Công nhân đốt rác phải hít khí độc mỗi ngày như thế nào?

Thứ ba, 01/10/2019, 16:03 GMT+7

(Xây dựng) – Quá trình đốt rác sản sinh rất nhiều khí thải độc hại và các công nhân đốt rác đang phải hít khí độc mỗi ngày để kiếm từng đồng lương ít ỏi, bạc bẽo.

Quá trình đốt rác sản sinh rất nhiều khí thải độc hại.

Công nhân vệ sinh môi trường là một nghề có nhiều vất vả và gian khổ không dễ nói thành lời. Đặc thù công việc khiến công nhân vệ sinh môi trường phải làm việc trong một môi trường ô nhiễm đòi hỏi phải có bảo hộ lao động đặc biệt. Nhưng thực tế là không phải người công nhân vệ sinh môi trường nào cũng được trang bị bảo hộ lao động đúng quy chuẩn, ví như công nhân đốt rác.

Công nhân đốt rác chỉ được trang bị khẩu trang vải

Trong một chuyến công tác ở Hải Phòng vào đầu năm nay, phóng viên Báo điện tử Xây dựng có dịp tham quan nhà máy xử lý rác thải Tràng Cát và HTX môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh. Không chỉ khác nhau về quy mô hoạt động, vấn đề bảo hộ lao động tại 2 cơ sở cũng có cách biệt rất lớn.

Công nhân làm việc tại nhà máy xử lý rác thải Tràng Cát được trang bị bảo hộ lao động hết sức đầy đủ.

Công nhân làm việc tại nhà máy xử lý rác thải Tràng Cát được trang bị bảo hộ lao động hết sức đầy đủ, đảm bảo đúng quy chuẩn, đặc biệt là công nhân làm việc tại các lò đốt rác. Các phóng viên tham quan nhà máy cũng được trang bị khẩu trang N95 và không được phép tiếp cận những khu vực xử lý chất thải độc hại cần sử dụng mặt nạ đặc biệt.

Nhưng tại HTX môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh, tất cả công nhân đều chỉ được trang bị khẩu trang hoặc khăn che mặt bằng vải, bao gồm cả công nhân đốt rác thường xuyên phải tiếp xúc với khí thải từ quá trình đốt rác.

Sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn vì khí thải sinh ra từ các lò đốt rác ở HTX Thành Vinh vô cùng độc hại. Hiện nay, HTX Thành Vinh đang sử dụng lò đốt chất thải rắn sinh hoạt BD – Anpha được cấp phép hoạt động từ năm 2012. Vào thời điểm hiện tại, lò đốt này đã bộc lộ sự lạc hậu, không đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT.

Công nhân làm việc ở HTX môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh chỉ được trang bị khẩu trang vải.

Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng vào tháng 6 cho biết, kết quả quan trắc khí thải của các lò đốt BD – Anpha trên địa bàn thành phố đều không đạt yêu cầu. Thông số Dioxin/Furan tại các lò đốt BD – Anpha ở Hải Phòng đều vượt hàng chục lần đến so với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt QCVN 61-MT:2016/BTNMT.

Công việc độc hại là vậy, nhưng vẫn có nhiều người chấp nhận đánh cược với sức khỏe của bản thân để làm sạch môi trường với đồng lương ít ỏi. Bà Phạm Thị Liên - một công nhân tại HTX Thành Vinh cho biết, bà và đồng nghiệp cũng biết việc đốt rác sẽ thải ra khí độc, nhưng mọi người đều nghĩ không có ảnh hưởng nhiều đến gì đến sức khỏe, chỉ cảm thấy hơi khó chịu khi phải hít nhiều.

Công nhân đốt rác làm việc tại HTX Thành Vinh không được trang bị khẩu trang chuyên dụng để chống độc.

“Chúng tôi làm lâu rồi nên đã quen mùi rác. Những công nhân làm ở Đồ Sơn rồi về đây cũng đã làm công nhân rác 15 năm, nhưng chưa thấy ai mắc bệnh gì cả. Chính vì thế mà chúng tôi cũng không sợ gì cả, cứ ra làm thôi. Thời gian đầu, tôi chỉ làm được gần 1 tháng là muốn nghỉ vì không chịu được mùi rác. Lâu dần thì quen.

Nhiều người bảo có cho 10 triệu đồng/tháng cũng không đi làm công việc này. Còn tôi thì mấy triệu cũng làm vì được làm gần nhà, sáng đi tối về, tôi thích làm thì tôi làm chứ ai cũng nói với tôi không nên làm công việc này. Con trai, con dâu cũng nói thế, nhưng tôi vẫn đi làm. Thu nhập hiện tại đã đủ nuôi bản thân, không phiền đến con cháu. Cấp trên trả lương bao nhiêu thì trả chứ chúng tôi cũng không đòi hỏi gì”.

