Nếu như năm 2020, điểm chuẩn đại học ‘bùng nổ’ khiến nhiều thí sinh ngỡ ngàng thì năm nay, điểm chuẩn nhiều ngành tiếp tục xác lập kỷ lục mới. Có những ngành mà điểm chuẩn đã tăng đến 9 điểm, mức tăng từ 2- 4 điểm cũng không hiếm.
Tuy nhiên, đây là điều không bất ngờ bởi số lượng thí sinh năm nay nhiều hơn mọi năm, đề thi tốt nghiệp THPT được cho là ‘dễ thở’ hơn so với những năm trước, đặc biệt với các tổ hợp xét tuyển có môn tiếng Anh. Trong khi đó, các trường đại học ngày càng đa dạng về phương thức xét tuyển
Đến sáng nay 16/9/2021, đã có trên 60 trường đại học công bố điểm trúng tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT.
>>> Danh sách các trường đại học đã công bố điểm chuẩn năm 2021<<<
Click để tra cứu điểm chuẩn đại học 2021 toàn quốc
Những ngành học ‘hot’
Điểm chuẩn cao nhất có lẽ đang thuộc về ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân của Học viện Chính trị CAND, lên tới 30,34 điểm với nữ (khối C00). Xếp thứ 2 trong khối các trường công an là điểm chuẩn ngành Nghiệp vụ An ninh của Học viện An ninh Nhân dân với mức 29,99 điểm, áp dụng cho thí sinh nữ ở địa bàn 1 (10 tỉnh miền núi phía Bắc), dự thi khối A01.
Ngành Hàn quốc học (khối C00) của Trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn tiếp tục lấy điểm chuẩn 30/30 vào năm nay. GS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng trường này từng lý giải, chỉ tiêu vào ngành học này vốn không cao nhưng nhà trường đã xét tuyển thẳng hơn một nửa số chỉ tiêu.
Cũng ở trường này, có những ngành mà điểm chuẩn khối C00 cũng ở mức gần tuyệt đối như Đông phương học (29,8 điểm), Quan hệ công chúng (29,3 điểm).
Điểm chuẩn nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin tiếp tục nằm trong top đầu. Năm nay, điểm chuẩn của những ngành học này không có nhiều biến động, nếu có tăng thì chỉ tăng ở mức rất ít do điểm chuẩn đã luôn ở mức rất cao trong vài năm trở lại đây.
Điểm trúng tuyển ngành Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thấp nhất là 27,19 điểm và cao nhất là 28,43 (ngành Khoa học máy tính). Ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, mức điểm chuẩn cao nhất cũng thuộc về ngành Khoa học máy tính với 28 điểm.
Trong khi đó, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) lấy điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin tới 28,75 điểm.
Còn tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, điểm chuẩn ngành Công nghệ thông tin (miễn học phí) cũng ở mức từ 28,25 với khối A00 và 28,75 điểm với khối A01, D01, D90.
Ở nhóm ngành Luật, dẫn đầu là điểm chuẩn vào ngành Luật Kinh tế (khối C00) của Trường ĐH Luật Hà Nội với 29,25 điểm. Trong khi đó, ở Trường ĐH Luật TP.HCM, điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Luật thương mại quốc tế với 28,5 điểm (khối D).
Với các trường đào tạo kinh tế, điểm chuẩn vào Trường ĐH Ngoại thương năm 2021 ở trụ sở Hà Nội và TP.HCM đều ở mức trên 28 điểm. Trong đó, cao nhất là điểm chuẩn ngành Kinh tế, Quản trị Kinh doanh (tổ hợp khối A00, trụ sở TP.HCM) với 28,55 điểm.
Tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cao nhất là điểm chuẩn ngành Logitics và quản lý chuỗi cung ứng với 28,3 điểm. Điểm chuẩn các ngành Kinh tế quốc tế, Kinh doanh quốc tế, Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Marketting, Kiểm toán đều trên 28 điểm.
Ngành Sư phạm ‘hút’ thí sinh
Bắt đầu từ năm nay, ngoài việc được miễn học phí, sinh viên Sư phạm sẽ được nhận 3,63 triệu đồng/tháng. Ảnh minh họa: Thúy Nga |
Ông Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, năm nay, điểm chuẩn các ngành đào tạo của trường hầu như không tăng nhiều.
