Báo động tình trạng mất an toàn tại khu vực lan can các chung cư, nhà cao tầng

Thứ sáu, 24/05/2019, 16:13 GMT+7

Thời gian qua, trên địa bàn cả nước đã xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm tại các chung cư, nhà cao tầng khiến người dân không khỏi lo lắng. Có thể thấy, trong đó có nhiều nguyên nhân bắt nguồn từ chính lan can, lôgia tại các chung cư, nhà cao tầng.


Các cơ quan chức năng cần có những biện pháp kiểm tra, xử lý “mạnh tay” để đảm bảo an toàn tại chung cư, nhà cao tầng.

Vào cuối tháng 5/2017 tại chung cư New Skyline Văn Quán (Hà Nội), một bé trai 5 tuổi đã rơi từ tầng 17 xuống mái tầng 2 tử vong. Thời điểm xảy ra tai nạn, cháu bé ở nhà cùng người thân, nhưng do người thân không để ý, bé trai đã leo qua lan can rơi xuống đất. Trước đó, nhiều khu chung cư trên địa bàn TP Hà Nội như ở quận Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai cũng xảy ra tình trạng tương tự.

Cụ thể, ngày 3/3, người dân chung cư Rice City Khu đô thị Linh Đàm phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cũng chứng kiến một bé trai rơi từ tầng cao xuống. Ngay sau đó người dân đã đưa đi cấp cứu, nhưng không thể cứu được cháu bé.

Đến ngày 31/3 vừa qua, tại chung cư 5B, đường Nguyễn Cơ Thạch, phường Cầu Diễn, sau khi nghe thấy tiếng động mạnh, người dân phát hiện bé trai 3 tuổi nằm bất động dưới nền đất. Bé trai đã tử vong ngay sau đó. Tại TP Hồ Chí Minh, từng có một bé gái 5 tuổi tử vong tại chỗ khi rơi từ tầng 9 chung cư Thủ Thiêm Sky vào ngày 23/12/2018. Gần đây nhất vào ngày 1/1/2019, một bé trai 4 tuổi người nước ngoài đã tử vong sau khi rơi từ tầng cao xuống ban công tầng 8 chung cư River Gate.

Có thể thấy rằng, hiện nay khi thiết kế chung cư, dường như các chủ đầu tư chú trọng tới không gian lớn như phòng khách, phòng ngủ, phòng bếp… mà thường coi nhẹ phần lan can, ban công – lô gia, cửa sổ. Tuy nhiên, chúng ta dễ dàng nhận thấy đó là một trong những nguyên nhân chính khiến những vụ tai nạn thương tâm trẻ em rơi từ cửa sổ, ban công các tòa chung cư liên tiếp xảy ra.

Theo Quy chuẩn xây dựng của Việt Nam, các công trình xây dựng dù cao hay thấp tầng đều phải được thiết kế bảo đảm an toàn về kết cấu, an toàn cháy nổ, môi trường cho người sử dụng.


Có đến hàng trăm dự án chung cư, nhà cao tầng được khởi công xây dựng mỗi ngày. Do vậy, vấn đề an toàn cần được kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.

Cụ thể, tại QCXDVN 05:2008/BXD “Quy chuẩn xây dựng Việt Nam về Nhà ở và công trình công cộng - An toàn sinh mạng và sức khoẻ” nêu rõ: Cầu thang phải có tay vịn ít nhất một bên nếu vế thang có chiều rộng dưới 1m, có tay vịn ở cả hai bên nếu vế thang rộng hơn 1m (trong trường hợp một bên là tường thì cho phép không có tay vịn ở bên tường). Tay vịn phải kéo dài phủ hết hai bậc thang cuối cùng trong các công trình công cộng hoặc công trình có người tàn tật sử dụng.

Đặc biệt, chiều cao tối thiểu của lan can được quy định: Nhà ở, cơ quan, trường học, công sở và các công trình công cộng lô gia và sân thượng ở các vị trí cao từ 9 tầng trở lên, chiều cao tối thiểu là 1,4m. Vế thang đường dốc, tối thiểu 0,9m; các vị trí khác tối thiểu 1,1m.

