Làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19

Chủ nhật, 19/09/2021, 05:30 GMT+7
Làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19

Làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19

Phương thức làm việc từ xa đang ngày càng phổ biến, và trong tương lai sẽ trở thành xu hướng chung cho hầu hết doanh nghiệp trên toàn cầu.

 

Tháng 3/2021, tập đoàn Ford Motor của Mỹ cho phép khoảng 30.000 nhân viên trên toàn thế giới có thể tiếp tục làm việc tại nhà vô thời hạn, với thời gian linh hoạt được cấp quản lý chấp thuận.

Tập đoàn cho biết, những nhân viên này sẽ có phong cách làm việc “hỗn hợp”, chủ yếu làm từ xa và chỉ tới văn phòng để tham dự họp nhóm hoặc các dự án cần tương tác trực tiếp.

Ford là cái tên mới nhất trong danh sách các công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà nhiều hơn, do tác động từ dịch Covid-19. Trước đó, Salesforce, Facebook, Google và các công ty công nghệ khác cho biết sẽ tiếp tục chính sách làm việc tại nhà vô thời hạn đối với nhiều chức danh công việc.

Làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19
Tập đoàn Ford Motor đã cho phép khoảng 30.000 nhân viên trên toàn thế giới có thể tiếp tục làm việc tại nhà vô thời hạn. Ảnh: Ford

 

Theo khảo sát "21 xu hướng và tương lai công việc" công bố đầu 2021 của tập đoàn nhân sự Mỹ ManpowerGroup, 48% người lao động cho rằng dịch Covid-19 đã đặt ra một cách thức làm việc mới, đó là làm việc từ xa, làm việc ở bất cứ đâu. Phương thức này đang ngày càng phổ biến, và trong tương lai sẽ trở thành xu hướng chung cho hầu hết doanh nghiệp trên toàn cầu. Đối với một số nhóm ngành nghề, sự dịch chuyển này là vô cùng cần thiết, giúp tối ưu hóa nguồn nhân lực và vật lực.

Nhiều hãng công nghệ trên thế giới đã quyết định thay đổi chính sách, thậm chí cho phép nhân viên làm việc tại nhà suốt đời, ngay cả khi dịch bệnh kết thúc. 50% số nhân viên của Facebook có thể làm việc từ xa tại nhà trong vòng 10 năm tới, không cần phải đến công ty. Ở Twitter, những nhân viên làm công việc không đòi hỏi phải đến văn phòng cũng được phép làm việc tại nhà vĩnh viễn. Xu hướng tương tự cũng đang diễn ra đối với các tập đoàn lớn như Microsoft hay Shopify.

Thậm chí ở Trung Đông, đang có những chiến lược đón đầu và phát huy ưu thế của làm việc tại nhà nhà không chỉ ở cấp doanh nghiệp mà còn cả ở tầm quốc gia. Dubai (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất - UAE) mới đây đã đề ra chính sách cấp thị thực riêng cho người lao động làm việc từ xa.

Công ty và người lao động đều có lợi

Làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19
Tỷ lệ nhân công và năng suất lao động khi làm việc tại nhà của các ngành tiểu thủ công nghiệp ở Mỹ năm 2020 Nguồn: Emma Harrington & Natalia Emmanuel, Minh họa: The Economist

 

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, năng suất của người lao động không những không bị ảnh hưởng bởi hình thức làm việc tại nhà, mà thậm chí còn được cải thiện đáng kể nhờ tiết kiệm thời gian đi lại.

Trong môi trường làm việc ngày càng căng thẳng của xã hội hiện đại, mối quan hệ giữa năng suất lao động và hạnh phúc của nhân viên đang ngày càng được chú ý. Nhiều đánh giá ghi nhận, người lao động ít chịu căng thẳng trong công việc hơn khi làm việc tại nhà đúng tiêu chuẩn.

Bên cạnh đó, cách thức làm việc này giúp nhiều tập đoàn đa quốc gia có thể mở rộng phạm vi tuyển dụng, thu hút nhân lực chất lượng cao ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới mà không phải phụ thuộc vào khoảng cách hay vị trí địa lý. Không những thế, các doanh nghiệp sẽ cắt giảm được đáng kể chi phí về thuê mặt bằng, sắm sửa trang thiết bị làm việc cho nhân viên, chi phí điện, nước, mạng internet, bảo hiểm… và tạo điều kiện để đầu tư tốt hơn cho sản xuất kinh doanh.

Làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19
Kết quả khảo sát về năng suất lao động khi được làm việc từ xa trên 4.809 công dân Anh từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2021, được thực hiện bởi các trường Đại học Nottingham và Stanford. Nguồn: Vox EU

 

Theo một khảo sát năm 2020 của công ty dịch vụ bảo mật đám mây CoSo Cloud, 77% nhân viên được khảo sát cho biết họ cảm thấy hiệu quả hơn làm việc tại nhà, 30% trong số này còn có thể tiết kiệm đến 5.000 USD/năm. Một thống kê khác của Global Workplace Analytics cũng cho thấy, các công ty có thể tiết kiệm 11.000 USD/năm cho mỗi nhân viên làm việc từ xa bán thời gian.

