Công trường hơn 5.000 ngày đêm sáng đèn trên sông Đà

Thứ tư, 13/11/2019, 08:00 GMT+7

Phạm Bá Khoa (quê Hà Nam) ngày ấy chớm bước sang tuổi 20, vừa cùng 500 thanh niên trở về từ Liên Xô sau ba năm học khoan thăm dò dầu khí. Họ đi sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, và trở về khi cuộc chiến tranh khác sắp nổ ra trên biên giới. Đội thăm dò đi khắp vùng Diêm Điền, Tiền Hải, Thái Bình tìm dầu khí nhưng không có, được biên chế về Công ty xây dựng công trình ngầm, Tổng công ty xây dựng thủy điện sông Đà.

Theo kế hoạch, nhà máy thủy điện sẽ được xây gần đồi ông Tượng, cách thị xã Hòa Bình hơn 2 km. Xe ben, máy xúc, máy đào đã tập kết về đây giải phóng mặt bằng, làm đường, xây lán trại công nhân. Những dãy nhà cấp 4 được dựng lên từ cây rừng, mái lá. Tất cả chuẩn bị cho sự ra đời của một nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á trong thế kỷ 20.

TIến sĩ Phạm Bá Khoa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ từng có 4 năm làm việc trên công trường thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Trấn Huấn.

TIến sĩ Phạm Bá Khoa, nguyên Giám đốc Bảo tàng Tuổi trẻ từng có 4 năm làm việc trên công trường thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Trấn Huấn.

Năm 1978, Viện Thiết kế thủy công Moscow, Liên Xô hoàn thành thiết kế kỹ thuật Thủy điện Hòa Bình. Một cuộc tranh luận nổ ra về việc nên thi công ngầm hay lộ thiên? Theo thiết kế, chỉ có thân đập nằm phía ngoài, còn các tổ máy và công trình phụ trợ sẽ thi công ngầm. Phía Liên Xô ủng hộ phương án ngầm. Tiết kiệm được 4% chi phí và cho phép tổ máy 1, 2 chạy trước mà không cần chờ các tổ máy khác. Nhà máy hoạt động sớm tăng khả năng điều tiết chống lũ, nhanh thu hồi vốn và tạo ra năng lượng phục vụ cho công cuộc điện khí hóa quốc gia.

Viện trưởng Nikolai Aleksandrovich Malyshev nói, Liên Xô có đủ chuyên gia và kỹ thuật để giúp đỡ. Thời điểm ấy, Việt Nam chưa từng xây dựng công trình ngầm nào. Tiếng nói phản biện cũng đến từ những người thầy của Việt Nam, như nhà khoa học Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Xiển, Trần Đăng Khoa. Khi chiến tranh vẫn nổ ra ở hai đầu đất nước, Trung ương cuối cùng lựa chọn phương án ngầm.

Để chuẩn bị quân số cho thi công ngầm, Khoa cùng hơn 300 công nhân khoan thăm dò dầu khí được chuyển qua đào tạo cấp tốc về khoan ngầm và khoan nổ lộ thiên ở Xuân Mai (Chương Mỹ). Buổi sáng công nhân lên lớp, chuyên gia Liên Xô trực tiếp giảng dạy. Buổi chiều, xe đưa cả lớp thẳng lên công trường Hòa Bình thực hành. Công nhân đọc tài liệu bằng tiếng Nga, trực tiếp nói chuyện với thầy giáo, không cần phiên dịch. Thiết bị xây dựng của Liên Xô dù hiện đại, song chủ yếu vận hành bằng tay không làm khó được công nhân Việt Nam. Được những người thầy Liên Xô trực tiếp "cầm tay chỉ việc", sáu tháng sau Khoa "chuyển nghề".

Ngày 6/11/1979, thủy điện Hòa Bình khởi công. 30.000 công nhân các tỉnh phía Bắc được tuyển chọn để đào tạo phục vụ cho công trường. Đoàn 565, Binh đoàn 12 bộ đội Trường Sơn trở về từ chiến trường lên thẳng Hòa Bình. 750 chuyên gia Liên Xô sang làm việc. Pavel Timofeevich Bogachenko, chuyên gia có kinh nghiệm nhất về thủy điện được cử làm Tổng chuyên viên trực tiếp điều hành. Gần 40.000 con người với mũ bảo hộ màu vàng, quần áo lao động màu xanh bắt đầu khoan, cắt, đào, đắp suốt ngày đêm.

Nổ mìn thi công kênh dẫn dòng. Ảnh: Tư liệu.

Nổ mìn thi công kênh dẫn dòng. Ảnh: Tư liệu.