Ngoài ra, với công trình có trẻ em dưới 5 tuổi sử dụng thì lan can phải cấu tạo không cho trẻ em dễ trèo qua và không có lỗ hổng đút lọt quả cầu đường kính 100mm. Với lan can hoặc lô gia được sử dụng bằng vật liệu kính thì kính được bảo vệ bởi vật cố định, đảm bảo chắc chắn, không có khe hở nào nhét lọt quả cầu đường kính 75mm, khó trèo qua để ngăn ngừa chống rơi ngã. Bộ Xây dựng cũng khuyến cáo không nên làm lan can bằng các thanh chắn ngang, dễ tạo thành bậc thang để trẻ em trèo, leo.

Có thể thấy, Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn về thiết kế, xây dựng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân tại các chung cư, nhà cao tầng. Tuy nhiên, trái với quy định, theo kiểm tra khảo sát ở một số công trình chung cư, chiều cao lan can của các lô gia không đảm bảo mức tiêu chuẩn là 1,4m.

Nhiều nhà cao tầng và chung cư cũ ở Hà Nội cũng như TP Hồ Chí Minh có chiều cao lan can chưa đáp ứng yêu cầu an toàn cho trẻ. Có thể kể đến chung cư Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng), khu tập thể Núi Trúc (quận Ba Đình, chung cư Lê Phụng Hiểu (quận Hoàn Kiếm) hay chung cư Nguyễn Thiện Thuật (quận 3), chung cư 537 Phạm Văn Đồng (quận Bình Thạnh), chung cư 234 Phan Văn Trị (quận Bình Thạnh)… lan can đều trong tình trạng xây kín bằng bê tông hoặc bằng sắt hoen gỉ và chiều cao chưa tới 1m.


Các khu tập thể cũ đều không đáp ứng đúng quy chuẩn về chiều cao an toàn lan can. Vì vậy, cần có các giải pháp mới phù hợp với tình hình thực tế.

Ban công tại nhiều khu chung cư như Dịch Vọng, Linh Đàm… đều được xây cao trên 1m. Nhưng thiết kế là kiểu phía dưới là tường xây, phía trên gắn 3 thanh sắt nằm ngang, mỗi thanh cách nhau 10cm, hoặc lan can chỉ được bảo vệ bằng những thanh sắt khoảng cách khá rộng, hệ thống cửa sổ không có lưới sắt bảo vệ… Thiết kế như vậy tạo điều kiện cho trẻ em leo trèo, dễ dàng chui qua khoảng trống giữa các thanh sắt và ngã xuống.

Cũng giống như tình trạng tại Dịch Vọng, Linh Đàm, lan can một số tòa chung cư ở khu Trung Hòa – Nhân Chính được bảo vệ bằng 2 thanh sắt ngang cách nhau 20cm, các thanh sắt dọc tạo độ hở lớn và không có kính hay lưới che chắn.

Độ cao lan can ở các khu đô thị lớn hiện nay không đồng nhất và không tuân thủ nghiêm ngặt theo quy chuẩn của Bộ Xây dựng đã ban hành. Điển hình là tại tòa chung cư khu Sài Đồng lại có chiều cao 1,25m. Khảo sát tại chung cư Rice city, đo được tại tầng 9, chiều cao lan can là 1,3m tính cả gờ bê tông mới đủ 1,4m. Tại chung cư An Lạc, Mỹ Đình của Cty CP Tập đoàn Hà Đô, chiều cao lan can đo được là 70cm, tính cả bục bê tông phía dưới thì tổng chiều cao là 1,2m.


Các chuyên gia cho rằng không nên sử dụng thanh ngang khi thiết kế lan can.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Xây dựng, PGS.TS Trần Chủng - Nguyên Cục trưởng Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh: Các công trình trước khi đưa vào sử dụng đều phải được nghiệm thu và kiểm tra bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền. Vì vậy, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thường xuyên kiểm tra, rà soát các chung cư khi bắt đầu đi vào hoạt động. Nếu phát hiện sai phạm cần yêu cầu chủ đầu tư lập tức sửa chửa, xử lý đúng theo quy định. Đồng thời quy rõ trách nhiệm cho cá nhân, tổ chức có liên quan để xảy ra những tai nạn đáng tiếc.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ, yếu tố dự phòng phải đặt lên hàng đầu. Các căn hộ cũng nên làm thêm khung bảo vệ cửa sổ, cao khoảng 1/2 khung cửa để trẻ không thể leo ra ngoài. Các cửa chính, cửa sổ cần phải có chốt khóa an toàn để trẻ không mở được. Một giải pháp mới được đưa ra là lắp các lưới an toàn. Tuy nhiên, việc lắp lưới an toàn cần đồng bộ với thiết kế chung cư và đảm bảo an toàn PCCC khi xảy ra hỏa hoạn.

