Những chuyến đi du lịch nước ngoài của cả gia đình vô tình truyền cảm hứng cho Tuấn Minh về ước mơ du học từ ngày còn bé. Nhờ sự động viên của bố, năm lớp 8, Minh quyết định thi vào một trường cấp 2 công lập của Singapore.
“Để nói rằng phải biết ơn ai trên hành trình trưởng thành của mình, em nghĩ người đó chính là bố. Em may mắn có một người cố vấn tuyệt vời – cựu học sinh Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), từng giành giải Toán quốc gia; một trong những sinh viên khóa Điện – Điện tử đầu tiên của ĐH Bách khoa Hà Nội.
Dù vậy, bố chưa bao giờ so sánh em với bất kỳ ai. Thay vào đó, bố chọn cách đồng hành và truyền cảm hứng”, Mai Tuấn Minh (SN 1998), chàng sinh viên năm 2, ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử tại ĐH Công nghệ Nanyang kể về hành trình đến Singapore của mình.
Mai Tuấn Minh hiện là sinh viên năm 2, ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử tại ĐH
Công nghệ Nanyang
Minh cho biết, từ hồi tiểu học, dù chưa biết thế nào là nên hay không nên đi du học, nhưng bố cậu đã tạo động lực bằng cách quyết định cho các con đi du lịch nước ngoài.
Đất nước đầu tiên Minh đặt chân tới là Singapore. Trong chuyến đi ấy, ngoài tham quan, trải nghiệm, Minh còn được quan sát, thăm thú nhiều nơi như tàu điện ngầm không người lái của Singapore, đảo du lịch nhân tạo Sentosa, quận kinh doanh trung tâm Singapore và ĐH Công nghệ Nanyang. Đó cũng là lần đầu tiên cậu bé 9 tuổi cảm nhận được thế nào là một nơi hiện đại và phát triển.
Sau vài chuyến đi nước ngoài tiếp đó, Minh dần hình thành quyết tâm phải đi du học. “Em luôn cảm thấy tò mò và mong muốn tìm hiểu về thế giới ngoài kia đang biến chuyển ra sao. Tại sao những đất nước ấy lại có sự phát triển thần kỳ đến vậy”.
Mọi mong muốn đều đến như một lẽ rất tự nhiên. Minh nói ước mơ này với bố. Bố không hề phản đối, ngược lại còn động viên cậu nên đi du học từ sớm để được trải nghiệm các nền giáo dục khác nhau qua mỗi cấp học.
Hai bố con cùng lên kế hoạch sẽ sang Singapore vào cấp 2, Mỹ vào cấp 3, sau đó sẽ theo học bậc đại học ở Anh. Nhờ sự khuyến khích của bố, Minh đã nỗ lực học tập, chuẩn bị những hành trang cần thiết để lên đường du học.
Phải thi tới 5 lần, Minh mới có thể đỗ vào một ngôi trường cấp 2 công lập tại Singapore. Sau đó, cậu đã lên đường đi du học khi vừa hoàn thành học kỳ I năm lớp 8.
Minh kể, việc một mình đi du học khi còn là học sinh cấp 2 cũng khiến cậu khá chật vật để thích nghi. “Em thường bị các bạn chế nhạo vì chất giọng tiếng Anh. Chương trình học ở Singapore cũng khá nặng khiến nhiều bạn phải bỏ học giữa chừng. Điều đó cũng làm em cảm thấy áp lực. Cộng với việc sống xa gia đình, tập thích nghi với nền văn hóa mới khiến em phải học cách nỗ lực vươn lên”.
Nhưng bù lại, Minh cho rằng, Singapore cũng đã cho mình khá nhiều thứ. “Từ hồi cấp 2, bọn em đã được đến một số công ty, doanh nghiệp để tìm hiểu về những ngành nghề cụ thể. Đó là những trải nghiệm rất thực tế mà em nghĩ, sự đánh đổi của mình là đáng giá”.
Hết cấp 2, những học sinh như Minh có hai sự lựa chọn, hoặc sẽ đi theo hướng học dự bị đại học 2 năm, hoặc sẽ lựa chọn học hệ cao đẳng 3 năm. Minh lựa chọn hướng đi thứ hai, theo học tại Trường Cao đẳng Bách Khoa Cộng hòa Singapore (Republic Polytechnic).
“Em quyết định sẽ không đi Mỹ như dự định ban đầu của 2 bố con vì thấy rằng Singapore vẫn còn nhiều thứ để mình khám phá. Học cao đẳng tại đây, chúng em được học về chuyên ngành thông qua việc làm các dự án.