Nhắc về những năm tháng ấy, ông Khoa nhớ tiếng máy khoan và ánh đèn không bao giờ tắt trên công trường. Ngọn đồi 206, nơi đặt tổ hợp ngầm gồm 8 tổ máy và các công trình phụ trợ hơn 70.000 m2 là đá cứng. Công nhân chủ yếu nổ mìn. Đào được đến đâu phải gia cố ngay đến đó. Tất cả hầm đều được bọc bằng một lớp bê tông. Khoan phá nổ mìn, khoan phun do Công ty công trình ngầm đảm nhiệm. Công nhân chia 3 ca, 6 kíp làm việc. Công nhân khoan hầm có khi mấy tháng không thấy mặt trời vì bước vào hầm 6h tối nay, rạng sáng hôm sau mới trở ra. Trên tóc, trên vai phủ đầy bụi đá.

"Thời ấy không có khẩu trang bảo hộ, hít bụi đá nhiều hơn cả hít khí. Phổi công nhân khoan hầm, khoan lộ thiên chắc đầy bụi đá", ông Khoa kể.

Về đến lán trại cách công trường 3 km, Khoa chỉ kịp vục mặt vào chậu nước, xoa bớt bụi rồi đi ngủ. Không còn sức tắm giặt, không cần phơi quần áo, cứ thế ngả lưng xuống cái giường sắt lót ván gỗ đánh một giấc "không biết trời trăng gì". Dưới gầm giường họ nằm, tủ đựng quần áo là vỏ hòm đựng thuốc nổ TNT.

Cả nước ưu tiên cho thủy điện Hòa Bình, nhưng công nhân vẫn thường ăn bo bo thay cơm bữa. Tuổi mới lớn lại thiếu ăn dài, Khoa chỉ nặng hơn 50 kg. Bên tai lúc nào cũng ầm ì tiếng máy khoan, mìn nổ. Mệt mỏi đến rạc người, cậu có thể ngủ gật ngay khi máy nghỉ ngơi, hay đang treo mình trên vách đá.

Khi tiếng mìn phá đá nổ trên công trường thủy điện Hòa Bình, thì tiếng đạn pháo cùng lúc rền vang trên biên cương phía Bắc. Theo lệnh Tổng động viên chống Trung Quốc xâm lược tháng 3 năm 1979, hàng vạn thanh niên lên đường tòng quân. Một số đơn vị của tổng công ty lần lượt nhập ngũ. Đội khoan lộ thiên và khoan hầm được tạm hoãn nghĩa vụ để dồn sức xây thủy điện.

"Tôi hụt hai lần đi nghĩa vụ. Chúng tôi không phải ra chiến trường, nên động viên nhau làm ngày làm đêm, thay phần việc của những anh em khác. Cái thời ấy không tính toán nhiều đâu", TS Phạm Bá Khoa bây giờ đã hơn 60 tuổi, kể về thời thanh niên sôi nổi.

Bốn năm trên công trường, ông không về nhà ăn Tết. Chàng trai tuổi đôi mươi "lòng không vướng bận" nhường cho những người đã có gia đình về với vợ con.

Công trường thuỷ điện ngày ấy không bao giờ nghỉ một ngày, dù là Tết. Ảnh: Tư liệu.

Công trường thuỷ điện ngày ấy không bao giờ nghỉ một ngày, dù là Tết. Ảnh: Tư liệu.

Từng gắn bó với sáu công trình thuỷ điện lớn trên cả nước, nhưng lần đầu tiên chặn dòng sông Đà năm 1983 trở thành ký ức "sâu sắc nhất cuộc đời làm thuỷ điện" của Anh hùng lao động Thái Phụng Nê. Ông là Trưởng ban quản lý dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình khi ấy.

Để chuẩn bị ngăn sông xây đập, các công nhân phải đào 2,6 triệu m3 đất đá, tạo nên một kênh dẫn dòng dài 1,2 km bên phải dòng sông, cạnh đồi Ông Tượng. Thượng, hạ lưu đều có đê quai. Công nhân ngăn dòng chính, mở đê quai "bắt" sông Đà chảy sang kênh dẫn dòng. Phía trong con đê sẽ được xử lý nền móng để xây dựng thân đập. Công trường đúc sẵn những khối bê tông hình chóp cụt, nặng 12 tấn, để hai bên bờ. Thời điểm ngăn sông được tính toán vào mùa nước cạn khi lưu lượng nước sông Đà ở mức thấp nhất 600 m3/s.

