43 triệu lượt người có thể mất cơ hội bay vé giá rẻ

Thứ tư, 15/09/2021, 06:00 GMT+7
43 triệu lượt người có thể mất cơ hội bay vé giá rẻ

43 triệu lượt người có thể mất cơ hội bay vé giá rẻ

Với việc áp giá sàn, mặt bằng chung giá vé máy bay tăng rất cao. Điều này làm hạn chế nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt người có thu nhập thấp, người lao động chuẩn bị đi làm trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.

Với việc áp giá sàn, mặt bằng chung giá vé máy bay tăng rất cao. Điều này làm hạn chế nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt người có thu nhập thấp, người lao động chuẩn bị đi làm trở lại sau thời gian giãn cách xã hội.

 

Tước đi cơ hội bay giá rẻ của hàng triệu người

Đề xuất áp dụng mức giá tối thiểu bằng 20% mức giá tối đa quy định, nếu được thông qua, không chỉ xóa sổ vé 0 đồng, vé giá rẻ, mà còn khiến giá vé máy bay nội địa đắt gấp đôi, gấp ba. Điển hình là chặng bay Hà Nội - TP.HCM, giá vé rẻ nhất sau khi cộng thuế, phí là khoảng 2,7-3 triệu đồng triệu đồng/vé khứ hồi, tăng mạnh so với mức trên dưới 1 triệu đồng trước đó. Chưa kể, không phải ai cũng tiếp cận/săn mua được mức giá rẻ nhất này.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân chung theo đầu người của cả nước năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt khoảng 4,2 triệu đồng/tháng, còn chi tiêu bình quân theo hộ gia đình là 2,89 triệu đồng/người/tháng. Sang năm 2021, con số này dự kiến còn thấp hơn do tác động tiêu cực từ đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, với việc áp giá sàn vé máy bay như đề xuất, chỉ riêng chặng bay Hà Nội - TP.HCM, chi phí vé bằng một nửa thu nhập một tháng của người lao động.

43 triệu lượt người bị tước mất cơ hội bay vé giá rẻ

Nếu áp giá sàn, nhiều người có thu nhập thấp không có cơ hội đi máy bay

(ảnh minh họa) 

 

TS. Lương Hoài Nam, chuyên gia du lịch - hàng không, nhận xét, những người không thể đi được máy bay khi giá vé đắt chính là những người nghèo, người có thu nhập thấp, là hàng chục triệu người Việt Nam lâu nay đi lại được bằng máy bay nhờ giá vé rẻ của tất cả các hãng hãng không, kể cả hãng hàng không truyền thống, đặc biệt là các hãng hàng không giá rẻ.

Trước đại dịch Covid-19, thị phần của hàng không giá rẻ đã vượt mức 65%, tức là hơn 2/3 thị trường hàng không Việt Nam, tương đương 43 triệu lượt người được bay giá rẻ trong năm 2019. Nó phù hợp với đại đa số người tiêu dùng nước ta và nhiều du khách quốc tế.

Ông Nam cho rằng, nếu bằng một công cụ gọi là "giá sàn" mà loại bỏ cơ hội về giá vé máy bay rẻ thì chính sách đó sẽ đánh ngay vào lợi ích của những đối tượng này. Rất khó để họ đi lại bằng máy bay, mà phải chuyển sang các phương tiện giao thông khác rẻ tiền hơn, kém an toàn hơn.

Trả lời báo chí mới đây, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thông tin, đại dịch Covid-19 khiến hơn 1,3 triệu công nhân phải ngừng, nghỉ, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động; hơn 1.000 doanh nghiệp với gần 84.000 công nhân vừa cách ly/phong tỏa vừa sản xuất.

Tại TP.HCM, hàng trăm nghìn công nhân không có việc làm, một số khác công việc chỉ duy trì ở mức tối thiểu. Giãn cách xã hội, không có tích lũy hoặc mức tích lũy thấp, buộc nhiều lao động phải “sơ tán” về quê tránh dịch. Tới đây, khi dịch bệnh được kiểm soát, hàng nghìn công nhân từ các tỉnh phía Bắc, miền Trung quay trở lại Sài Gòn làm việc, việc đi lại sẽ càng khó khăn.

