Vừa qua, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc về việc trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Trước đó, ngày 30/01/2019, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc do Văn phòng Chính phủ chuyển đến theo Công văn số 812/VPCP-QHĐP ngày 28/01/2019.
Nội dung kiến nghị như sau: “Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ 40 triệu đồng đối với trường hợp xây dựng nhà mới, 20 triệu đồng đối với trường hợp sửa nhà. Quyết định ban hành năm 2013, mức hỗ trợ phù hợp với giá cả thời điểm đó, đến nay, giá cả vật tư, công xây dựng tăng lên rất nhiều. Đề nghị Chính phủ xem xét tăng mức hỗ trợ”.
Bộ Xây dựng trả lời vấn đề này như sau: Cơ sở để xác định mức hỗ trợ của các chính sách nhà ở nói chung cũng như Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở nói riêng được căn cứ vào điều kiện khả năng ngân sách của đất nước trong từng giai đoạn.
Theo tính toán tại thời điểm Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg thì mức kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho người có công với cách mạng để xây mới (40 triệu đồng/hộ) hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở (20 triệu đồng/hộ) là phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước;
Mức kinh phí hỗ trợ này cao hơn mức kinh phí hỗ trợ của Nhà nước cho các hộ gia đình theo chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở tại khu vực nông thôn (theo quy định của Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo khu vực nông thôn theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015 thì mỗi hộ gia đình được vay 25 triệu đồng với lãi suất 3%/năm trong 15 năm và có 05 năm ân hạn).
Theo Thông tư số 09/2013/TT-BXD ngày 01/7/2013 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thi hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg thì ngoài việc được hỗ trợ với mức kinh phí từ ngân sách Nhà nước nêu trên thì còn được huy động từ nhiều nguồn khác để thực hiện như: Hỗ trợ từ ngân sách địa phương, cộng đồng, dòng họ, hộ gia đình tham gia đóng góp (bằng nhân công, tiền, vật liệu...) và hộ gia đình người có công với cách mạng tự tổ chức xây dựng, sửa chữa nhà ở.
Đồng thời, Sở Xây dựng các địa phương có trách nhiệm thiết kế tối thiểu 03 mẫu nhà ở điển hình, kèm theo dự toán kinh phí đầu tư xây dựng, dự trù vật liệu chủ yếu, phù hợp với phong tục, tập quán của từng địa phương để các hộ gia đình áp dụng cho phù hợp với điều kiện kinh tế của từng hộ.
Trong điều kiện kinh tế của đất nước còn khó khăn như hiện nay, cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội thì sau khi hoàn thành hỗ trợ, nhà ở của các hộ gia đình người có công đều cơ bản đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn "3 cứng", chất lượng và diện tích theo quy định tại Thông tư số 09/2013/TT-BXD.
Bộ Xây dựng xin ghi nhận ý kiến của cử tri tỉnh Vĩnh Phúc để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết.