Xã hội hóa xây dựng công viên bằng cách nào?

Thứ tư, 27/03/2019, 00:00 GMT+7

Mới đây, trong buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, vấn đề xã hội hóa công viên trên địa bàn quận 4 đã được bàn thảo.

Làm rõ hơn vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Bùi Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND quận 4, cho biết:

Tại buổi làm việc với đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, chúng tôi đã báo cáo, trong Nghị quyết nhiệm kỳ này quận 4 đề ra 58 công trình và chắc chắn sẽ thực hiện được 48 công trình, còn lại 10 công trình khó thực hiện. Trong đó đáng chú ý có 3 công trình phải đền bù giải tỏa là dự án chỉnh trang bờ kênh Tẻ giai đoạn 3, với 859 hộ dân bị ảnh hưởng; dự án Công viên hồ Khánh Hội (CVHKH) giai đoạn 4, có 609 hộ bị ảnh hưởng và dự án chỉnh trang rạch Cầu Dừa có 160 hộ bị ảnh hưởng.

Thực ra, 3 dự án này nằm trong chương trình nhà ở ven và trên kênh rạch, nhưng cái khó của quận là không có quỹ nhà tái định cư, trong khi triển khai các dự án này đòi hỏi nguồn vốn khá lớn để đền bù, như CVHKH cần 1.600 tỷ đồng, bờ kênh Tẻ 1.700 tỷ đồng, rạch Cầu Dừa 230 tỷ đồng. Đối với dự án rạch Cầu Dừa, thu hút đầu tư rất khó, TPHCM đã từng tổ chức hội nghị mời gọi đầu tư nhưng không có ai tham gia, như vậy phải đầu tư bằng vốn ngân sách. Quận đang xin đưa vào kế hoạch đầu tư công, bổ sung giai đoạn 2016-2020.

Mảng xanh tại công viên Khánh Hội, quận 4 - Ảnh: THÀNH TRÍ

Phóng viên: Vậy dự án nào quận xin xã hội hóa đầu tư xây dựng công viên?

Ông BÙI THANH TÂN: Đầu tiên là dự án bờ kênh Tẻ. Phần đất còn lại sau khi làm đường, tính đến mép cao của bờ sông, tuy tổng thể lên đến 3ha nhưng chiều rộng có đoạn chỉ 20m hoặc 40m, nên hình thái khu đất sẽ khó để tái đầu tư các công trình lớn. Phần đất này, quận dự kiến làm công viên dọc bờ sông, mang dấu ấn cho du lịch cảnh quan, vì con kênh này có lịch sử “trên bến dưới thuyền” từ xưa nay.

Quận đã gửi văn bản lên Sở Kế hoạch và Đầu tư, kiến nghị cho quận đứng ra kêu gọi đầu tư theo hình thức không bỏ tiền ngân sách, nhà đầu tư sẽ khai thác những vị trí như bến cảng du lịch, điểm dừng chân nghỉ ngơi, cà phê, kết hợp du lịch làm chợ truyền thống dọc bờ kênh; ven bờ có 2 cây xăng thì nhà đầu tư cũng được quyền khai thác để thu hồi vốn.

° Còn dự án CVHKH thế nào, thưa ông?

° CVHKH có quy hoạch từ năm 1998. Quan điểm quận 4 là dùng ngân sách thực hiện giai đoạn 4 cho xong. Việc xã hội hóa sẽ thực hiện đầu tư toàn bộ dự án công viên, bởi kinh phí đầu tư rất lớn. Trong công viên có rất nhiều chức năng như theo quy hoạch 1/500 đã được các cấp phê duyệt vào năm 2006, CVHKH có nhà hàng nổi khai thác trên hồ nước cảnh quan rộng 4,8ha, có khu triển lãm thủy cung, sân khấu phục vụ cộng đồng, ở 3 góc đường chính có 3 tầng hầm để xe, mật độ xây dựng cho phép từ 1% - 2%... Quận dự tính xã hội hóa theo hướng ngân sách bỏ một phần, nhà đầu tư bỏ một phần để giảm chi phí đầu tư xây dựng của công viên này. Tuy nhiên, UBND quận 4 đang tính toán điều chỉnh toàn bộ công viên này theo thiết kế 1/500 mới thật đẹp hơn, không chỉ phục vụ cho riêng quận 4 mà cho cả TP.

