Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực hướng tới xây dựng một đô thị thông minh, trong đó ứng dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề cấp bách được đặt lên hàng đầu. Để thực hiện mục tiêu này, Thành phố Hồ Chí Minh cần sự chung tay của cả cộng đồng, nhất là các doanh nghiệp công nghệ thông tin với các giải pháp cụ thể.
Trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Tràng Dương/TTXVN)
Giải quyết vấn đề bức xúc bằng công nghệ
Vừa qua tại Diễn đàn Kinh tế thế giới, Thành phố Hồ Chí Minh được công bố là 1 trong 10 thành phố năng động nhất, trong đó thành phố được đánh giá cao về yếu tố ứng dụng công nghệ thông tin vào đô thị thông minh, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thành phố. Hiện công nghệ thông tin-truyền thông được xem là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế, tạo khả năng đi tắt đón đầu của thành phố.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết xây dựng Đề án đô thị thông minh không phải là thương hiệu hay danh hiệu mà thành phố muốn áp dụng công nghệ để giải quyết những vấn đề cụ thể như hạ tầng giao thông, chống ngập, rác thải, môi trường... Đề án cũng là một thị trường rất lớn để các doanh nghiệp trong lĩnh vực này tham gia. Thành phố mong muốn có sự hợp tác của chính quyền thành phố đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Từ cuối tháng 10/2016, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức các đoàn khảo sát xây dựng Đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" nhằm hình thành trong quá trình khảo sát một số dự án, chương trình, đề án cần thực hiện ngay hoặc thực hiện thí điểm trong năm 2017-2018, giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố theo hướng đô thị thông minh.
Đoàn khảo sát xây dựng đề án có sự tham gia của đại diện các hội chuyên ngành, doanh nghiệp công nghệ thông tin liên quan đến ứng dụng, hạ tầng, nguồn nhân lực... Từ khảo sát này, các doanh nghiệp công nghệ quan tâm có thể hình thành các nội dung, giải pháp để có thể tham gia tổng thể hoặc đề tài ngắn cho đề án.
Theo các chuyên gia, đối với các dự án của Đề án đô thị thông minh, các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam đủ sức tham gia, quan trọng là phải tạo đầu ra để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển.
Ông Ngô Văn Toàn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Global Cybersoft Việt Nam cho biết cần nội địa hóa mạnh mẽ các dự án công nghệ thông tin. Các dự án nên có sự tham gia sâu hơn, thoáng hơn, mở hơn cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước, bởi muốn có doanh nghiệp mạnh thì cần cho sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ để lứa doanh nghiệp mới mạnh mẽ hơn nữa.
Hiện công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại Thành phố Hồ Chí Minh, tuy nhiên vấn đề an toàn và bảo mật thông tin khi triển khai xây dựng đô thị thông minh cần được chú trọng.
Ông Ngô Vi Đồng, Chủ tịch Chi hội An toàn thông tin phía Nam cho biết các doanh nghiệp trong Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam (VNISA) rất quan tâm đến chương trình, nội dung Đề án xây dựng đô thị thông minh của thành phố và sẵn sàng tham gia xây dựng khung về an toàn, an ninh thông tin.
Ưu tiên doanh nghiệp trong nước
Công nghệ thông tin-truyền thông hiện là một trong bốn ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố Hồ Chí Minh và là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất, bình quân giai đoạn 2011-2015, dịch vụ viễn thông-công nghệ thông tin tăng 16,55%.
Hội viên của Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh (HCA) chiếm 70% số lượng doanh nghiệp công nghệ thông tin có quy mô lớn trên cả nước. Đây được xem là lực lượng “nòng cốt” khi thành phố muốn cùng doanh nghiệp công nghệ xây dựng đô thị thông minh.
Theo ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch HCA, với trên 310 hội viên là doanh nghiệp, công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, HCA có nhiều thế mạnh để hỗ trợ thành phố, nhất là kết nối doanh nghiệp, phát triển thị trường. Trong những năm tới, các doanh nghiệp muốn tham gia nhiều hơn vào các dự án của thành phố, đặc biệt là Đề án đô thị thông minh.
Lãnh đạo một doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trong Đề án đô thị thông minh, thời gian qua thành phố chú trọng nhiều đến doanh nghiệp nước ngoài hoặc doanh nghiệp ở nơi khác trình bày giải pháp hơn là các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta cần tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước thể hiện năng lực của mình."
Cùng quan điểm này, ông Đặng Thế Tài, Tổng Giám đốc Công ty CMC SI Sài Gòn kiến nghị muốn doanh nghiệp tham gia, thành phố phải làm sao để doanh nghiệp thấy hấp dẫn đối với dự án của thành phố để góp sức vào đó.
Thực tế, ngoài thỏa thuận cùng Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng khung đề án, thời gian qua, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đón tiếp nhiều doanh nghiệp quốc tế đến tìm hiểu, giới thiệu các công nghệ, giải giải pháp cho thành phố.
Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Thành phố mong muốn đón nhận các sản phẩm công nghệ của người Việt Nam, thậm chí sẵn sàng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp Việt. Việc đi mua sản phẩm công nghệ của nước ngoài là phải có nhưng sẽ hạn chế tối đa."
Trước nhu cầu cấp bách hiện nay, ông Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ các doanh nghiệp hoàn chỉnh giải pháp nào, Ủy ban Nhân dân thành phố sẽ lắng nghe và tiến hành khảo sát, đánh giá cụ thể. Thành phố sẽ chủ động hợp tác, nếu phải chọn hai doanh nghiệp thì thành phố sẽ ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam.
Thành phố cũng sẽ tổ chức hội nghị kết nối giữa các doanh nghiệp công nghệ thông tin với các địa phương để xây dựng chính quyền điện tử.
Hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã có bước phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nhiều doanh nghiệp đã cung cấp được sản phẩm công nghệ cho nước ngoài rất sẵn sàng mang công nghệ về giúp xây dựng thành phố thông minh.
Ông Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Mong muốn của thành phố không phải là đi mời các nước về giới thiệu các công nghệ để phát triển đô thị thông minh mà tương lai sẽ quảng bá những công nghệ của mình cho các nước xây dựng đô thị thông minh. Như vậy, doanh nghiệp mới có tâm huyết để làm”.
Theo Việt Nam +