Chung tay để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bứt phá

Chủ nhật, 13/10/2019, 14:41 GMT+7

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là đầu tàu, động lực kinh tế của cả nước với hạt nhân là TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng vùng kinh tế trọng điểm này lại đang có xu hướng phát triển chậm lại và đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức do hệ thống hạ tầng quá tải, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ngập úng, kẹt xe…


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai.

Đầu tàu, động lực của nền kinh tế cả nước

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh thành phố với hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh - nơi có công nghiệp, dịch vụ phát triển nhất cả nước. Năm 2018, toàn vùng đã thành lập mới trên 58.000 doanh nghiệp, trong đó nổi bật là TP Hồ Chí Minh với hơn 43.000 doanh nghiệp được thành lập mới.

Vùng cũng dẫn đầu cả nước về thu hút vốn FDI. Tính đến tháng 4.2018, trên địa bàn các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có tới 121 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư với tổng số vốn đăng ký là hơn 157 tỉ USD chiếm 45% tổng vốn đăng ký FDI của cả nước. Trong năm 2018, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn xuất hiện nhiều điểm sáng mới về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới như: Bà Rịa - Vũng Tàu (chỉ đứng thứ 2 sau TP.Hà Nội) với hơn 1.800 triệu USD, Bình Dương là hơn 1.200 triệu USD, Đồng Nai là 989 triệu USD, Tây Ninh 453 triệu USD. Các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 50% số dự án. Trong quý I/2019, vùng tiếp tục là nơi có mức tăng trưởng khá, thu hút đầu tư FDI nhiều so với các vùng khác.

Tuy nhiên, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu chậm lại; công nghiệp chưa có những sản phẩm mới có hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao. Có 35 sản phẩm chủ yếu của vùng, thì 28 sản phẩm truyền thống, giá trị gia tăng thấp, tỉ lệ gia công còn cao. Vùng còn nhập siêu, doanh nghiệp thành lập mới nhiều nhiều nhưng quy mô vốn đăng ký thấp...

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, điều quan trọng nhất là cần phải có một quy hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng cho tốt, nhất là quy hoạch về hạ tầng kinh tế xã hội, trong đó có hạ tầng về giao thông, thủy lợi, năng lượng, viễn thông, logistics, y tế, giáo dục, văn hóa… Đồng thời, phải có chi tiết quy hoạch về giao thông vận tải, không thể dựa trên tiềm năng lợi thế của từng địa phương mà phải dựa trên tiềm năng lợi thế có tính so sánh của từng địa phương, phải đặt trong lợi ích tổng thể của vùng. Vì vậy, Hội đồng vùng phải “ngồi lại” sắp xếp thành danh mục các dự án ưu tiên, mang tính liên kết vùng trước.

“Vấn đề khơi thông các động lực tăng trưởng, lập danh mục các dự án đầu tư công, đầu tư PPP (công tư), đầu tư tư nhân và phân công các lãnh đạo chủ chốt đúng theo tinh thần chỉ thị 09 của Thủ tướng gắn trách nhiệm cá nhân để đôn đốc cho các dự án trọng điểm quốc gia như Sân bay quốc tế Long Thành, dự án cao tốc phía Nam, các dự án trọng điểm khu vực… cần ưu tiên làm gương mẫu để đẩy nhanh tiến độ” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Giải phóng điểm “nghẽn” đang kìm hãm vùng kinh tế đầu tàu

Những năm qua, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là nơi được Chính phủ ưu tiên nguồn vốn để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo ra những bước đột phá trong phát triển kinh tế. Bởi khu vực này phát triển sẽ kéo theo các vùng lân cận. Hàng loạt các dự án giao thông lớn được quy hoạch, triển khai như: Các tuyến đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường vành đai 2, 3 và 4 TP Hồ Chí Minh, đường sắt nội ô... Những dự án lớn trên khi hoàn thành, kết nối với các tỉnh, thành sẽ tạo ra những bước tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội cho vùng, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, giao thông đô thị vẫn đang là “điểm nghẽn” nghiêm trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tại TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu hệ thống giao thông đô thị đang bị quá tải, nhiều nơi ùn tắc nghiêm trọng. Hiện nay Sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) đã quá tải, cảng biển Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) thiếu đồng bộ trong kết nối với giao thông đường bộ; tuyến đường sắt Bắc - Nam cũ kỹ.

Lo lắng khá lớn là mặc dù đã được chú trọng đầu tư, song việc triển khai các dự án hạ tầng giao thông tại Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam khá chậm so với nhu cầu thực tế. Vì vậy các tỉnh, thành rất mong Chính phủ sớm khơi thông “điểm nghẽn” này. Trong đó, mong đợi lớn nhất của người dân, doanh nghiệp phía Nam là Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm khởi công xây dựng; tiến độ thực hiện các đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Cát Lái... rút ngắn lại.

Ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC (Bình Dương) - cho biết, ở Bình Dương nhiều năm qua đã xây dựng rất nhiều con đường lớn, nhưng càng xây thì càng “nghẽn”. Nhiều dự án phía Nam vẫn chưa triển khai hiệu quả, điểm cốt lõi vô cùng bức thiết như cảng biển, sân bay, tuyến đường kết nối vẫn chưa được triển khai nhanh chóng. Từ đó, ông Hùng kiến nghị, phải có cơ chế phát huy nguồn nhân lực doanh nghiệp để xây dựng hạ tầng cho vùng, trong đó tiên quyết là hệ thống giao thông logistics gắn với phát triển công nghiệp - đô thị.

Về cơ chế điều phối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, theo lãnh đạo Becamex Bình Dương, cần phải có sự phân cấp phân quyền mạnh hơn, cụ thể, thực chất, trọng tâm hơn. Đại diện lãnh đạo Chính phủ với tầm nhìn quốc gia, vai trò khách quan, có thể trực tiếp chỉ đạo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để bổ sung hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh đưa ra những quyết định quyết liệt, những quả đấm thép thì mới có thể tạo bứt phá.

“Chìa khóa” quan trọng trong liên kết vùng là cải thiện logistics, hình thành chuỗi cung ứng vùng để tăng tính kết nối, tính cạnh tranh quốc tế. Hiện Becamex Bình Dương đang chủ động nghiên cứu tuyến đường sắt chuyên dụng vận chuyển hàng hóa chung cho cả Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trên cở sở đó triển khai các trung tâm kho vận, logistics lớn, giảm thời gian, giá thành vận chuyển, đặc biệt góp phần giảm áp lực lên đường bộ, giảm ách tắc, tai nạn giao thông, giảm lượng khí thải, bảo vệ môi trường… Từ kinh nghiệm các nước, đây được xem là hướng giải quyết khả thi và rất hiệu quả cho việc liên kết vùng, nhưng rất cần có sự hỗ trợ trực tiếp từ Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương để triển khai trước nền tảng, như công tác bồi thường giải tỏa, xây dựng đường sắt và tạo những cơ chế cho các doanh nghiệp phát triển dịch vụ logistics" - ông Hùng cho biết.

QUAN TÂM TỚI Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG, PHÚC LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Trước hàng loạt thách thức do hệ thống hạ tầng quá tải, nguy cơ ô nhiễm môi trường, ngập úng, kẹt xe, ông Phan Đình Thám - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Sonadezi (Đồng Nai) - kiến nghị cơ quan quản lý cấp phép bảo vệ môi trường thực hiện nhiều hơn công tác hậu kiểm để các doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường cũng như theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường.

 


Theo HÀ ANH CHIẾN/Laodong.vn


baoxaydung.com.vn