Thông tin từ Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM cho biết, đơn vị này đang ngừng giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất (giấy hồng) cho người nước ngoài ký hợp đồng mua nhà sau ngày 10/12/2015.
Vào đầu năm 2016, ông K. Elias (quốc tịch Mỹ) mua một căn hộ tại dự án khu căn hộ New Sài Gòn (huyện Nhà Bè) đã có giấy hồng từ một chủ nhà người Việt Nam.
Tại thời điểm đó, ông Elias đã trả tiền mua nhà, đóng phí trước bạ nhà đất. Tuy nhiên, theo Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM thì vẫn chưa có cơ sở để chuyển quyền sở hữu căn hộ, đăng ký sở hữu cho ông Elias vì hiện chưa có danh mục các dự án nhà ở cho phép tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở.
Phải lách để cấp giấy hồng
Tương tự như ông K. Elias, ông C.Y.O. (quốc tịch Malaysia) cũng mua một căn hộ tại một dự án ở quận 7 và đã sinh sống tại đây 3 năm. Chủ đầu tư của dự án cho biết toàn bộ cư dân người Việt mua nhà tại dự án này đã được cấp giấy hồng, trừ trường hợp ông C.Y.O. chưa được cấp vì là người nước ngoài.
Nhiều chủ đầu tư cho biết dù Nhà nước có chính sách cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, nhưng nay cơ quan đăng ký lại không chịu làm thủ tục cấp giấy hồng cho khách hàng khiến họ gặp khó khăn, mất uy tín với người mua nhà.
Nhiều hợp đồng đã đến thời hạn giao giấy hồng nhưng vướng thủ tục không giải quyết được khiến khách hàng phản ứng, đòi thanh lý hợp đồng, đòi phạt chủ đầu tư.
“Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nói riêng trong mắt người nước ngoài cũng như ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh nói chung” - chủ đầu tư một dự án nói.
Chung cư New Sài Gòn (huyện Nhà Bè, Tp.HCM), nơi ông K. Elias mua căn hộ nhưng chưa được cấp sổ hồng, đăng ký sở hữu. Ảnh: TỰ TRUNG
Để giải quyết thực trạng này, đã có một số chủ đầu tư tìm cách lách quy định bằng cách chỉ để người vợ hoặc chồng (là người Việt Nam) đứng tên sở hữu căn nhà cho việc cấp giấy hồng được diễn ra suôn sẻ. Sau đó, hai vợ chồng sẽ cùng làm một bản thỏa thuận căn nhà là tài sản chung của hai người.
“Thực tế đây chỉ là giải pháp tình thế và tiềm ẩn nhiều rủi ro mà không phải khách hàng nào cũng hiểu” - chủ đầu tư một dự án tại quận Phú Nhuận than thở.
Chờ hướng dẫn
Nghị định 99 năm 2015 hướng dẫn Luật nhà ở (có hiệu lực từ ngày 10/12/2015) quy định người nước ngoài chỉ được phép sở hữu tối đa 30% số lượng căn hộ trong mỗi dự án chung cư hoặc 10% số lượng nhà liên kế trong mỗi dự án nhà ở liên kế.
Đặc biệt, đối với những khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng thì chủ đầu tư không được cho người nước ngoài sở hữu nhà ở. Các khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng trên từng địa phương cụ thể sẽ do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng xác định.
Trên cơ sở đó, sở xây dựng các tỉnh thành sẽ công bố danh mục các dự án nhà ở mà người nước ngoài được phép sở hữu nhà và công bố công khai để người dân, chủ đầu tư được biết. Cơ quan đăng ký quyền sở hữu nhà cũng dựa vào danh mục này để cấp giấy hồng cho người nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Sở Xây dựng Tp.HCM hiện Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chưa quy định cụ thể về những khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng nên sở này cũng chưa thể công bố danh mục những dự án nhà ở mà người nước ngoài được phép mua nhà.
Sở Xây dựng cũng đã báo cáo UBND thành phố vấn đề này đồng thời kiến nghị UBND thành phố đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xác định khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng. Tuy nhiên đến thời điểm này Sở vẫn chưa nhận được phản hồi.
Việc này kéo theo hệ quả là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất Tp.HCM không có căn cứ để cấp giấy hồng cho người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Tp.HCM.
Sở Tài nguyên - môi trường Tp.HCM cho biết, những trường hợp người nước ngoài mua nhà, ký hợp đồng trước ngày nghị định 99 hướng dẫn Luật nhà ở có hiệu lực (10/12/2015), tức chưa bị ràng buộc bởi quy định về khu vực cần bảo đảm an ninh quốc phòng, hiện vẫn đang được sở này giải quyết cấp giấy hồng bình thường. Còn lại những trường hợp ký hợp đồng mua nhà từ sau ngày 12/10/2015 hiện đang phải ngưng cấp giấy hồng.
Theo một cán bộ của Văn phòng đăng ký đất đai Tp.HCM, số lượng người nước ngoài mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở đã được cấp giấy hồng (ký hợp đồng mua nhà trước ngày 10/12/2015) là rất lớn.
Còn những trường hợp hiện đang bị ngưng cấp giấy hồng dự kiến cũng không ít nhưng vì Văn phòng đăng ký đất đai thành phố trả hồ sơ nên các chủ đầu tư chưa nộp, chưa đăng ký.
Vị này cũng cho rằng, các cơ quan chức năng cần sớm tháo gỡ vướng mắc nói trên để giải quyết thủ tục cấp giấy hồng thuận lợi cho người nước ngoài mua nhà, cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam nói chung, Tp.HCM nói riêng.
Theo Tuổi trẻ online