Xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước

Thứ sáu, 29/03/2019, 20:04 GMT+7

Chính phủ ban hành Nghị định số 30/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó bổ sung Điều 57a xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.


Ảnh minh họa

Cụ thể, trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà và có tên trong hợp đồng thuê nhà ở này thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định như sau:

- Nếu thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được ghi trong hợp đồng thuê nhà thì xác định theo thời điểm ghi trong hợp đồng.

- Nếu trong hợp đồng thuê nhà ở không ghi thời điểm bố trí sử dụng nhà ở thì xác định theo thời điểm ký kết hợp đồng đó.

- Nếu thuộc diện ký lại hợp đồng hoặc gia hạn hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm nêu tại hợp đồng ký kết đầu tiên.

- Nếu người trực tiếp sử dụng nhà ở có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền thuê nhà ở trước khi ký kết hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm nộp tiền thuê nhà ở; trường hợp khi ký kết hợp đồng thuê nhà ở mà cơ quan có thẩm quyền đã truy thu tiền thuê nhà ở (có giấy tờ chứng minh việc truy thu tiền thuê nhà ở) thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm tính truy thu tiền thuê nhà ở.

- Nếu người trực tiếp sử dụng nhà ở có quyết định hoặc văn bản phân phối bố trí sử dụng nhà ở (văn bản bố trí sử dụng) và có tên trong văn bản đó trước thời điểm ký kết hợp đồng thuê nhà thì thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm ghi trong văn bản bố trí sử dụng; nếu trong văn bản bố trí sử dụng không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành văn bản đó.

Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, không có hợp đồng thuê nhà nhưng có tên trong văn bản bố trí sử dụng thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ghi trong văn bản đó; nếu trong văn bản bố trí sử dụng không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành văn bản này.

Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở thuộc diện nhận chuyển quyền thuê nhà ở (có hợp đồng thuê nhà hoặc có văn bản bố trí sử dụng nhà ở này nhưng không có tên trong hợp đồng hoặc trong văn bản đó) thì thời điểm bố trí sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm người đầu tiên có tên trong hợp đồng hoặc văn bản bố trí sử dụng nhà ở.

Về điều khoàn chuyển tiếp, trường hợp đã ký kết hợp đồng mua bán nhà ở trước ngày 15/5/2019 thì không thực hiện xác định lại thời điểm bố trí sử dụng nhà ở theo quy định của Nghị định này.

Trường hợp đã nộp hồ sơ mua nhà ở trước ngày 15/5/2019 nhưng đến ngày 15/5/2019, các bên chưa ký kết hợp đồng mua bán nhà ở thì thực hiện xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở theo quy định của Nghị định này.

Các trường hợp đã ký hợp đồng thuê nhà ở trước ngày 15/5/2019 mà có ghi thời hạn thuê nhà ở khác với thời hạn quy định tại Nghị định này thì các bên không phải ký lại hợp đồng thuê nhà ở. Trường hợp đến ngày 15/5/2019 mà thuộc diện gia hạn hoặc ký lại hợp đồng thuê nhà ở thì thời hạn thuê nhà ở được xác định theo quy định của Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/5/2019.

Điều 57 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP quy định đối tượng và điều kiện thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước.

Cụ thể, đối tượng được thuê nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của Nghị định này là người đang thực tế sử dụng nhà ở và có nhu cầu tiếp tục thuê nhà ở đó, bao gồm đối tượng được bố trí sử dụng nhà ở từ trước ngày 27/11/1992 (ngày ban hành Quyết định số 118/TTg của Thủ tướng Chính phủ về giá cho thuê nhà ở và đưa tiền nhà ở vào tiền lương) và các đối tượng được bố trí nhà ở theo quy định tại Khoản 1 Điều 61 của Nghị định này, trừ trường hợp chiếm dụng nhà ở trái pháp luật.

Người thuê nhà ở cũ phải thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà ở và có tên trong hợp đồng này thì không phải ký lại hợp đồng thuê nhà, trừ trường hợp hợp đồng thuê nhà ở hết hạn và các bên phải ký lại hợp đồng theo quy định;

b) Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, không có hợp đồng thuê nhà ở nhưng có quyết định, văn bản phân phối, bố trí nhà ở và có tên trong quyết định, văn bản này thì phải làm thủ tục ký hợp đồng thuê nhà ở với đơn vị quản lý vận hành, nhà ở;

c) Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà ở nhưng không có tên trong hợp đồng này và nhà ở này không có tranh chấp, khiếu kiện thì được ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo quy định tại Điều 60 của Nghị định này;

d) Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, có quyết định, văn bản phân phối, bố trí nhà ở nhưng không có tên trong quyết định, văn bản này và nhà ở này không có tranh chấp, khiếu kiện thì được ký hợp đồng thuê nhà với đơn vị quản lý vận hành nhà ở theo quy định tại Điều 60 của Nghị định này.

Trường hợp chiếm dụng nhà ở trái pháp luật thì bị thu hồi; việc thu hồi nhà ở này được thực hiện theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Nghị định này.


Theo Chí Kiên/Chinhphu.vn