Trước sự cấp bách tại cửa ngõ phía Đông, TP Hồ Chí Minh cùng tỉnh Đồng Nai đã bàn bạc kế hoạch xây cầu thay cho phà Cát Lái nối quận 2, TP Hồ Chí Minh với khu vực Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.
Theo phương án trình Thủ trướng trước đó, cầu Cát Lái có tổng chiều dài và đường dẫn khoảng 4,5km; cầu chính kết cấu dây văng 2 trụ tháp, quy mô 6 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp, mặt cắt ngang 60m, độ thông thuyền H=55m, B=250m, vận tốc thiết kế 80km/giờ.
Dự án có điểm đầu chính là điểm cuối của nút giao thông Mỹ Thủy trên đường Nguyễn Thị Định (quận 2, TP Hồ Chí Minh) và điểm cuối kết nối với đường Lý Thái Tổ (thuộc Khu đô thị Nhơn Trạch, xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai).
Khi có cầu Cát Lái, hệ thống giao thông TP Hồ Chí Minh - Nhơn Trạch sẽ được thông suốt, nối liền mạng lưới giao thông TP Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo đánh giá, hiện lưu lượng phương tiện giao thông đang quá tải trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây trong ngày thường lẫn dịp lễ, do đó, nếu tuyến này hình thành sẽ giảm tải cho tuyến cao tốc trên. Ngoài ra, khi sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động, cầu Cát Lái kết hợp tỉnh lộ 25C cũng sẽ hình thành tuyến kết nối TP Hồ Chí Minh – sân bay Long Thành.
Trên cơ sở đó, tỉnh Đồng Nai đề xuất phương án thực hiện: Phần đường dẫn phía TP Hồ Chí Minh dài 623m, quy mô mặt cắt ngang 60m, có chi phí thực hiện 755 tỷ đồng (trong đó xây lắp khoảng 215 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng trên địa bàn thành phố khoảng 540 tỷ đồng); kiến nghị TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm triển khai bằng nguồn ngân sách của thành phố hoặc theo hình thức khai thác quỹ đất, thời gian thực hiện 2020 - 2024.
Phần đường dẫn phía Đồng Nai dài 263m, quy mô mặt cắt 56m, có chi phí khoảng 410 tỷ đồng (xây lắp khoảng 134 tỷ đồng, giải phóng mặt bằng khoảng 276 tỷ đồng) do tỉnh Đồng Nai thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách địa phương hoặc hình thức khai thác quỹ đất, thời gian thực hiện 2020 - 2024.
Phần cầu chính và cầu dẫn, chi phí đầu tư khoảng 4.900 tỷ đồng, kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền triển khai thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).
Nếu việc triển khai theo hình thức BOT không khả thi sẽ nghiên cứu triển khai theo hình thức BOT kết hợp BT (xây dựng - chuyển giao), quỹ đất đối với phần BT sẽ nghiên cứu sử dụng quỹ đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thời gian thực hiện 2019 - 2024.
Trước đó, ngày 1/2, Văn phòng Chính phủ đã có Thông báo số 51/TB-VPCP của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý giao tỉnh Đồng Nai chủ trì và thống nhất với Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hồ Chí Minh thực hiện theo quy định hiện hành (xem xét quy mô, tiến độ đầu tư, hình thức đầu tư…).
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Văn bản số 631/TTg-CN về việc bổ sung quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020, trong đó đồng ý xây dựng cầu để thay thế phà Cát Lái...