, nhà khoa học dữ liệu thời tiết, nhấn mạnh.
Ở những khu vực đô thị phát triển nhanh khắp Trung Đông, một số thành phố sẽ trở thành nơi không thể sinh sống, theo Mohammed Ayoub, giám đốc nghiên cứu của Viện Môi trường và Năng lượng Qatar. Nguy cơ thực sự đến từ độ ẩm. Khi độ ẩm cao, sự bốc hơi từ da chậm lại hoặc ngừng hẳn. "Nếu trời nóng và độ ẩm gần 100%, bạn có thể chết vì nhiệt lượng do chính cơ thể bạn sinh ra", Jos Lelieveld, nhà nghiên cứu ở Viện Hóa học Max Planck tại Đức, giải thích.
Tuy nhiên, lắp điều hòa ngoài trời sẽ góp phần thúc đẩy tốc độ biến đổi khí hậu bởi nguồn điện vận hành máy lạnh đến từ nhiên liệu hóa thạch, dẫn tới lượng carbon dioxide xả ra khí quyển càng cao. Qatar là nước có lượng khí thải nhà kính tính theo đầu người lớn nhất, theo Ngân hàng Thế giới, gấp 3 lần Mỹ và gấp 6 lần Trung Quốc. Qatar sử dụng khoảng 60% lượng điện để chạy điều hòa trong khi Trung Quốc hoặc Ấn Độ dùng chưa đến 10%.