Đóng quán hơn 3 tháng nay, khi nghe tin được mở cửa trở lại với hình thức bán mang về, chị Đỗ Thị Diệp quyết định tiếp tục nghỉ. Làm chủ một quán ăn ở quận Ba Đình, chị Diệp cho hay, từ thời điểm Hà Nội yêu cầu các quán ăn chỉ được phép bán hàng mang về , chị đã ngừng kinh doanh.
Quán của chị Diệp chuyên các món đồng quê cho dân văn phòng buổi trưa và dân nhậu vào buổi tối, với 6 nhân viên phục vụ.
“Nếu chỉ bán mang về thì thu không đủ chi, các món của quán đều là ăn nhậu và ăn chơi nên ít người mua. Nếu quán hoạt động thì chủ nhà sẽ thu tiền mặt bằng, chưa kể tiền điện nước, trả lương cho nhân viên”, chị cho hay.
Hiện, toàn bộ nhân viên của quán đã về quê. Vợ chồng chị Diệp cũng đã về Thanh Hoá mở cơ sở mới để kinh doanh. “Tình hình vẫn tiếp tục như này mình sẽ đóng cửa quán, chuyển hết về quê làm ăn”, chị nói thêm.
Nhiều hàng quán chưa mở bán trở lại (Ảnh: Hoàng Huy)
Tương tự, ông Thắng, chủ một quán gà cho hay, ông cũng chưa có ý định mở lại kinh doanh thời điểm này. Lý do ông Thắng đưa ra là nguy cơ dịch bệnh cao, nếu không may có F0 thì chủ với nhân viên đều bị ảnh hưởng. “Quán đóng cửa, nhiều khách quen gọi đặt hàng nhưng mình đều từ chối. Với số lương khách ít thì việc mở lại kinh doanh sẽ tốn rất nhiều chi phí, nguồn hàng cũng không đảm bảo. Nên để hết dịch rồi kinh doanh trở lại”, ông nói.
Gánh nặng lớn nhất với ông Thắng hiện nay là tiền thuê mặt bằng, 20 triệu đồng/tháng. Chủ nhà đã linh động giảm giá khi quán dừng hoạt động. Sau đợt dịch này, ông đang tính thu hẹp diện tích kinh doanh và tìm kiếm các hình thức khác để ứng phó với tình hình mới.
Còn bà Mai, chủ một quán món ăn miền Tây, chia sẻ: “Quán đã nghỉ 2 tháng, không có nguồn thu. Nghe tin được bán trở lại, tôi cũng khá băn khoăn. Để chuẩn bị bán hàng cần rất nhiều nguyên liệu, gia vị, trong khi các đầu mối cung cấp đều gặp khó trong vận chuyển. Chợ đầu mối cũng hạn chế. Nếu mở bán mà nguồn hàng giá cao, phải tăng giá bán thì lại không có khách”.
Với tình hình như hiện nay, quán khó có thể mở lại. Bà Mai cho hay, vì không thể bán online, chỉ được mua mang về nên nhiều người chọn ăn ở nhà sẽ nhanh chóng và tiện hơn nhiều. Nhân viên quán cũng đã nghỉ hết. Quán gặp khó về ship hàng, giá tăng rất cao, có khi gấp đôi, gấp ba giá một bát phở.
Hàng quán mở lại phải đảm bảo phòng chống dịch (Ảnh: Hoàng Huy) |
|
Chị Hải, chủ quán ăn ở Gia Lâm, cho hay, dù được bán trở lại từ tuần trước nhưng chị vẫn đóng cửa. “Ở vùng xanh đấy nhưng việc đi lại, mua bán tại các chợ vẫn còn hạn chế, trong khi kinh doanh hàng ăn đòi hỏi nguyên liệu ngày nào cũng phải tươi ngon nên tôi vẫn chưa mở bán lại”, chị cho hay.
Ngoài ra, theo chị Hải, dịch bệnh nên nhu cầu mua bán ăn hàng của người dân sẽ giảm bớt. Quán mở lại phải tăng cường các biện pháp chống dịch, người mua thì ngại ra đường nên có bán cũng chỉ được vài khách mỗi ngày.
Thích nghi với tình hình mới là điều đặt ra với các chủ kinh doanh nhà hàng. Như chị Diệp, nhận thấy tình hình dịch bệnh ở Hà Nội diễn biến phức tạp, vợ chồng chị đã nhanh chóng mở cơ sở ở quê. Sự nhạy bén này giúp chị có thêm thu nhập khi dịch, nhân viên tại Hà Nội đều được điều chuyển về quê làm nên không bị mất việc. Quán ở quê lại tận dụng được nguồn nguyên liệu, giá thuê mặt bằng rẻ.
Bên cạnh đó, một số chủ quán cũng đang lên kế hoạch chuyển đổi mô hình kinh doanh, tận dụng chuyển đổi số. "Để kinh doanh hiệu quả, nhà hàng không thể tiếp tục thực hiện phương thức truyền thống mà cần có doanh nghiệp thiết kế nền tảng công nghệ hỗ trợ", ông Quốc Tuấn, chủ một chuỗi nhà hàng, tâm sự.
Yêu cầu các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh phải tạo điểm quét QR Code
Từ 12h00 ngày 16/9, TP. Hà Nội cho phép cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; Cơ sở kinh doanh dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống của 19 quận, huyện, thị xã được mở cửa, với điều kiện bắt buộc là phải tạo điểm quét QR code để khách đến mua hàng khai báo.
Chủ địa điểm đăng ký để sử dụng được tính năng quét mã QR và quản lý được thông tin người ra vào. Truy cập trang web https://qr.tokhaiyte.vn/. Chọn mục "Đăng ký địa điểm" và nhập đầy đủ thông tin về địa điểm cần đăng ký.
Sau khi chọn địa điểm, người kiểm soát quét mã QR của người ra vào (có thể quét trực tiếp mã trên điện thoại, mã QR được in ra giấy, hoặc mã QR của thẻ Bảo hiểm y tế). Sau khi quét thành công, màn hình sẽ hiện ra thông tin của người ra vào (tên viết tắt) và tình trạng khai báo y tế.
In mã QR được cung cấp, dán ở lối ra vào để khách sử dụng điện thoại thông minh quét mã khi đi qua.
Theo Bảo Anh - Hoàng Huy
Vietnamnet