Chiều 11/1/1983, từng khối bê tông được ủi dần xuống để chuẩn bị cho lễ ngăn sông vào sáng hôm sau. Dòng nước đột nhiên bị thu hẹp, tăng lưu tốc, gạt phăng những cục bê tông 12 tấn xuống hạ nguồn. Bao nhiêu bê tông ủi xuống, nước sông Đà đẩy đi bấy nhiêu.

Khoảng 3h chiều, ông Nê nhận được điện thoại từ Hà Nội, hỏi "Tình hình thế nào? Đoàn đại biểu cấp cao của Liên Xô đã sang chuẩn bị dự lễ". – "Vẫn chưa xong, chưa được", ông gắt lên. Trên công trường, gió tháng Chạp quất đỏ rát măng tai, mồ hôi ông trưởng ban vẫn rịn đầy trán. Ông lệnh cho công nhân lấy cáp, móc hai khối vào với nhau vẫn bị cuốn trôi. Tới khi "xâu" 3 khối nặng 36 tấn lại với nhau thì dòng nước mới chịu chững lại. Lúc đó là 4h chiều.

Lần đầu tiên, ông Nê rời công trường, trực tiếp về Hà Nội báo cáo Trung ương. Tới nhà ông Phạm Khai, Bộ trưởng Bộ Điện lực đúng giờ cơm tối, thấy ông Khai ào ra cửa hỏi ngay "Thế nào rồi?". Ông Nê cười báo lễ ngăn sông sẽ diễn ra đúng kế hoạch. Cả hai vội tới nhà khách Chính phủ báo cáo tình hình với Thủ tướng Phạm Văn Đồng và đoàn Liên Xô. Ăn xong bữa cơm, ông lại quay về công trường Hòa Bình lúc 11h đêm.

Sáng 12/1/1983, công trình ngăn sông Đà đợt 1. Đập thuỷ điện Hoà Bình đắp bằng đất đá lõi sét. Nền đập được xử lý bằng phương pháp khoan phun tạo màn chống thấm. Cho tới nửa sau thế kỷ XX, trên thế giới chỉ có ba công trình lớn được xử lý thành công bằng phương pháp trên. Đó là đập Serre Poncon của Pháp (1952-1958); Sylvenstein của Đức (1986-1988) và Aswan của Ai Cập (1965-1969).

Cuối năm 1994, Nhà máy thủy điện Hòa Bình khánh thành. Tám tổ máy công suất thiết kế 1.920 MW, mỗi năm cho sản lượng 8,16 tỷ kWh. Điện từ nhà máy thắp sáng miền Bắc, cung cấp cho cả hai miền Trung, Nam. 15 năm xây dựng công trình, thời gian còn dài hơn cả một cuộc kháng chiến. Trải qua 5.519 ngày đêm, sức vóc của gần 40 nghìn con người đã đào đắp gần 47 triệu tấn bê tông, đất đá; khoan phun 205 nghìn mét hầm; lắp đặt hơn 46,7 nghìn tấn kim loại.

Chuyên gia Liên Xô và Việt Nam thi công phần gian máy. Ảnh tư liệu

Chuyên gia Liên Xô và Việt Nam thi công phần gian máy. Ảnh tư liệu

Năm tháng đi qua, điều trân trọng nhất với ông Nê là tình cảm của những người bạn Liên Xô thời điểm ấy. "Họ hiểu mình, giúp mình bằng tất cả sự nhiệt tình, nhiệt huyết. Và có lẽ, sẽ không ai giúp mình được nhiều như thế", ông nhắc.

Cao điểm trên công trường lên tới 1.200 chuyên gia Liên Xô. Tổng chuyên viên Bogachenko đã ở Việt Nam suốt 15 năm. Nhiều đêm đi kiểm tra đường hầm, thấy công nhân mệt quá nằm ngủ trong góc, ông đến tận nơi lôi dậy, giục làm việc cho kịp tiến độ. Vợ ở Moscow ốm nặng, ông nhờ bạn bè đưa bà đi viện. Cho đến khi bà mất, ông về lo hậu sự xong rồi lại sang công trình. 11 chuyên gia Liên Xô và 157 công nhân Việt Nam đã thiệt mạng khi xây dựng thủy điện Hòa Bình. Tên của họ nay được khắc trên 168 phiến đá ghi danh trong nhà tưởng niệm.

Khối đá nặng 12 tấn, hình chóp cụt năm xưa để ngăn sông Đà cũng được lưu lại. Trong lòng khối đá có chứa bức thư của những người từng đi lấp núi, ngăn sông xây thủy điện Hòa Bình "Gửi thế hệ mai sau". Lá thư viết bằng tiếng Việt và tiếng Nga, sẽ được mở vào ngày đầu tiên của năm 2100.

Hoàng Phương


vnexpress.net