Quá trình đốt rác sản sinh ra rất nhiều khí thải độc hại đối với sức khỏe con người.

Hiện tại, HTX Thành Vinh có khoảng 6 công nhân, có người mới làm được 1 năm, có người đã làm cả chục năm từ HTX khi mới thành lập. Công nhân tại đây làm việc theo ca, ca sáng từ 5h – 12h30, ca chiều từ 12h30 – 19h00, mỗi công nhân làm một ca khoảng 8h/ngày và nhận mức lương 4 triệu đồng/tháng. Hàng năm, công nhân vẫn được kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Khí thải từ đốt rác nguy hại thế nào và đeo khẩu trang ra sao mới đúng cách?

Đeo khẩu trang để phòng tránh bụi bẩn là một việc làm hết sức bình thường. Tuy nhiên, không phải ai cũng đeo khẩu trang đúng cách, bao gồm cả nhân viên vệ sinh môi trường.

Nhiều nghiên cứu khoa học gần đây ở trong nước và quốc tế đã khẳng định, khẩu trang vải có khả năng lọc bụi rất kém, chỉ có thể lọc được tối đa 20 – 30% bụi bẩn với kích thước tối thiểu mà nó lọc được là 2 micrômet và gần như vô hại với bụi khí. Nói cách khác, công nhân đốt rác ở HTX môi trường và dịch vụ thương mại Thành Vinh vẫn phải hít rất nhiều khói thải độc hại sản sinh ra từ quá trình đốt rác.

Tro sỉ từ quá trình đốt rác sẽ được chuyển ra bãi chôn lấp của HTX Thành Vinh.

Chia sẻ về cách đeo khẩu trang đúng cách, bà Marie Lan Nguyen Leroy - chuyên gia đến từ Cơ quan đại diện Vùng Ile-de-France tại Việt Nam (PRX) cho biết: “Trước hết, khẩu trang phải tuân thủ một số chuẩn mực về việc sử dụng khẩu trang. Hơn nữa, một yếu tố mà ít người quan tâm là khẩu trang phải phù hợp với khuôn mặt của người dùng thì mới mang lại hiệu quả. Nếu khẩu trang không phù hợp với khuôn mặt thì cũng không có hiệu quả, dù đáp ứng các chuẩn mực khác.

Trên thế giới cũng có nhiều nơi sử dụng lò đốt rác thải, bao gồm cả Pháp. Tôi nghĩ, các lò đốt rác thải ở Việt Nam đều có một hệ thống lọc khói thải ra ngoài. Nhưng tại Pháp thì phần đầu tư vào xử lý khói thải ra ngoài thậm chí còn lớn hơn gấp đôi phần đầu tư vào lò đốt rác.

Khói thải từ các lò đốt rác hết sức độc hại, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và hệ miễn dịch của con người. Chính vì vậy, nếu không xử lý tốt khí thải thì đồng nghĩa rằng chúng ta đang thải chất độc ra ngoài môi trường.

Cá nhân tôi đã tiếp xúc với rất nhiều công nhân làm việc ở các nhà máy đốt rác. Họ bị phơi nhiễm với các nguồn chất độc như vậy nên rất nhiều người đã mắc bệnh. Chính vì vậy, việc xử lý khói thải từ các nhà máy đốt rác thải là một việc hết sức quan trọng.

Đối với những nhà máy rác thải như thế này (nhà máy sử dụng lò đốt rác BD Anpha), tôi nhìn thấy rõ 2 phần, một là phần khói sinh ra từ quá trình đốt, rất độc hại. Ngoài ra, phần tro sỉ mà chúng ta phải chôn lấp cũng hết sức độc hại. Chính vì vậy, hoạt động của các lò đốt rác này không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà nguy hại đối với sức khỏe con người, trước hết là các nhân viên làm việc trong nhà máy”.

Việc xác định nồng độ dioxin trong không khí ở một khu vực nhất định rất đắt đỏ.

Theo đánh giá của bà Marie Lan Nguyen Leroy, khí thải sinh ra từ quá trình đốt rác bao gồm rất nhiều chất độc hại như cacbon dioxit (CO2), methane (CH4)... và đặc biệt là khí dioxin (chất độc màu da cam) có thể phát thải ra bầu không khí xung quanh khu vực làm việc, trực tiếp ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của những người làm việc hàng ngày tiếp xúc với loại khí này.

Một vấn đề hết sức quan trọng nữa là, việc xác định nồng độ dioxin trong không khí ở một khu vực nhất định rất đắt đỏ nên các nhà máy khó có thể tự trang bị phương tiện đo lường nồng độ dioxin tại khu vực làm việc của họ, mặc dù biết rằng loại khí này hết sức nguy hại.

Hữu Mạnh


baoxaydung.com.vn