Nhiều hình thức lạm thu mới xuất hiện

Thứ hai, 21/10/2019, 17:31 GMT+7

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 14 được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 sáng 21/10. Trong đó, vấn đề lạm thu được cử tri nhiều địa phương phản ánh.

Theo bà Hải, nội dung này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm vì ảnh hưởng đến hầu hết gia đình có con đang đi học. 

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Ban Dân nguyện ghi nhận Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp, như: chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm việc thu đúng theo Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; ban hành thông tư quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện xử lý, vi phạm.

Tuy nhiên, theo bà Hải, hiện tượng thu trái quy định vẫn diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều hình thức mới để vận động tiếp nhận tài trợ dưới danh nghĩa xã hội hóa giáo dục, ép phụ huynh tự nguyện tài trợ qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, qua giáo viên. Mục đích tài trợ thường không rõ ràng, như: yêu cầu sửa sang cơ sở vật chất, làm mái che, sân chơi, sửa cổng trường, nhà vệ sinh, hệ thống điện, mua máy chiếu, mua mực in...

Ban Dân nguyện cho rằng, việc chi tiêu, quản lý số tiền này trong một số trường hợp còn chưa minh bạch, gây bất bình cho phụ huynh, gây áp lực lớn đối với những gia đình có thu nhập thấp vì số tiền đóng góp không nhỏ. "Hiện tượng này tồn tại quá lâu, cử tri liên tục kiến nghị, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm", bà Hải nói và kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường thanh tra nội bộ ngành, phối hợp chặt chẽ với địa phương để phát hiện xử lý.

Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng cho hay, tiếp thu phản ánh của cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều giải pháp để khắc phục tiêu cực trong việc dạy thêm, học thêm. Cụ thể, Bộ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, phối hợp với các địa phương tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, để hạn chế đến mức tối đa tiêu cực như ép học thêm, thu học phí cao, chất lượng dạy thấp, cơ sở vật chất không đảm bảo...

Từ chỉ đạo của Bộ, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Nội, TP HCM... đã ban hành hướng dẫn cụ thể như mức thu tối đa trong học thêm; không được dạy thêm đối với trẻ trước khi vào lớp 1 hay học sinh đã học 2 buổi một ngày.


vnexpress.net