Đầu vào vô tận, điện rác giá 2.000 đồng/kWh

Thứ bảy, 01/06/2019, 15:33 GMT+7

Rác thải thực sự là một nguồn tài nguyên quý giá nếu được xử lý đúng cách, và các nhà máy điện rác là một “cứu cánh” cho tình trạng rác thải tràn lan hiện nay.

Rác thải thực sự là một nguồn tài nguyên quý giá nếu được xử lý đúng cách, và các nhà máy điện rác là một “cứu cánh” cho tình trạng rác thải tràn lan hiện nay.

Mới đây, tỉnh Bắc Ninh đã khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, với tổng mức đầu tư khoảng trên 1,3 nghìn tỷ đồng.

Sau khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tiếp nhận xử lý 500 tấn rác/ngày đêm với tổng công suất phát điện lên tới 11,7MW. Nhà máy đốt rác phát điện công nghệ cao Bắc Ninh được xây dựng trên khu đất có diện tích 4,834 ha thuộc khu Quy hoạch xử lý chất thải của tỉnh Bắc Ninh.


Mô hình nhà máy điện rác.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Nguyễn Tiến Nhường nhấn mạnh: Bắc Ninh được đánh giá là địa phương phát triển mạnh mẽ, một trung tâm phát triển công nghiệp với nhiều chỉ tiêu nằm trong tốp dẫn đầu cả nước. Bên cạnh sự phát triển kinh tế, Bắc Ninh cũng đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm chất thải rắn sinh hoạt. Hiện nay, mỗi ngày trên địa bàn tỉnh phát sinh khoảng 870 tấn rác thải sinh hoạt; dự tính đến năm 2020, lượng rác thải sinh hoạt sẽ lên đến 1.000 tấn/ngày đêm.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hơn 10%/năm, lượng rác phát sinh sẽ tăng trên 10% hàng năm. Điều này đặt ra những thách thức không nhỏ đối với địa phương trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường.

Không phải chỉ ở Bắc Ninh, rác thải đang là vấn đề khiến nhiều địa phương đau đầu. Trong khi đó, việc xử lý chủ yếu lại bằng phương pháp chôn lấp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Chính vì vậy, việc phát triển điện rác được Chính phủ khuyến khích. Tại Thông tư 32/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 8/10/2015 về phát triển dự án và Hợp đồng mua bán điện mẫu áp dụng cho các dự án phát điện sử dụng chất thải rắn, giá mua điện rác được quy định rõ ràng, cụ thể.

Theo đó, giá mua đối với các dự án phát điện đốt chất thải rắn trực tiếp lên đến 10,05 UScents/kWh (hơn 2.300 đồng/kWh).

Tháng 2/2018, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng đã thống nhất ký kết một hiệp định vay hỗ trợ phát triển các nhà máy năng lượng từ rác thải (WTE) tại các khu đô thị loại 1 và loại 2 ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Việt Nam). Hiệp định có giá trị lên đến 100 triệu USD. Dự án được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài cũng đang tìm kiếm các khả năng đầu tư vào điện rác.

Tuy nhiên, thách thức cho việc phát triển điện rác vẫn còn rất lớn. Một trong những lý do chính là Việt Nam vẫn chưa làm tốt công tác phân loại rác thải từ nguồn. Điều này khiến các nhà máy xử lý rác, nhà máy điện rác gặp nhiều khó khăn trong công tác phân loại rác.

Theo lãnh đạo Công ty CP Môi trường năng lượng Thăng Long, các nước làm rất tốt khâu phân loại rác tại nguồn, nhưng việc Việt Nam thiếu khả năng phân loại rác ảnh hưởng nhiều đến quá trình chọn lựa công nghệ để đầu tư nhà máy đốt rác phát điện..

Để dùng đươc loại rác ở Việt Nam, DN phải đầu tư thêm công nghệ phân loại rác với giá trị đầu tư khoảng hơn 10 triệu USD để phân loại rác trước khi đốt rác phát điện. Bằng công nghệ này, các loại rác nguy hiểm như vỏ lựu đạn, bình gas,... sẽ được phân loại trước khi bước vào quy trình đốt rác.


Theo H.Nam/Vietnamnet.vn