Thu nhập thấp, họ không thể đi máy bay khi giá vé quá đắt đỏ, còn đi bằng ô tô và tàu hỏa thì mất thời gian. Hậu quả là, doanh nghiệp chậm khôi phục hoạt động sản xuất do thiếu lao động, tác động tới sự phục hồi chung của nền kinh tế.  

 

43 triệu lượt người bị tước mất cơ hội bay vé giá rẻ
Nếu không vé máy bay giá rẻ thì nhân lực, tàu bay sẽ dư thừa.

 

Dân nghèo sao phải nuôi hãng bay

Cục Hàng không Việt Nam, khi đề xuất giá sàn, lý giải việc này là cần thiết nhằm hỗ trợ khó khăn cho các hãng hàng không, đặc biệt giảm nguy cơ dẫn đến phá sản của Vietnam Airlines, giảm thiểu thiệt hại cho Nhà nước (với tư cách là cổ đông nắm giữ trên 86% vốn điều lệ của hãng).

Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp hàng không đánh giá, Vietnam Airlines đã nhận nhiều hỗ trợ của Nhà nước, nay tiếp tục đòi hỏi áp giá sàn là thiếu trách nhiệm với xã hội.

PGS.TS. Nguyễn Thiện Tống, chuyên gia hàng không, cho rằng, giai đoạn khó khăn này, lẽ ra Vietnam Airlines phải cam kết giữ hoặc giảm giá vé để kích cầu đi lại, thông thương, góp phần phục hồi kinh tế. Nhưng hãng lại đề xuất tăng giá vé, với mức giá sàn thuộc loại cao nhất thế giới (bằng 44% giá trần, trong 3 năm) không khác nào muốn người dân - vốn đang khốn khó vì dịch Covid-19 - phải góp tiền bù lỗ, giảm nguy cơ phá sản cho chính hãng này.

“Tại sao Vietnam Airlines không tái cơ cấu mạnh mẽ, không tối ưu chi phí để cơ cấu lại nguồn lực”, ông Nguyễn Thiện Tống lên tiếng.

TS. Lương Hoài Nam cũng băn khoăn, không hiểu tại sao Vietnam Airlines lại đề xuất giá sàn trong khi họ lại là cổ đông chi phối áp đảo của một hãng hàng không giá rẻ là Pacific Airlines? Bởi, về bản chất, nếu có giá sàn thì mô hình hàng không giá rẻ không thể vận hành hiệu quả.

Do đó, việc các hãng hàng không khác không ủng hộ và đề xuất bỏ ý tưởng giá sàn là có lý. Ông Nam nhìn nhận, họ cần có sự tự do về giá vé và giảm giá vé để kích cầu phát triển các thị trường và đối tượng khách hàng của mình, lấp đầy chuyến bay và tối ưu hóa doanh thu.

Hơn nữa, trong bối cảnh đặc biệt như đại dịch Covid-19 hiện nay, nếu không vé máy bay giá rẻ thì nhân lực, tàu bay sẽ dư thừa. Cái khó của các hãng là thiếu thị trường, và áp giá sàn sẽ khiến các hãng đã khó lại càng khó hơn.

Chưa kể, du lịch cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi không thể kích cầu do 70% khách đi du lịch bằng đường hàng không, và chi phí vé máy bay chiếm 40-50% giá tour. 

Tại các nước trong khu vực, hàng không giá rẻ chiếm tới 65-70% thị phần hàng không nội địa, nhưng ở Việt Nam, con số này mới chỉ trên 30%. Người Việt Nam lại có mức thu nhập thấp hơn nhiều, song lại phải trả chi phí đi máy bay cao hơn hẳn. Rõ ràng, việc áp giá sàn bay nội địa sẽ ngăn trở hàng không giá rẻ và tước quyền bay với giá thấp của hàng chục triệu người dân.

Ngọc Hà


vietnamnet.vn