Cú hích lớn cho công nghệ phát triển

Công nghệ là yếu tố quyết định cho phương thức làm việc từ xa. Chúng hỗ trợ đắc lực cho công việc, kết nối người lao động khắp mọi nơi với nhau dễ dàng và hiệu quả. Việc ứng dụng công nghệ vào làm việc tại nhà giúp các doanh nghiệp giảm thiểu chi phí, gia tăng lợi nhuận cùng sự hài lòng của nhân viên, khách hàng, từ đó hướng tới việc chuyển đổi số nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Nhiều tập đoàn đã “ăn nên làm ra” nhờ đầu tư mạnh vào các nền tảng công nghệ cho nhân viên để tiếp tục sự tương tác và kết nối từ xa, như các ứng dụng Microsoft Teams, Skype for Business, Zoom… Các nền tảng lưu trữ, hỗ trợ nhân viên truy cập vào dữ liệu công ty từ xa mà vẫn có thể đảm bảo không để xảy ra những rủi ro về bảo mật cũng nhờ đó mà đã và đang được phát triển.

Làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19
Nhiều tập đoàn, ứng dụng như Zoom đã “ăn nên làm ra” nhờ đầu tư mạnh vào các nền tảng công nghệ cho nhân viên để tiếp tục sự tương tác và kết nối từ xa. Ảnh: AP

 

2020 được xem là một năm bước ngoặt với các nền tảng làm việc trực tuyến thông qua dịch vụ đám mây như Zoom, Slack hay Microsoft 365. Xu hướng làm việc từ xa gia tăng mạnh mẽ đã khiến lượng truy cập của Zoom tăng gấp 4 lần so với trước thời điểm Covid-19 bùng phát, trong khi dịch vụ Teams của Microsoft ghi nhận tới 115 triệu người dùng hoạt động thường xuyên.

Một nghiên cứu của ManpowerGroup tại hơn 26 nghìn doanh nghiệp ở 43 quốc gia cho thấy, làm việc tại nhà đã khiến quá trình số hóa và tự động hóa diễn ra chưa từng có. Còn theo tập đoàn dịch vụ nhân sự Tasc Outsourcing có trụ sở tại UAE, nhiều công ty đang hướng tới mô hình “doanh nghiệp lai”, kết hợp nhân viên làm việc toàn thời gian với các chuyên gia làm bán thời gian.

Cơ hội cho người trẻ ở Việt Nam

Thời điểm đầu năm 2020, khi Việt Nam chính thức công bố dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã quyết định triển khai làm việc tại nhà. Trên thực tế, từ nhiều năm trước, một số công ty của Việt Nam đã tham gia các dự án cùng những cộng sự quốc tế thông qua hình thức làm việc trực tuyến từ xa. Bối cảnh dịch Covid-19 có thể xem là chất xúc tác “thổi bùng” xu hướng này.

Làm việc từ xa sau đại dịch Covid-19
Kết quả khảo sát về thái độ đối với làm việc từ xa trên 4.809 công dân Anh từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2021, được thực hiện bởi các trường Đại học Nottingham và Stanford. Nguồn: Vox EU

Trong Báo cáo Khảo sát hiệu quả làm việc từ xa tại Việt Nam được ACheckin công bố năm 2020, khoảng 74% số người tham gia khảo sát phản ánh, họ không có cảm nhận tiêu cực khi làm việc tại nhà. Còn theo một cuộc khảo sát của Owl Labs, 55% nói rằng họ có thể sẽ tìm kiếm một công việc khác nếu không còn được phép làm việc từ xa. Số liệu này cho thấy nỗi lo lớn nhất của các nhà quản trị khi áp dụng phương thức làm việc tại nhà - giảm năng suất làm việc - không còn nữa.

Lý do là vì sau một thời gian thích nghi, các doanh nghiệp Việt Nam đã tìm ra được phương án phù hợp cùng những phần mềm vận hành và quản lý tốt nhất cho phương thức làm việc này.

Có thể thấy, trong bối cảnh hạn chế những tiếp xúc trực tiếp do dịch bệnh, làm việc tại nhà không chỉ là giải pháp “cứu cánh”, mà còn giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí thường xuyên như điện, nước, phụ cấp đi lại, điện thoại… mà vẫn đảm bảo hiệu quả công việc cho người lao động. Quan trọng hơn, xu hướng này còn giúp thế hệ trẻ Việt Nam hội nhập nhanh hơn với phong cách làm việc trong thời đại toàn cầu hóa.

Việt Anh


vietnamnet.vn