Nhiều tháng qua, một số người mang cưa máy, trâu kéo đến khai thác gỗ trái phép trong rừng phòng hộ thuộc thôn 5, xã Trà Giác. Khu vực này do Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh (huyện Bắc Trà My) quản lý.
Gỗ được trâu kéo ra bìa rừng tập kết chờ đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Đắc Thành. |
Tại khu rừng trồng gỗ keo giáp với rừng phòng hộ (xã Trà Giác) có 16 phách gỗ dài khoảng 3 m, rộng 40 cm và 5 phách dài 5 m, rộng 15 cm được tập kết để chờ chuyển ra ngoài.
Dọc theo lối mòn vào rừng phòng hộ có nhiều cây gỗ mới bị chặt hạ, vết cưa còn mới; lõi cây được xẻ đưa đi, còn lại gốc, bìa cây nằm lại. Một số cây gỗ vừa đốn hạ, phân thành khúc chưa được cưa xẻ nằm ngổn ngang bên cạnh.
Gốc cây có đường kính hơn một mét bị chặt hạ. Ảnh: Đắc Thành. |
Ngoài ra, một số gốc cây bị đốn hạ với dấu cưa đã cũ cho thấy việc khai thác trái phép diễn ra nhiều tháng qua.
Ông Phạm Xuân Bách, Chủ tịch xã Trà Giác, thông tin khu vực này được Ban quản lý rừng phòng hộ sông Tranh ký hợp đồng với người dân giao khoán bảo vệ. Chính quyền chỉ phối hợp quản lý, trách nhiệm chính thuộc về Ban quản lý rừng.
Theo ông Bách, người dân địa phương sử dụng gỗ làm nhà, tuy nhiên thường lấy gỗ quanh vườn chứ không lên rừng chặt hạ. "Từ đầu năm 2019 đến nay, chúng tôi chưa phát hiện vụ phá rừng nào xảy ra", ông nói.
Nhiều phách gỗ được cưa xẻ nằm lại trong rừng. Ảnh: Đắc Thành. |
Ông Hồ Tất Thiện, Phó giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh, cho hay đơn vị chưa nắm được sự việc ở rừng Trà Giác. "Chúng tôi sẽ kiểm tra và chuyển hồ sơ cho Hạt kiểm lâm huyện Bắc Trà My thụ lý", ông Thiện nói.
Theo ông Thiện, đơn vị quản lý hơn 13.000 ha rừng phòng hộ. Tại xã Trà Giác có một trạm bảo vệ rừng và tổ cộng đồng của người dân quản lý. Mỗi năm, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tranh chi trả cho người dân từ 200.000 đồng đến 350.000 đồng một ha giao khoán bảo vệ, lấy từ phí dịch vụ môi trường rừng.
Từ đầu năm đến nay, huyện Bắc Trà My đã xảy ra nhiều vụ phá rừng. Cuối tháng 3, tại xã Trà Bui, lâm tặc dùng cưa máy vào rừng phòng hộ Sông Tranh chặt hạ 20 cây gỗ. Trong đó có hai cây gỗ chò, còn lại là gỗ chuồn với khối lượng hơn 17 m3.
Đầu tháng 8, 18 cây gỗ rừng tự nhiên thuộc khoảnh 5, Tiểu khu 781 (thôn 1, xã Trà Kót) bị chặt hạ. Cuối tháng 8, 10 cây gỗ lớn trong rừng tự nhiên xã Trà Nú cũng bị khai thác trái phép.