Cơ hội và thách thức phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã

Thứ hai, 14/10/2019, 15:57 GMT+7

(Xây dựng) – Đây là chủ đề của Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã 2019 do Liên minh hợp tác xã Việt Nam phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức sáng 14/10 tại Hà Nội.


Toàn cảnh Diễn đàn.

Tham dự Diễn đàn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; ông Cao Đức Phát - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; ông Nguyễn Ngọc Bảo - Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Hiện nay, kinh tế hợp tác, hợp tác xã được khẳng định là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế và đang đóng góp 10% GDP của cả nước và đặc biệt có vai trò quan trọng trong mục tiêu kinh tế tăng trưởng bền vững, xây dựng Nông thôn mới, giảm nghèo và cải thiện môi trường.

Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là sự kiện rất có ý nghĩa, dịp để các hợp tác xã và các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã nước ta nói riêng và thế giới nói chung. Đồng thời, đây cũng là dịp tăng cường giao thương hợp tác giữa các hợp tác xã với nhau, giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ… góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đáp ứng với nhu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân và các tổ chức, cá nhân muốn hợp tác để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho mình và cho đất nước.

Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, số hợp tác xã thành lập mới đạt 1.598 hợp tác xã, giải thể 341 hợp tác xã yếu kém và thành lập mới 2 Liên hiệp hợp tác xã. Tính đến tháng 9/2019, cả nước có 23.905 hợp tác xã, tăng 6,5% so với năm 2018. Các hợp tác xã đang hoạt động trong các lĩnh vực: Nông – lâm – ngư – diêm nghiệp – thủy sản (14.379 hợp tác xã), công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp (1.923 hợp tác xã), thương mại (1.944 hợp tác xã), vận tải và dịch vụ vận tải (1.375 hợp tác xã), xây dựng – sản xuất vật liệu xây dựng (852 hợp tác xã), môi trường (483 hợp tác xã), Quỹ tín dụng nhân dân là 1.180 quỹ, dịch vụ (y tế, nhà ở, giáo dục, du lịch sinh thái…) là 454 hợp tác xã.


Các gian hàng bày bán, giới thiệu sản phẩm tại Diễn đàn.

Có 54/63 tỉnh, thành phố tăng số lượng hợp tác xã. Số hợp tác xã vùng Tây Bắc tăng 4% và chiếm 9% tổng số hợp tác xã, Đông Bắc tăng 4% và chiếm 18%, Đồng bằng sông Hồng giảm -5% và chiếm 25%, Bắc Trung bộ tăng 4% và chiếm 18%, Duyên hải Nam Trung bộ giảm -4% và chiếm 5%, Tây Nguyên tăng 6% và chiếm 6%, Đông Nam bộ tăng 3% và chiếm 8%, Đồng bằng sông Cửu Long tăng 4% và chiếm 12%. Trong 9 tháng, cả nước thành lập mới 2 Liên hiệp hợp tác xã , nâng tổng số Liên hiệp hợp tác xã toàn quốc đạt 76 và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, vận tải. Cả nước có trên 100 nghìn tổ hợp tác, trong đó tổ hợp tác nông nghiệp chiếm 32%, phi nông nghiệp chiếm 68% với các hình thức hợp tác đa dạng, mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, theo thống kê, 15 tổ hợp tác đã được tư vấn, chuyển đổi thành mô hình hợp tác xã trong 9 tháng đầu năm 2019.


Các gian hàng bày bán, giới thiệu các đặc sản của nhiều vùng miền trên cả nước.

Tổng vốn điều lệ của các hợp tác xã là 32 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi hợp tác xã là 1,3 tỷ đồng; tổng tài sản 171 nghìn tỷ đồng, bình quân 7,7 tỷ đồng/ hợp tác xã. Trong đó Quỹ dụng nhân dân đạt trung bình 96 tỷ đồng/ quỹ; doanh thu bình quân là 4,2 tỷ đồng/ hợp tác xã, lãi bình quân 305 triệu đồng/ hợp tác xã. Tổng số lao động thường xuyên khoảng 2,5 triệu lao động, với thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã là 45 triệu đồng/năm/ người.

Đến tháng 9/2019, cả nước có khoảng 1.500 hợp tác xã sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài, áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn sản phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp. Các hợp tác xã đã giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, thông tin và tiêu thụ sản phẩm… góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã đã trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nhiều lao động trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng, có chuyên môn tốt khởi nghiệp bằng mô hình hợp tác xã đạt hiệu quả cao.

Những nội dung chính được chia sẻ trong diễn đàn bao gồm: Rà soát những cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác; Đánh giá hoạt động của các mô hình hợp tác xã kiểu mới tại các địa phương, các chính sách thúc đẩy phát triển hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; Bài toán thị trường cho các hợp tác xã và chia sẻ những khó khăn từ phía các hợp tác xã trong thực tiễn hoạt động tại địa phương, kiến nghị giải pháp tháo gỡ...

Diệu Anh


baoxaydung.com.vn