Thông tin này được Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết tại phiên họp tổ của Quốc hội sáng 29/10. Theo ông Nhân, giải quyết tình trạng úng ngập và đảm bảo cấp nước sạch cho hàng chục triệu người dân TP HCM "đang là những thách thức rất lớn".
Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo thành phố với Đại sứ Hà Lan Elsbeth Akkerman chiều qua (28/10), chuyên gia của nước này đã đề xuất giải pháp chống ngập cho TP HCM, với ý tưởng xây dựng công trình tại khu vực quận 2 và quận 9, gồm: Hệ thống cống ngăn nước triều dâng, đê vành đai đa chức năng, kênh thoát nước cùng khu trữ nước mưa đa mục tiêu.
Quỹ đất dọc hành lang các đê sẽ xây dựng những công trình tạo giá trị gia tăng, nguồn thu như trung tâm hội nghị, sân golf, khu vui chơi giải trí...
Triều cường gây ngập ở TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa |
Giải pháp trên sẽ triển khai theo hình thức đầu tư công - tư (PPP) với sự tham gia của khối tư nhân trong việc xây dựng, duy trì các công trình chống ngập. Phần góp của Nhà nước tại dự án này, theo Bí thư Nhân, là cơ chế, chính sách để nhà đầu tư có nguồn thu vận hành công trình chống ngập.
"Kinh nghiệm ở Hà Lan, các công trình chống ngập đa năng đều có tư nhân tham gia đầu tư. Như vậy, nếu triển khai theo đề xuất này thì thành phố có công trình chống ngập mà Nhà nước không phải chi nhiều tiền do được hỗ trợ bởi hoạt động kinh tế tạo nguồn thu", ông nói.
Ngoài ra, theo lãnh đạo TP HCM, cùng với dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và 6 cống ngăn triều đang chuẩn bị hoàn thành, việc đầu tư hệ thống đê đa chức năng cho khu vực ngoại thành là cần thiết; giúp thành phố xử lý được tình trạng úng ngập trong 20 năm, về dài hạn thì cần tính toán làm thêm đê cứng ngăn triều.
Hiện lãnh đạo thành phố giao các sở Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư sẽ cùng phía Hà Lan tính toán phương án tài chính cụ thể. Các sở Xây dựng, Tài nguyên & môi trường cung cấp số liệu về địa lý thuỷ văn cho đối tác để họ nghiên cứu, triển khai các bước tiếp theo.
Dự án giải quyết ngập 10.000 tỷ đồng do Tập đoàn Trung Nam làm chủ đầu tư, với mục tiêu kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Hồi tháng 4, khi dự án đạt 72% khối lượng thì bị dừng thi công do Ngân hàng BIDV không giải ngân.
Trước đó tháng 11/2018, UBND TP HCM đồng ý cho Trung tâm chống ngập tạm thanh toán tiền thuê dịch vụ bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) là hơn 9,8 tỷ đồng trong một năm.
Anh Minh