Mọi hoạt động trong trường đều hướng tới việc phát triển một con người toàn diện. Vì thế, dù phải tới trường từ 9h sáng đến 5h chiều, nhưng buổi sáng học sinh sẽ học lý thuyết, còn buổi chiều sẽ được thực hành.
Chúng em được cùng nhau xây dựng pin mặt trời ở Myanmar, thiết kế robot phục vụ trong các nhà hàng hay có cơ hội được trải nghiệm trong phòng máy của Singapore Airline. Được thực hành và tập trung vào các môn chuyên ngành là một lợi thế giúp chúng em dễ dàng hơn trong việc xác định con đường đi của mình”.
Vẫn giữ lời hứa với bố và những mục tiêu đã đặt ra lúc mới sang Singapore, Tuấn Minh nỗ lực học tập và giành được điểm GPA 4.0/4.0 sau 3 năm học, đồng thời nhận được Huân chương Vàng giành cho thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc của Trường Cao đẳng Bách Khoa Cộng hòa Singapore.
“Tại sao phải chờ đến 18 tuổi mới được đi du học?”
Quãng thời gian trước khi bước chân vào đại học, Minh nghĩ khá nhiều về bố. “Bố luôn muốn cống hiến giúp Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu về công nghệ ở châu Á và em luôn mong điều đó trở thành sự thật.
Em thường hay nói đùa với bố rằng, bố đã tốt nghiệp ngôi trường đại học hàng đầu Việt Nam thì con cũng mong mình sẽ tốt nghiệp ngôi trường đại học hàng đầu châu Á. Nói vui là thế, nhưng với em, bố vẫn luôn là tấm gương để bản thân nỗ lực hết sức có thể”.
Đó cũng là lý do Minh lựa chọn tiếp tục ở lại Singapore, theo học ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử của ĐH Công nghệ Nanyang để trở thành đồng nghiệp của bố.
Minh cùng các bạn trong Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore.
Minh cho biết, cậu muốn tận dụng hết quỹ thời gian 4 năm đại học này để đào sâu hơn kiến thức chuyên ngành, trải nghiệm đủ các hoạt động xã hội và thử sức ở một vài lĩnh vực mới.
Nhưng cậu cũng thừa nhận “khi còn học bậc cao đẳng, mình có thể là một con cá lớn; nhưng ở ngôi trường top đầu châu Á, mọi người đều rất giỏi, nhất là sinh viên Trung Quốc”.
Sự cạnh tranh khó khăn, nhưng Minh cho rằng, dù khó vẫn sẽ dạy cho mình những bài học quý giá và sẽ là môi trường tốt để mọi người học cách phát triển.
Cũng tại Nanyang đã cho Minh gặp được nhiều người bạn đồng hương Việt Nam và cùng nhau thành lập ra công ty mang tên Linh.AI - công ty tạo ra sản phẩm hỗ trợ trí tuệ thông minh nhân tạo trong lĩnh vực y tế, xe tự động lái và robot.
Ngoài ra, Minh còn là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Singapore và có nhiều sáng kiến giúp đỡ sinh viên Việt tại Singapore, nhất là trong dịch Covid-19 vừa qua,…
Những trải nghiệm ấy, theo Minh, đã cho cậu cơ hội để được lớn lên và trưởng thành.
“Tại sao phải chờ đến 18 tuổi mới được đi du học?”. Minh cho rằng, không bao giờ là quá sớm để chuẩn bị cho hành trình này.
“Việc đi du học từ sớm giúp em được trải nghiệm cuộc sống tự lập đích thực ở nước ngoài. Em phải học cách tự xoay sở mọi thứ ở một đất nước xa lạ mà không ai biết mình là ai. Cho đến giờ, ở tuổi 23, em khá tự tin về khả năng xoay sở của mình trong mọi hoàn cảnh.
Tất nhiên, một đứa trẻ không thể nói thích đi du học nếu nó chưa bao giờ hình dung cuộc sống ở nước ngoài sẽ như thế nào. Em cảm thấy biết ơn bố mẹ đã tạo cơ hội để mình được đặt chân ra nước ngoài từ khá sớm. Dù đó có thể là một khoản “đầu tư đắt đỏ”, nhưng thông qua những trải nghiệm thực tế, mình vẫn có thể tìm con đường đi du học tiết kiệm tiền và thời gian hơn rất nhiều”, Minh nói.
Thúy Nga