Đức Gyalwang Drukpa: 'Hạnh phúc là biết bằng lòng với cuộc sống'

Thứ sáu, 01/03/2019, 22:25 GMT+7

Chiều 1/3, tại Hà Nội, Đức Gyalwang Drukpa có buổi chia sẻ với trí thức, doanh nhân, phật tử về chủ đề "Vấn đáp tâm linh thời hiện đại".

Đức Gyalwang Drukpa dành nhiều thời gian nói về hạnh phúc và làm sao để mỗi người có được hạnh phúc. Theo ông, để trở thành người tốt, nhân hậu, sống hạnh phúc thì mỗi người cần biết bằng lòng với cuộc sống đang có. "Khi biết hài lòng thì hạnh phúc sẽ đến tự nhiên. Nhưng làm sao để một người sống luôn biết hài lòng với hiện tại là câu hỏi lớn", Đức Gyalwang Drukpa đặt vấn đề. 

Đức Gyalwang Drukpa. Ảnh: PV. 

Đức Gyalwang Drukpa. Ảnh: PV. 

Ông giải đáp, muốn làm được vậy, mỗi người phải tự rèn luyện mình. "Một cậu bé khi còn nhỏ, muốn trưởng thành phải rèn luyện qua quá trình học hành, nghiên cứu. Để tập hài lòng với những gì mình đang có, mỗi người phải rèn luyện và tạo điều kiện cho bản thân rèn luyện điều đó", Đức Gyalwang Drukpa nói. 

Theo ông, nếu mỗi người không có một tiến trình nghiêm túc để rèn luyện thì chắn chắn không thể vượt qua được chính bản thân để đạt được hạnh phúc. "Hạnh phúc không bao giờ đến từ bên ngoài mà đến từ bên trong của chính chúng ta", Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ. 

Ông dẫn chứng, trong cuộc sống đời thường, nếu biết cân bằng giữa việc kiếm tiền, kinh doanh nhưng vẫn giữ được những mối liên hệ trong gia đình được bình an là điều hạnh phúc. Điều này, mỗi người có thể học từ thế hệ đi trước đã trưởng thành. 

"Có nhiều người khi gặp tôi, họ nói rằng việc kiếm tiền không còn quan trọng, chỉ cần tâm linh và thực hành các nghi lễ. Nhưng đó là sai lầm rất lớn. Để tồn tại trong cuộc sống này, chúng ta phải nỗ lực làm việc hết lòng. Bản thân tôi cũng phải dành thời gian đi đó đây, gặp gỡ, làm việc, chia sẻ về Phật pháp. Các chư tăng, chư ni cũng phải cố gắng rèn luyện, thiền định, nghiên cứu. Làm việc là cách để chúng ta tồn tại", Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ và nói, thậm chí ông làm việc đến mức không có đủ thời gian để ngủ. 

Vì vậy, ông khuyên mọi người hãy trân trọng những công việc đang làm, phấn đấu hết mình trong công việc, sử dụng thời gian để làm việc có ích cho gia đình, người thân, xã hội, đất nước. Biết tri ân những công việc mà mình có cơ hội phụng sự thì hạnh phúc sẽ đến. 

Theo Đức Gyalwang Drukpa, hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà từ chính bản thân mỗi người. Ông cho rằng, người nào nghĩ hạnh phúc đến từ bên ngoài và nỗ lực chờ đợi sẽ tạo nên căng thẳng, mệt mỏi. "Hạnh phúc chân thật nhất không thể đến từ bên ngoài mà từ bên trong. Bởi vậy, hãy làm cho mình thật hạnh phúc với những gì đang có", ông nói và lấy dẫn chứng, trước tiên hãy trân trọng mỗi bộ phận trên cơ thể mình như đôi mắt, hai chân, hai tay, khả năng nghĩ, nói... Sau đó, hãy tri ân cha mẹ, người thân, ngôi nhà che nắng mưa, cái bếp để nấu cơm... 

Đức Gyalwang Drukpa nói thêm, hiện nhiều người không hiểu về tâm linh nên bị kẹt trong tôn giáo vì không hiểu về giáo pháp. Điều này khiến cuộc sống thêm căng thẳng, mệt mỏi nhiều hơn.

"Những người chưa theo đạo Phật nhìn vào sẽ thắc mắc vì sao những người theo đạo Phật lại cố chấp, ích kỷ, cố thủ nhiều như vậy? Họ thấy mệt mỏi và sẽ không theo Phật giáo nữa. Đó là lý do vì sao đạo Phật đang dần đi xuống, hay còn gọi là "thời mạt pháp", Đức Gyalwang Drukpa bày tỏ và khẳng định, đạo Phật không phải là tôn giáo để thờ cúng. Ông nhắc lại lời dạy của đức Phật với các đệ tử là hãy "biết đủ", thì mới có hạnh phúc. 

Tại toạ đàm, Đức Gyalwang Drukpa dành thời gian giải đáp nhiều câu hỏi của trí thức, doanh nhân, phật tử về những thắc mắc khi kiếm tìm trong cuộc sống hằng ngày. Những chia sẻ của Đức Gyalwang Drukpa tại toạ đàm dự kiến sẽ được Drukpa Việt Nam tập hợp xuất bản thành sách. 

Đức Gyalwang được phật tử kính ngưỡng là Hóa thân Phật Quan Âm. Ngài đã nhiều lần đến thăm Việt Nam và từng cầu an tại Bảo tháp Tây Thiên.

Hôm 20/2, Đức Gyalwang Drukpa cùng Tăng đoàn Truyền thừa Phật giáo Ấn Độ Drukpa trở lại Việt Nam. Trong ba ngày 22-24/2, Ngài đã khai đàn và chủ trì đại pháp hội cầu an đầu xuân tại Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc).


vnexpress.net