“Các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm tiếng Anh không biến động nhiều bởi tầm 28 điểm cũng có thể vào diện kịch trần, hơn 9 điểm/môn vốn đã quá cao”, ông Minh phân tích.
Tuy nhiên, nếu so với điểm chuẩn của năm ngoái, ngành Giáo dục chính trị có điểm chuẩn tăng đột biến tới tận 9 điểm. Ngành Giáo dục công dân (mã 7140204B) cũng tăng đến 6,75 điểm.
Ông Cao Bá Cường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 thì cho hay, nhìn chung, điểm chuẩn các ngành đào tạo sư phạm (đào tạo giáo viên) của trường năm nay đều tăng nhẹ, từ 0,5 điểm trở lên. Số thí sinh có nguyện vọng vào trường năm nay tăng so với năm ngoái, đặc biệt với ngành Giáo dục tiểu học.
Đáng chú ý là tại Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn các nhóm ngành đã tăng từ 2,3 đến 5,8 điểm so với năm 2020. Ngành học từng bị cho là ‘ế ẩm’ - ngành học Giáo dục mầm non có mức điểm chuẩn lên tới 25,05 điểm (năm ngoái 19,25 điểm).
GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục cho biết, năm nay số thí sinh đăng kí nguyện vọng vào trường, ‘tỉ lệ chọi’ rất cao.
Lãnh đạo 3 trường đào tạo sư phạm lớn đều cho rằng, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm chắc chắn đã có tác động tích cực tới gia đình và thí sinh trong việc quyết định nguyện vọng. Theo Nghị định này, ngoài được miễn học phí, sinh viên còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí, cao hơn cả mức lương khởi điểm của một công chức nhà nước.
Điểm chuẩn tăng không bất ngờ
Ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, các ngành có xu hướng tăng điểm chuẩn nhiều như nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin (tăng từ 0,5 – 1,5 điểm), Khoa học dữ liệu (tăng 2,5 điểm), ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (tăng hơn 2 điểm); Ngành Công nghệ kỹ thuật Hóa học (tăng hơn 1,5 điểm)…
Đặc biệt, nhóm ngành Khoa học cơ bản như Toán học, Toán tin, Toán ứng dụng có mức điểm chuẩn tăng 4,25 điểm do với năm ngoái và tăng gần 8 điểm so với 2 năm trước. Nếu năm 2019, nhóm ngành này có điểm chuẩn 16,1 và đến năm 2020 có điểm chuẩn là 20 thì năm nay điểm chuẩn từ 24 điểm.
Ông Phùng Quán, Trưởng phòng Thông tin – Truyền thông, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho hay việc tăng điểm chuẩn này đã được dự báo trước. Lý do là năm nay có hơn 758.837 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng với 3,8 triệu nguyện vọng. Tuy nhiên, tổng chỉ tiêu tuyển sinh không đổi. Một nguyên nhân nữa là các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển, khiến chỉ tiêu tuyển xét từ điểm tốt nghiệp THPT giảm.
Tại Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM, điểm chuẩn các ngành tăng từ 1-4,5 điểm so với năm ngoái. Trong đó, ngành Quản trị khách sạn có mức tăng nhiều nhất với 4,5 điểm so với năm 2020.
Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc tuyển sinh nhà trường cho rằng điểm chuẩn năm nay tăng là điều dễ lý giải bởi điểm thi tốt nghiệp THPT đã cao sẵn. Về phổ điểm, phần lớn tổng điểm 3 môn xét tuyển nằm trong khoảng từ 20 đến 25 điểm. Do vậy, các ngành có mức 18-19 các năm trước thì nay tăng thêm 2-3 điểm không có gì bất ngờ.
Bà Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Ngoại thương nhận xét, điểm chuẩn các ngành học của trường đều tăng và tăng đều khoảng 1 điểm so với năm ngoái, một phần có lẽ cũng bởi mặt bằng chung điểm thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh năm nay cao.
Thanh Hùng – Lê Huyền