Nghề hái nhuỵ hoa đắt hơn vàng ròng

Thứ hai, 18/11/2019, 08:15 GMT+7

Những phụ nữ tóc bạc quây quanh một cái bàn chất đầy hoa tím. Họ vừa tán gẫu vừa thoăn thoắt nhặt hoa để lấy ra những sợi nhụy màu đỏ thẫm, khoảng 15 bông mỗi phút. Một khi được sấy khô, nhuỵ hoa sẽ trở thành thứ gia vị đắt đỏ nhất trên trái đất: nghệ tây.

Đó là truyền thống hàng nghìn năm tuổi ở Castilla-La Mancha, khu vực miền trung Tây Ban Nha vốn nổi tiếng với phô mai sữa cừu và cánh đồng cối xay gió. Chỉ trong một tuần, những cây nghệ tây ở khắp vùng đồng bằng bụi bặm như một biển hoa màu tím sáng.

La Mancha là một trong số ít vùng sản xuất nghệ tây ở châu Âu và là nơi duy nhất ở Tây Ban Nha có giấy chứng nhận của EU cho thứ gia vị đắt hơn vàng ròng này. Mặc dù nghệ tây còn có ở Italy, Iran, Ấn Độ và nhiều nơi hơn thế, những đầu bếp lừng danh như Jonathan Waxman và Yotam Ottolenghi coi nghệ tây La Mancha là tốt nhất trên thế giới. Alex Raij, đầu bếp tại Tây Ban Nha, cho rằng nghệ tây La Mancha đạt "tiêu chuẩn vàng".

Nghề hái nhuỵ hoa đắt hơn vàng ròng - Ảnh 1.

Hoa nghệ tây phải được hái ngay sau khi bung nở. Ảnh: Hispanorama Tours.

 

Thu hoạch nghệ tây là một công trình khoa học. Những bông hoa mỏng manh đến nỗi một khi chúng nở, người ta phải hái ngay lập tức trước khi mặt trời thiêu đốt chúng đến khô héo. Nếu nhuỵ hoa không được tách ra và sấy khô trong vài giờ sau khi thu hoạch, mùi thơm của chúng sẽ bay đi. Điều này lý giải tầm quan trọng của những mondadora (người lấy nhuỵ hoa).

 

"Trong lịch sử, mondadora luôn là phụ nữ và tới nay vẫn vậy", Valentina Cabra, người đồng sở hữu xưởng nghệ tây Zaffralia của gia đình, cho biết. Đàn ông sẽ ở trên cánh đồng thu hoạch, trong khi phụ nữ ở nhà tách nhuỵ hoa.

Valentina tin rằng từng bước được phân công theo bản tính tinh tế và kiên nhẫn của phụ nữ - những người có thể ngồi thật lâu quanh một cái bàn, tán gẫu và say sưa làm việc đến hết ngày, trong khi đàn ông thường nhanh chán, chậm chạp và vụng về hơn.

Nghề hái nhuỵ hoa đắt hơn vàng ròng - Ảnh 2.

Một mondadora lấy nhụy từ một bông hoa nghệ tây. Ảnh: Alamy.

 

 

 

Sản xuất nghệ tây đòi hỏi nhiều lao động, lý do chính khiến thứ gia vị này trở thành thực phẩm đắt đỏ nhất thế giới. Một kg có thể có giá tới hơn 20.000 USD, đắt hơn nấm cục trắng, thịt lợn Ibérico, trứng cá voi Beluga... Ngày nay, biệt danh của nghệ tây La Mancha là oro rojo hay vàng đỏ. Thậm chí nhiều gia đình còn có "ngân hàng" nghệ tây để phòng khi khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, thanh toán bằng gia vị xa xỉ này là điều không tưởng. Một kilogram nghệ tây chứa khoảng hơn 400.000 sợi nhuỵ hoa hái bằng tay từ hơn 150.000 bông hoa.

Từng bước sản xuất nghệ tây từ thu hoạch, lấy nhuỵ, sấy, đóng gói tại La Mancha đều được thực hiện hoàn toàn bằng tay. Đây là một trong những hoạt động nông nghiệp hoàn toàn không cơ giới cuối cùng còn lại ở châu Âu.

Leandro Sanz, nhà sản xuất nghệ tây La Mancha theo tiêu chuẩn châu Âu, cho biết: "Đó là một công việc gãy lưng. Cây mọc rất thấp trên mặt đất, bạn phải cúi xuống trong suốt thời gian thu hoạch. Vào mùa cao điểm có rất nhiều việc phải làm, đến mức 3 giờ sáng chúng tôi mới ngủ và phải thức dậy 4 tiếng sau".

Nghề hái nhuỵ hoa đắt hơn vàng ròng - Ảnh 3.

Nhuỵ hoa nghệ tây sau khi được tách ra. Ảnh: Blog de Aldonza Gourmet.

 

 

 

Đối với các nhà sản xuất nghệ tây như Valentina Cabra, việc thu hoạch nghệ tây, trên hết là cách để các gia đình quây quần theo truyền thống. Cabra nói: "Trong suốt mùa thu hoạch kéo dài 20 ngày, đại gia đình của tôi lái xe từ mọi nơi khắp Tây Ban Nha đến La Mancha để giúp một tay. Khi ngồi quanh cái bàn chất đầy hoa, chúng tôi trò chuyện, cười đùa và tận hưởng một buổi đoàn viên trong nhiều giờ liền. Điều đó, với tôi, là một sự xa xỉ".

Đến vùng Castilla-La Mancha, du khách không chỉ có cơ hội xem người địa phương canh tác nghệ tây mà còn có thể tham gia lễ hội Saffron Rose Festival thường niên từ 25 đến 27/10. Ngoài ra, nơi này còn có một bảo tàng nghệ tây (Saffron Museum) ở Madridejos, nằm trong khuôn viên một tu viện cổ.

Theo Bảo Ngọc 

Condé Nast Traveler/VnExpress


giadinh.net.vn