Kinh doanh riêng có quyền tự chủ và linh hoạt hơn làm công ăn lương, nhưng cũng đồng nghĩa với việc “đau đầu” gấp đôi.
"Mọi người hỏi tôi, kinh doanh vì đam mê thú vị lắm nhỉ?, chị Huyền, chủ một thương hiệu nước ép rau, củ quả sạch chia sẻ về câu chuyện của mình.
Chị từng là nhân viên của một công ty bảo hiểm nhân thọ. Trong quãng thời gian nghỉ ngơi ở nhà, chị mày mò và có sở thích làm các loại nước ép rau, củ, quả. Nhận thấy lợi ích của chúng đối với sức khỏe, chị viết blog, chia sẻ công thức và sở thích hằng ngày với mọi người. Nhận được nhiều lời ủng hộ từ bạn bè, đặc biệt là sự ủng hộ của chồng, chị Huyền quyết định mở một thương hiệu nước ép sạch của riêng mình.
Trên thực tế, có rất nhiều người kinh doanh xuất phát từ sở thích hay đam mê cá nhân. Tuy nhiên, khi sở thích biến thành công việc kiếm tiền, đó là trách nhiệm và áp lực. Nếu đam mê không đủ lớn, bạn khó có thể đi đường dài bởi việc kinh doanh riêng rất khó khăn và nhiều lúc tưởng như bế tắc, chị chia sẻ.
"Có rất nhiều lúc tôi tự nhủ rằng thôi quay lại đi làm thuê", chị nói. Bởi đấy là lựa chọn dễ nhất, không phải suy nghĩ gì nhiều. Nhiều người nhìn vào thấy việc khởi nghiệp hay kinh doanh thật là "đáng nể". Tuy nhiên, không nên so sánh rằng một người mở một doanh nghiệp thì hơn một người đi làm thuê. Chỉ khác nhau ở chỗ, một người làm công việc có tính bất ổn định, có quyền tự chủ hơn nhưng có nhiều áp lực, trách nhiệm hơn, còn con đường đi làm cho tổ chức ít bị tốn kém về năng lượng hơn.
Kinh doanh là một lựa chọn khó khăn. Ảnh: WGW
Chị Hà, chủ một thương hiệu đồ uống sữa hạt ở Hà Nội cũng kể lại câu chuyện tương tự. "Bạn bè tôi nói rằng bây giờ làm riêng nhàn hơn ngày xưa nhỉ? Mọi người nghĩ bán sữa hạt là chỉ việc cho nguyên liệu vào máy xay sinh tố, đổ vào chai, giao đi, thế là xong. Tuy nhiên, đó chỉ là câu chuyện khi làm một chai, hai chai hay 10 chai để phục vụ nhu cầu gia đình. Câu chuyện sản xuất 100 chai là một câu chuyện hoàn toàn khác, gặp rất nhiều vấn đề về quản trị, vận hành, đặc biệt là tối ưu quy trình giao hàng (mặt hàng sữa hạt có tính đặc thù là rất mau hỏng)", chị cho hay.
Nhiều người làm kinh doanh riêng khẳng định việc kinh doanh riêng không dễ tí nào. Nếu như thời gian đi làm công sở 8 tiếng mỗi ngày thì làm chủ doanh nghiệp phải bỏ thời gian gấp đôi. Thậm chí tối muộn, họ vẫn phải xử lý những công việc sau cùng là trách nhiệm của mình. Thời gian đầu, người chủ cũng phải chấp nhận làm mọi thứ tỉ mỉ, kể cả cọ bồn cầu, không nề hà bất kỳ việc gì. "Bỏ nhiều công sức và tiền đầu tư mà chưa chắc thành công, thu nhập cũng không chắc hơn đi làm thuê", một người kinh doanh cà phê chia sẻ.
Trên thực tế, nhiều người đã có những "bài học đắt tiền" khi thực hiện mong muốn làm chủ của mình. Anh Lê Hữu Lộc nhớ lại quyết định nghỉ việc sau 6 năm đi làm để thực hiện ý định kinh doanh ấp ủ từ lâu.
Có trong tay khoản tiết kiệm 200 triệu đồng, anh vay thêm ngân hàng 400 triệu để mở cửa hàng kinh doanh thiết bị công nghiệp. Tuy nhiên, quyết định kinh doanh khi chưa có sự chuẩn bị kỹ về kiến thức, anh phải đối mặt với nhiều vấn đề. Các mặt hàng nhập về không đáp ứng đúng thị hiếu của người mua. Cửa hàng vắng khách, anh vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng 20 triệu, lương nhân viên và lãi ngân hàng, vậy nên tháng nào anh cũng bù lỗ.
Sau một năm kinh doanh không hiệu quả, anh quyết định chuyển nhượng cửa hàng nhưng hoàn toàn bất ngờ khi họ chỉ mua hàng tồn với dạng thanh lý. Không chịu được áp lực về chi phí hàng tháng, quá mệt mỏi và bế tắc, anh đành sang nhượng lại cửa hàng với giá 150 triệu đồng. Một năm sau nghỉ việc để kinh doanh riêng, anh mất toàn bộ tiền tiết kiệm, làm nên một khoản nợ lớn.