° Có một thực tế là khi “đụng” vào đất công viên luôn có vấn đề nhạy cảm. Ví dụ như công viên Phú Lâm, từ nhà sinh hoạt cộng đồng biến thành nhà hàng tiệc cưới. Đã có nhiều hình thức xử lý, kể cả kỷ luật cán bộ, nhưng nhà hàng vẫn tồn tại. Quận 4 có lấy ý kiến người dân về việc này?

° Khi tiến hành xã hội hóa công viên, quận có yêu cầu điều chỉnh toàn bộ thiết kế, định hình những công trình được tồn tại, được phê duyệt trong quy hoạch 1/500. Vấn đề đặt ra ở đây là phải phục vụ tiện ích cho cộng đồng, hòa lẫn trong công viên chứ không phải chiếm làm khuôn viên riêng. Thực tế cho thấy, khi vào công viên mà không có tiện ích thì không được, như muốn ăn có ăn, muốn uống có uống, muốn vui chơi cũng được đáp ứng thì công viên mới có sức sống; còn cái nào khai thác nhiều quá thì đưa xuống tầng hầm như khu thương mại, phòng chiếu phim, quán cà phê, nơi giữ xe...

Có phương án sơ bộ như vậy, nhà đầu tư sẽ tự biết tính toán. Tất nhiên, khi tiến hành điều chỉnh quy hoạch, chúng tôi sẽ lấy ý kiến người dân. Hiện nay quận đang giao cho một nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu, tránh vấn đề nhạy cảm là biến cái chung thành cái riêng. Điều chỉnh quy hoạch xong thì kêu gọi đầu tư.

Hiện tại CVHKH, đất đã thu hồi đang làm công viên tạm như đi bộ, một số khai thác làm nơi để xe phục vụ cho bà con dạo công viên, một khu thiếu nhi miễn phí, có sân banh và hồ bơi. Còn khu vui chơi Kid City rộng 18.000m², chúng tôi có thỏa thuận nếu muốn tiếp tục hoạt động phải phối hợp với đơn vị tư vấn để đưa toàn bộ hoạt động xuống tầng hầm, còn sau năm 2020 nếu không có phương án phù hợp với quy hoạch của quận thì phải dời đi.

° Vậy có điều chỉnh quy hoạch hồ điều tiết Khánh Hội?

° Hồ điều tiết Khánh Hội thuộc quy hoạch hệ thống hồ điều tiết nước của TPHCM, có diện tích 4,8ha thuộc phần đất của CVHKH. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, xét thấy hồ điều tiết không còn phù hợp bởi quanh quận 4 là bốn bề sông nước và có 2 cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng TPHCM đang triển khai xây dựng nên tác dụng của hồ điều tiết Khánh Hội rất thấp.

Do đó, UBND quận 4 xin điều chỉnh lại theo hướng là hồ cảnh quan, khi đó đầu tư sẽ rẻ hơn hồ điều tiết; đồng thời hồ cảnh quan sẽ khai thác được vui chơi cho du lịch, thiếu nhi. Tất nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch 1/500 sau khi giải tỏa đền bù hoàn tất, lấy ý kiến người dân rồi mới chốt lại phương án chọn.

1.000 năm nữa mới xây dựng xong công viên theo quy hoạch?

Tháng 11-2018, báo cáo với Thường trực HĐND TPHCM “Về việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch các khu vực có chức năng giáo dục, công viên cây xanh (CVCX) trong đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn TPHCM”, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc TPHCM, nhận xét: Với tiến độ đầu tư xây dựng CVCX trung bình 9,8ha/năm như thời gian qua, TPHCM cần khoảng 1.000 năm để thực hiện xong diện tích quy hoạch chức năng CVCX còn lại. Tổng diện tích quy hoạch đất CVCX trên địa bàn TPHCM là 11.418,47ha nhưng diện tích CVCX chỉ mới đạt 4,3% so với tổng diện tích đất quy hoạch.

Từ năm 2012 đến nay, tiến độ đầu tư xây dựng CVCX chỉ đạt trung bình 9,8ha/năm, rất nhỏ so với diện tích quy hoạch. Diện tích mảng xanh những năm qua chủ yếu tăng thêm theo các công trình, dự án về giao thông, hạ tầng kỹ thuật và từ nguồn vốn “phát triển mảng xanh” ủy quyền cho Sở Giao thông Vận tải từ năm 2012, trung bình mỗi năm chi từ 12 - 15 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn trên, TPHCM chưa có kế hoạch vốn ngân sách để đầu tư xây dựng mới CVCX.


Theo SGGP