Nhận cuộc điện thoại của cô gái trẻ gấp gáp cầu xin oxy tới cứu bà ngoại, ông chủ khách sạn ở TP.HCM vội vã lên đường. Đến nơi gọi cô ra thì anh nhận được câu trả lời nhói lòng "em không cần nữa, bà ngoại em mất rồi”.
TP.HCM bùng dịch, các bệnh viện, khu cách ly quá tải, nhiều công ty, bệnh viện tìm đến gặp anh Dương Đức Định (ngụ quận 5, TP.HCM) đặt vấn đề thuê 30 phòng khách sạn của gia đình anh để làm địa điểm cách ly với giá 270 triệu đồng/tháng.
Thế nhưng, ông chủ khách sạn này lắc đầu, từ chối món hời đó không một phút đắn đo; bởi anh muốn giữ lại phòng cho những anh em thiện nguyện cùng mình có nơi ăn chốn ở.
"Tôi chỉ muốn giữ lấy chỗ cho anh em về nghỉ ngơi. Không để cho anh em ở thì họ biết ở đâu, trong khi công việc từ thiện, tiếp xúc với nhiều mầm bệnh, họ không về nhà để đảm bảo an toàn cho người thân”, anh Định chia sẻ.
Trên xe ô tô của anh Định luôn để sẵn bình oxy, mỗi khi có bệnh nhân cần anh sẽ có mặt nhanh nhất có thể. Ảnh NVCC |
Không chỉ dùng khách sạn làm nơi trú chân cho những người làm thiện nguyện, anh Định còn lao vào tâm dịch mang thực phẩm, rau củ quả, thuốc men cho người dân khu cách ly, phong tỏa.
Ông chủ khách sạn “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” cuốn mình vào công việc thiện nguyện từ sáng sớm tới đêm khuya.
Do ngày nào cũng đi vào vùng dịch nên anh Định cách ly hoàn toàn với vợ con. Vợ và hai con chuyển lên sống trên tầng cao nhất của khách sạn.
Anh Định cho biết, dù ở cùng khách sạn nhưng từ tháng 6 tới nay là hơn 3 tháng, anh chưa được ăn bữa cơm nhà, chưa được ôm hai con dù chỉ cách nhau mấy tầng lầu.
“Nhiều hôm bọn trẻ nghe thấy giọng bố ở dưới, chúng khóc lóc ầm ĩ, đòi bố mà không biết phải làm sao”, anh Định bày tỏ.
Mất thu nhập mỗi tháng gần 300 triệu đồng nhưng cha mẹ và vợ anh không một lời trách cứ, vì họ hiểu công việc làm thiện nguyện là đam mê, ngấm vào máu thịt của anh. Cả nhà chỉ luôn nhắc nhở anh phải cẩn thận để bản thân không bị bệnh.
Anh Định cùng nhóm thiện nguyện ngày đêm giúp bà con nơi tâm dịch. Ảnh NVCC |
Những câu chuyện nhói lòng khi chuyển bình oxy 0 đồng
Vào giai đoạn số lượng F0 tăng chóng mặt ở TP.HCM, các bệnh viện quá tải nên nhiều người không được đến bệnh viện chữa trị, phải tự điều trị ở nhà. Đối với những bệnh nhân này, ngoài việc điều trị bằng thuốc, thì bình oxy cũng là thiết bị quan trọng để giữ mạng sống.
Hiểu được điều đó, anh Định và nhóm thiện nguyện của mình đã thực hiện việc cung cấp oxy 0 đồng cho các bệnh nhân.
Bất kể đêm hay ngày, chỉ cần có điện thoại xin cứu giúp của người bệnh là các anh lên đường, bất chấp nguy cơ lây bệnh luôn rình rập.
“Chỉ cần vài phút người bệnh không có oxy thở là có thể mất mạng, nên mỗi khi có ai cần là chúng tôi có mặt nhanh nhất có thể”, anh Định cho hay.
Có những bệnh nhân anh đến kịp thời đã may mắn giữ được mạng sống, vài bữa sau họ khỏe lại nhắn tin, gọi điện cảm ơn.
Tuy nhiên, có nhiều trường hợp khiến anh Định nhói lòng. Anh nhớ như in một bệnh nhân, sau khi anh mang oxy tới hỗ trợ đã tỉnh lại. Sau đó, người này post lên Facebook gửi lời cảm ơn anh Định, vậy mà mấy ngày sau anh nhận được tin họ đã qua đời.
Anh Định trong một lần lên làm thiện nguyện trên bản vùng cao ở miền núi phía Bắc. Ảnh NVCC |
Một trường hợp khác, hôm đó đã khá khuya thì anh nhận được cuộc điện thoại của một cô gái trẻ, giọng cô gái run rẩy, gấp gáp cầu xin anh mang oxy tới cứu bà ngoại của cô ấy. Ngay lập tức anh lên đường, tới khu vực nhà cô gái, anh Định gọi cô ra đón thì nghe trả lời “Giờ em không biết nói thế nào, nhưng bà em không cần oxy nữa, em cảm ơn anh”.
Ngạc nhiên anh hỏi lại lý do thì cô trả lời “Bà ngoại em mất rồi” và khóc nức nở. Nghe cô gái nói, anh lặng người một lúc lâu mới có thể gửi lời chia buồn với gia đình cô.
Gần chục năm tham gia làm từ thiện, anh Định đi khắp nơi từ các bản nghèo vùng cao phía Bắc, bà con bị lũ lụt ở miền Trung tới Tây Nguyên để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khó khăn.
Thanh Phương