Dịch tả lợn châu Phi xuất hiện tại Hải Phòng

Chủ nhật, 24/02/2019, 13:50 GMT+7
Đàn lợn 35 con của gia đình ông Vũ Văn Đạt ở xã Chính Mỹ, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) chết do mắc bệnh dịch tả lợn Châu Phi.

Đàn lợn 35 con của gia đình ông Vũ Văn Đạt ở xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Ngày 22/2, sau khi nhận được thông tin đàn lợn 35 con của gia đình ông Vũ Văn Đạt ở xã Chính Mỹ (Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) chết bất thường, có biểu hiện của bệnh dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, FAO và nhà chức trách Hải Phòng đã về chỉ đạo xử lý.

Năm mẫu huyết thanh và phủ tạng lợn chết được lấy để xét nghiệm, kết quả ba mẫu (một huyết thanh và hai phủ tạng) dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết xét nghiệm có mầm bệnh giống ở Thái Bình và Hưng Yên.

Xác định đây là ổ dịch đầu tiên tại Hải Phòng, nhà chức trách đã khoang vùng, phun thuốc khử trùng, tiêu độc và tiêu hủy toàn bộ số lợn nhiễm bệnh bằng cách chôn lấp.

Toàn bộ số lợn nhiễm bệnh chết đã được nhà chức trách phối hợp cùng gia đình ông Đạt chôn lấp tại chỗ. 

Toàn bộ số lợn nhiễm bệnh đã được chôn lấp tại chỗ. 

Tiến sĩ Pawin Padungtod, đến từ Trung tâm khẩn cấp kiểm soát dịch bệnh động vật lây truyền qua biên giới thuộc FAO cho biết, dịch tả lợn châu Phi không lây nhiễm từ lợn sang người, mọi người không quá lo lắng và tẩy chay thịt lợn. Các hộ chăn nuôi để phòng chống dịch chỉ cần vệ sinh chuồng trại đúng cách.

Tiến sĩ Pawin đánh giá cao công tác phòng chống dịch của Việt Nam, cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã chuẩn bị và ứng phó với dịch tả lợn châu Phi nhanh chóng, công khai thông tin dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất. "Đây là điều kiện rất quan trọng để các tổ chức quốc tế, trong đó có FAO huy động các nguồn lực, chuyên gia giúp Việt Nam sớm kiểm soát dịch bệnh", ông nói.

Trước đó ngày 19/2, Cục Thú y thông báo phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi tại tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. tại Hưng Yên có 2 ổ dịch với hơn 130 con lợn. Tại Thái Bình, có một ổ dịch với 123 con lợn. Toàn bộ số lợn mắc bệnh đã được tiêu hủy; chính quyền địa phương lập các chốt chặn vận chuyển, buôn bán lợn sống, sản phẩm thịt lợn, khử trùng môi trường khu vực chăn nuôi, chợ dân sinh.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, tỷ lệ chết cao, lên đến 100%.

Thống kê của OIE, tính từ năm 2017 đến ngày 18/2/2019, 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Tổng cộng đã có hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

Tại Trung Quốc, từ ngày 3/8/2018 đến ngày 18/2, có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh (trong đó có nhiều ổ dịch xảy ra tại tỉnh Vân Nam và Quảng Đông gần biên giới với Việt Nam). Tổng cộng đã có hơn 950.000 con lợn phải tiêu hủy.


vnexpress.net