“Vắc xin” chống dịch của Bắc Giang

Thứ bảy, 18/09/2021, 05:37 GMT+7

“Vắc xin” chống dịch của Bắc Giang

Bên cạnh vắc xin tiêm để ngừa covid, Bắc Giang cho biết địa phương này cũng có một loại “vắc xin” khác để phục hồi phát triển kinh tế, cho phép vừa chống dịch, vừa sản xuất, mô hình sản xuất tương thích với tình hình dịch bệnh.

 

Hệ lụy chưa từng có

Đợt dịch Covid-19 bùng phát từ đầu tháng 5/2021, tỉnh Bắc Giang trở thành địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ trước đến nay.

Ổ dịch đầu tiên xuất hiện trong cộng đồng tại xã Phương Sơn (huyện Lục Nam) liên quan đến Bệnh viện K Hà Nội xuất hiện từ ngày 7/5, có 7 ca F0. Ổ dịch này đã nhanh chóng được khống chế hoàn toàn, không lây lan, tăng thêm.

Ổ dịch thứ hai và nguy hiểm nhất là trong khu công nghiệp là trường hợp F0 đầu tiên xuất hiện tại Công ty SJ Tech (KCN Vân Trung). Từ ca F0 này, dịch nhanh chóng lan rộng sang các doanh nghiệp khác và lây lan trong các khu trọ của công nhân lưu trú.

Đến 19h ngày 24/6/2021, tổng số trường hợp F0 cộng dồn của Bắc Giang là 5.527 trường hợp; F1 là 28.116 trường hợp; F2 là 102.457 trường hợp.

Vắc xin” chống dịch của Bắc Giang-1
Xét nghiệm Covid-19 cho công nhân.

 

Bắc Giang tổng kết, dịch Covid-19 đã tác động sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội và làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Tăng trưởng ngành công nghiệp, xây dựng thấp hơn kế hoạch. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Hàng trăm DN trong 4 KCN Vân Trung, Quang Châu, Đình Trám, Song Khê – Nội Hoàng phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất. 196.000 công nhân phải nghỉ luân phiên, làm việc cầm chừng. Nhiều dự án đầu tư công, dự án khu đô thị mới tiến độ thực hiện chậm.

Ngoài ra, chi ngân sách cho công tác phòng, chống dịch đã ảnh hưởng đến cân đối thu, chi ngân sách địa phương năm 2021.

Mặc dù không công bố số liệu cụ thể, tuy nhiên, ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: “Chúng tôi có cách thức xác định con số thiệt hại về phát triển kinh tế, thu hút đầu tư cụ thể”.

Việc đóng cửa, tạm dừng sản xuất 4 KCN trên địa bàn tỉnh để tập trung chống dịch đồng nghĩa với việc, mỗi một ngày, Bắc Giang không có giá trị sản xuất tương đương 2.000 tỷ đồng – một con số không hề nhỏ!

“Vắc xin” của Bắc Giang

Xác định các nguyên nhân gây bùng phát ổ dịch lớn lên tới hàng ngàn ca lây nhiễm trong các khu công nghiệp, các khu nhà trọ công nhân, Bắc Giang cho biết đã có phương án chủ động đối phó với dịch bệnh trong các đợt dịch bệnh tiếp theo nếu như còn tiếp tục xuất hiện.

Đó là hỗ trợ, hướng dẫn cho các doanh nghiệp thiết lập phương án sản xuất mới thích ứng trong điều kiện có dịch. Thứ hai, là hoàn thành công tác lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2030.

Vắc xin” chống dịch của Bắc Giang-2
Lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đi kiểm tra công tác phòng chống dịch.

Phó Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, ông Mai Sơn thừa nhận, thực trạng hàng vạn công nhân sống trong các khu nhà trọ xen kẽ với các khu dân cư là nguy cơ phát sinh lây nhiễm chéo với tốc độ nhanh, quy mô lớn, nhất là khi, một nhà trọ với hàng trăm công nhân trong nhiều công ty, nhà máy khác  nhau cùng thuê trọ.

Việc sống xen kẽ này trong điều kiện không có sự quản lý, giám sát khiến việc truy vết, kiểm soát diễn biến, đường đi của dịch phức tạp hơn.

