Cầu vượt ngã ba Huế đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ tháng 3/2015 đến nay nhưng hiện chủ đầu tư vẫn chưa được thanh toán. Về việc này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận chủ trương chung là phải bố trí vốn hoàn trả theo đúng kế hoạch đã cam kết với nhà đầu tư từ năm 2017-2020, bắt đầu từ năm 2017.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Đà Nẵng , Phó thủ tướng Vương Đình Huệ vừa chủ trì buổi họp về việc thanh toán vốn cho Dự án đầu tư xây dựng nút giao thông khác mức Ngã Ba Huế, thành phố Đà Nẵng theo hình thức hợp đồng BT (Dự án Ngã Ba Huế).
Dự án Ngã Ba Huế đã được Chính phủ chấp thuận cho đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, hoàn trả bằng tiền từ nguồn vốn bố trí cho Bộ Giao thông vận tải từ năm 2017 đến năm 2020; do vậy việc hoàn trả cho dự án là nhiệm vụ của Ngân sách Trung ương.
Theo UBND Đà Nẵng, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ ngày 29/3/2015 nhưng do nhiều nguyên nhân đến nay, dự án này vẫn chưa được Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư bố trí vốn để thanh toán trong kế hoạch trung hạn 2016-2020.
Về việc này, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ kết luận chủ trương chung là phải bố trí vốn hoàn trả theo đúng kế hoạch đã cam kết với nhà đầu tư từ năm 2017-2020, bắt đầu từ năm 2017.
Phó thủ tướng cũng nhất trí báo cáo Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ xem xét sử dụng 10% nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ Giao thông vận tải để thanh toán hơn 600 tỷ đồng trong năm 2017 cho nhà đầu tư.
Số vốn còn lại thanh toán từ năm 2018 đến 2020 từ nguồn 10% dự phòng chung của kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Bộ Giao thông vận tải được giao cân đối điều chỉnh trong kế hoạch trung hạn 2016-2020 để có vốn thanh toán cho dự án, đồng thời phải lập thủ tục bổ sung dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ.
Trước đó, tại phiên chất vấn Phó thủ tướng Chính phủ chiều 15/6, việc hoàn trả vốn cho dự án giao thông khác mức ở Ngã Ba Huế cũng được đại biểu Quốc hội đề cập tới. Theo đại biểu, việc chậm trễ trong thanh toán cho nhà đầu tư sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của thành phố Đà Nẵng.
Cũng theo đại biểu này, việc chậm hoàn vốn sẽ khiến dự án có nguy cơ đội vốn, bởi vì nếu lui dự án, giảm nợ đến 2020 thì mức vốn đầu tư sẽ tăng lên trên 3.500 tỷ đồng do không thực hiện đúng cam kết với nhà đầu tư.
Về phía chủ đầu tư dự án - Công ty cổ phần Trung Nam đã liên tục có văn bản gửi Chính phủ, bộ ngành có liên quan và UBND TP. Đà Nẵng thanh toán nguồn vốn cho dự án.
Công ty này đề nghị UBND TP cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương để chi trả cho dự án, hoặc UBND TP. Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ cho gia hạn thời gian thanh toán với lịch trình cụ thể, đưa vào kế hoạch Chính phủ và TP phải điều chỉnh lại phương án tài chính để công ty làm việc với Ngân hàng SHB xin giãn thời gian thanh toán nợ, tránh phát sinh nợ xấu cho công ty.
Theo BizLive