Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 7 tới đây, Quốc hội khóa XIV sẽ thông qua dự án Luật Kiến trúc. Việc xây dựng và ban hành Luật Kiến trúc là rất cần thiết giúp cho công tác quản lý kiến trúc trở nên bài bản, chặt chẽ. Việc quản lý xây dựng các công trình có quy mô lớn, công trình công cộng, tới đây khi Luật Kiến trúc được thông qua và có hiệu lực sẽ đem lại sự thay đổi lớn, chuyển biến rõ ràng.
KTS Phạm Thanh Tùng |
Trao đổi với phóng viên Báo Xây dựng về tầm quan trọng cũng như sự cần thiết Luật Kiến trúc trong việc xây dựng các công trình có quy mô lớn, công trình công cộng, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội KTS Việt Nam cho rằng, việc có Luật Kiến trúc thì công tác quản lý kiến trúc, hành nghề KTS sẽ tốt hơn. Đồng thời, KTS Tùng cho hay không chỉ riêng công trình công cộng mà tất cả các công trình kiến trúc sẽ bị điều chỉnh, tác động và làm rõ đâu là công trình kiến trúc. Theo lý giải của KTS Tùng, tất cả công trình xây dựng nên được gọi là kiến trúc khi nó mang tính nghệ thuật.
“Những công trình phục vụ cộng đồng gọi là công trình công cộng. Đối với các công trình công cộng như: Nhà hát, bệnh viện, trường học… có nhiều cấp mà Bộ Xây dựng đã quy định rồi. Từ loại nhỏ đến loại quy mô lớn, có loại là đầu tư công, có loại là đầu tư của tư nhân. Tất cả những cái đó được luật hóa là nó phải đảm bảo với quy hoạch đã được duyệt. Như vậy là rất tốt” - KTS Phạm Thanh Tùng nhìn nhận và đánh giá tầm quan trọng cũng như sự cần thiết của dự án Luật Kiến trúc trong việc xây dựng các công trình có quy mô lớn, công trình công cộng - “Đồng thời là trong Luật vẫn có quy định về thi tuyển. Các KTS hành nghề sẽ phải thi tuyển nếu được tham gia vào công trình nào đấy mà Luật đã quy định là công trình đó phải thi tuyển. Ví dụ, như làm nhà ga hàng không thì công trình đó là phải thi tuyển. Và qua thi tuyển như thế thì mới chọn được phương án tốt. Mà trước đây có phương án tốt nhưng chủ đầu tư không nghe thì cũng không được xây, không được chọn. Nhưng khi có Luật Kiến trúc, phương án nào tốt nhất đã được chọn rồi thì phương án đó sẽ được chọn để tiếp tục đi vào các vòng sau để nâng cao chất lượng, chuyên môn”.
KTS Phạm Thanh Tùng cũng đánh giá: công trình công cộng là những công trình có quy mô lớn, công trình là điểm nhấn của đô thị, những công trình có giá trị kiến trúc đặc biệt… thì mới thi tuyển chứ không cái gì cũng đưa vào thi tuyển. Tuy nhiên, có những công trình không phải lớn như cổng chào vào thành phố chẳng hạn, có thể nó bé nhưng nó là một biểu tượng của đô thị, là bộ mặt của một địa phương nên cũng phải tổ chức thi tuyển.
“Trong các luật thì Luật Kiến trúc được tất cả Quốc hội quan tâm nhiều nhất. Các đại biểu Quốc hội đều thấy sự cần thiết của kiến trúc. Chưa bao giờ ba từ Kiến trúc sư, hai chữ Kiến trúc lại vang lên nhiều như thế trên hội trường Quốc hội. Luật Kiến trúc được thông qua sẽ giúp cho công tác quản lý kiến trúc chặt chẽ, quy củ, kiến trúc sẽ không bị loạn như trước đây” - KTS Phạm Thanh Tùng khẳng định.