Giải bài toán này, Bắc Giang đã đưa ra phương án yêu cầu doanh nghiệp – chủ sử dụng lao động trực tiếp ký kết hợp đồng với chủ các khu trọ, biến mỗi một khu trọ thành một “ký túc xá” riêng, không để tình trạng công nhân tự ký kết hợp đồng thuê nhà, nhiều công nhân của nhiều nhà máy sống chung trong cùng một khu trọ.

“Khi đã quản lý được vấn đề nhà trọ, công ty sẽ có phương án đưa đón người lao động, thực hiện quy chế “4 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng đi chung phương tiện, cùng làm trong một xưởng sản xuất. Nội dung này đi vào nề nếp, sẽ khoanh vùng, truy vết, kiểm soát được dịch bệnh ngay lập tức, nếu như xảy ra” – ông Mai Sơn chia sẻ.

Đó là bài toán đối với chỗ ở dành cho công nhân ở những khu công nghiệp cũ, khi mà bài toán chỗ ở chưa được đặt ra.

Đối với các khu công nghiệp mới đang được Bắc Giang xây dựng mới, tỉnh này đã có phương án với mỗi một khu công nghiệp sẽ có một khu đô thị liền kề, trong đó giành một tỷ lệ quỹ đất nhất định để làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.

“Nhà ở cho công nhân là một trong những chiến lược thu hút đầu tư của Bắc Giang. Muốn chống dịch tốt, không có giải pháp nào hiệu quả, bền vững hơn. Song hành cùng với vắc xin tiêm ngừa dịch, đó là vấn đề nhà ở cho công nhân” – ông Mai Sơn nói.

Tại Bắc Giang, trong số hàng trăm doanh nghiệp ở Bắc Giang, mới có 2 đơn vị xây nhà cho công nhân (Công ty TNHH Fuhong- Đình Trám, Tổng Công ty Đông Bắc - Sơn Động). Tuy nhiên, mới  đáp ứng chỗ ở cho khoảng hơn 6.000 công nhân – một con số rất nhỏ.

Trong quy hoạch của địa phương này, Bắc Giang đã dành 19 vị trí khu nhà ở xã hội dành cho công nhân, đang triển khai và thu hút đầu tư lập quy hoạch, trong đó có ba dự án đang triển khai xây dựng nhà ở, 1 dự án đã triển khai xong hạ tầng đang lựa chọn nhà đầu tư; 9 vị trí đã có quy hoạch chi tiết được duyệt đang tổ chức lập đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư…

Tổng diện tích đất Bắc Giang quy hoạch làm nhà ở cho công nhân khoảng 220ha, trong đó đất ở khoảng 100ha.

Đóng góp cho cả nước bài học ứng phó với dịch

Ngày 28/5, Bắc Giang cho hoạt động trở lại 8 doanh nghiệp mẫu theo kế hoạch 213 trong điều kiện vẫn đang chống dịch. Nói về quyết định này, Chủ tịch Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, đây là mô hình sản xuất mới đã được xây dựng phù hợp, thích ứng với hoàn cảnh dịch bệnh, khác hoàn toàn mô hình sản xuất cũ trước khi có dịch.

Mô hình sản xuất mới này chính là pháo đài để chống dịch. Đây là một cách để chủ động tấn công dịch, xây dựng mỗi nhà máy là một pháo đài, nơi đó sẽ bảo vệ công nhân, bảo vệ sản xuất, bảo vệ nền kinh tế.

Việc cho các nhà máy hoạt động trở lại trong bối cảnh đó không phải là quyết định mạo hiểm mà là giải pháp chống dịch, kết hợp hài hòa giữa chống dịch để sản xuất và sản xuất để chống dịch.

Vắc xin” chống dịch của Bắc Giang-3
Bắc Giang vừa sản xuất vừa chống dịch.

“Đây chính là chìa khóa để phát triển trong điều kiện dịch vẫn còn diễn biến phức tạp bởi không ai dám chắc hết đợt dịch này sẽ không còn những đợt dịch khác. Vì thế chúng ta có bài học rồi sẽ không bao giờ để tái diễn việc bùng phát dịch ở mức độ như giai đoạn vừa qua”- Chủ tịch tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương nói.

Với những việc đã làm, Bắc Giang tin rằng sẽ đóng góp cho cả nước bài học về việc thực hiện các mục tiêu kép và bài học về phòng chống dịch Covid-19.

Kiên Trung


vietnamnet.vn