Theo ông Vũ Ngọc Anh – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Xây dựng), các quy định, hướng dẫn của Bộ Xây dựng đã đầy đủ, tuy nhiên tình hình thực tế còn nhiều bất cập. Tại các chung cư, người lớn nên cẩn trọng hơn, không được để các vật có chiều cao ở ngoài lan can như điều hòa, bàn ghế, máy giặt… Các cháu bé sẽ trèo, vượt qua lan can và để xảy ra tai nạn đáng tiếc. Đặc biệt, ban quản lý tòa nhà, chủ đầu tư, ban quản trị chung cư cần phổ biến nội quy an toàn chung cư, nhà cao tầng cho người dân. Đồng thời cần xây dựng các tài liệu hướng dẫn để người dân hiểu rõ và biết xử lý khi những sự cố nguy hiểm xảy ra.

Đồng quan điểm, GS. TSKH Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường cho rằng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng không đảm bảo an toàn ở các chung cư cao tầng. Chủ đầu tư xây dựng và người mua nhà chưa quen với văn hóa chung cư cao tầng. Hiện nay, người mua căn hộ chung cư đa số đều là gia đình có con nhỏ thì chủ đầu tư phải đưa ra các giải pháp thiết kế đa dạng nhằm đảm bảo an toàn cho các cháu. Và chủ nhà cũng chưa quen với văn hóa chung cư nên cũng không nghĩ đến trường hợp trẻ con có thể leo trèo nghịch ngợm ở ban công, cửa sổ.

Tại nhiều nước trên Thế giới đã xây dựng nhiều chương trình hành động hoặc ban hành thêm quy định nhằm nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ ở các chung cư, nhà cao tầng.

Điển hình là ở TP. New York (Mỹ), chính quyền địa phương yêu cầu tất cả các tòa nhà chung cư phải lắp đặt hệ thống cửa sổ bảo vệ, nhất là đối với những gia đình có con nhỏ và triển khai chương trình tập huấn, phổ biến kiến thức cho các bậc phụ huynh về cách đảm bảo an toàn cho con nhỏ.

Trong khi đó, ở Dubai (Các Tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất), chính quyền thành phố thành lập hàng trăm tổ giám sát về quy chuẩn kỹ thuật của các tòa nhà chung cư khi xây dựng. Khi được đưa vào sử dụng, những tổ giám sát này tiếp tục hoạt động để theo dõi mức độ an toàn và hướng dẫn cư dân sinh sống tại các chung cư trong việc đảm bảo an toàn, đặc biệt là cho trẻ nhỏ.

Cũng như vậy, Chính phủ Singapore đã thành lập một Ủy ban Nhà ở để quản lý toàn bộ những vấn đề liên quan đến chung cư, nhà cao tầng. Cơ quan này chịu trách nhiệm trong việc lập quy hoạch, tái định cư, thiết kế kiến trúc và xây dựng.

Còn tại Úc, một bộ Quy chuẩn Xây dựng chi tiết được soạn thảo, thống nhất tất cả quy định về kỹ thuật khi thiết kế, xây dựng các công trình, trong đó có thiết kế cửa sổ mở, được áp dụng trên toàn nước. Năm 2012, bộ luật đã quy định rằng tất cả những ngôi nhà/căn phòng cách mặt đất hơn 2 mét thì cửa sổ (mở được) phải có ổ khóa hoặc ổ chặn để ngăn không cho cửa mở rộng quá 12,5 cm; hoặc phải gia cố tấm kính chắn bảo vệ, tránh trẻ em ngã xuống.


Diệu Anh/baoxaydung.com.vn
suncity oxbet bk8 s666 11bet zbet lode88 12bet nbet hb88 kubet77 fcb8 k8 mig8 top88 sbobet vnloto onebox63 vwin bet69 zowin win2888 sun hotlive bet168 ibet888 33win bong99 kubet w88 bong88 m88 vn88 xoso66 vobo88 binh88 jdb666 corona888 kimlong90 hb88g pua88 dd7 8xbet