Đô thị ngộp vì bụi

Thứ ba, 28/05/2019, 19:26 GMT+7

Quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại các đô thị lớn của Việt Nam, đặc biệt là tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM khiến cho tình trạng môi trường trở nên căng thẳng. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí (chủ yếu là hàm lượng bụi) tại 2 TP này đã vượt quy chuẩn cho phép 1 - 2 lần. Đặc biệt, tại các công trình xây dựng, các nút giao thông trọng điểm, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5 - 6 lần quy chuẩn cho phép…


Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Hiện nay, tại các đô thị, ô nhiễm do bụi vẫn là vấn đề đáng lo ngại nhất và chưa được cải thiện so với giai đoạn trước. Nồng độ các thông số bụi (bụi mịn và bụi lơ lửng) có xu hướng duy trì ở ngưỡng cao, đặc biệt tại các trục giao thông và tuyến đường chính ở các đô thị lớn. Các khu công trường xây dựng cũng góp phần đáng kể gây ô nhiễm bụi và phạm vi ô nhiễm chủ yếu là cục bộ. Kết quả đo cho thấy, số ngày có giá trị bụi PM10, PM2,5 vượt QCVN chiếm tỷ lệ khá cao, đặc biệt, tại các trạm ven đường giao thông. Bên cạnh đó, là vấn đề bụi mịn, yếu tố có tác động nguy hại đáng kể đối với sức khỏe người dân. Tỷ lệ bụi mịn (PM2,5 và PM1) ở mức khá cao, đặc biệt, ghi nhận vào những ngày nhiệt độ thấp hoặc không khí khô.

Các quan trắc khí thải từ các phương tiện giao thông gây ra tại 20 vị trí khác nhau ở TP.HCM cho con số đáng lo ngại. Cụ thể, bụi lơ lửng từ các phương tiện giao thông thải ra với hơn 72% vượt tiêu chuẩn cho phép. Những khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao, tập trung ở các khu vực ngã tư An Sương, khu vực ra vào cảng Cát Lái (Q.2); khu vực đường Cộng Hòa, Trường Chinh, ngã sáu Gò Vấp…

Còn ở Hà Nội, 70% lượng khói bụi gây ô nhiễm cũng được xác định phát sinh từ hoạt động giao thông, với 85% lượng khí thải CO2 và 95% lượng hợp chất hữu cơ dạng hơi mà mắt thường khó nhìn thấy được. Một khảo sát vào cuối tháng 1/2019 tại nhiều điểm ở Hà Nội cũng ghi nhận chất lượng không khí (AQI) có lúc gần chạm mức nguy hiểm, trong đó, nhiều nhất là bụi mịn PM 2.5. Báo cáo xác định thời điểm ô nhiễm không khí cao nhất thường tại Hà Nội xuất hiện vào buổi sáng (từ 7 - 8h), buổi chiều (18 - 19h) và giảm xuống thấp nhất vào ban đêm (23 - 1h) khi lưu lượng phương tiện giao thông giảm đi.

Các chuyên gia môi trường cho rằng, TP.HCM và Hà Nội đang cố gắng nhưng vẫn chưa đủ. Giải quyết ô nhiễm không khí phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp nhưng trước mắt cần có những giải pháp mạnh tập trung vào nguồn giao thông. Từ cuối năm 2018, Sở TN&MT và Sở GTVT TP.HCM đã có kế hoạch đề xuất UBND TP xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với môtô, xe gắn máy nhưng đến nay vẫn chưa được được chấp thuận.

Rõ ràng, ô nhiễm không khí tại các đô thị ngày càng trầm trọng và tương lai sẽ càng tăng nếu chúng ta không có mục tiêu cụ thể, các hành động kịp thời.


Mai Chi/baoxaydung.com.vn