Sau khi Báo điện tử Xây dựng có bài viết liên quan đến công tác đền bù tại Khu công nghiệp (KCN) Chấn Hưng, phóng viên tiếp tục nhận được phản ánh của người dân các xóm Nha, xóm Xuôi, xóm Nội, xã Chấn Hưng về việc bồi thường chưa thoả đáng khi tiến hành thu hồi đất nông nghiệp để làm dự án KCN Chấn Hưng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - thôn Nội, xã Chấn Hưng bức xúc về chuyện đền bù giải phóng mặt bằng tại KCN Chấn Hưng không thỏa đáng.
Dự án KCN Chấn Hưng được Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 tại Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/08/2006, nhưng dự án đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2004, 2005 tại các Quyết định số 2945/QĐ-CT ngày 25/8/2004 và Quyết định số 487/QĐ-CT ngày 21/2/2005.
Đặc biệt hơn, phương án tính toán đền bù GPMB Cụm KT-XH Chấn Hưng đã được Tổ đền bù GPMB Cụm KT-XH Chấn Hưng của huyện Vĩnh Tường phê duyệt và thực hiện chi trả cho các hộ dân từ năm 2003.
Theo Khoản 1, Điều 67, Luật Đất đai 2013 quy định: “Trước khi có quyết định thu hồi đất, chậm nhất là 90 ngày đối với đất nông nghiệp và 180 ngày đối với đất phi nông nghiệp, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải thông báo thu hồi đất cho người có đất thu hồi biết. Nội dung thông báo thu hồi đất bao gồm kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”.
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 69, Luật Đất đai 2013 quy định: “Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm được quy định như sau: “UBND cấp có thẩm quyền thu hồi đất ban hành thông báo thu hồi đất. Thông báo thu hồi đất được gửi đến từng người có đất thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi”.
Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - thôn Nội, xã Chấn Hưng và nhiều hộ dân khác cho biết: “Dự án KCN Chấn Hưng không có Quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh đến từng hộ gia đình, cá nhân tại thời điểm năm 2003 và không giao Quyết định thu hồi đất cho các hộ dân bị thu hồi đất”.
Theo như phản ánh của nhiều hộ dân thì họ rất ủng hộ việc xây dựng dự án KCN Chấn Hưng, họ sẵn sàng bán đất cho dự án, tuy nhiên thì tiền bồi thường, GPMB họ nhận được là quá thấp. Từ 2003 đến nay các hộ dân chỉ nhận được tất cả là 93 triệu đồng/1 sào (bao gồm tiền hỗ trợ hoa màu + tiền đất dịch vụ), còn tiền đất ruộng tại sao các hộ dân chưa được chi trả? Do vậy họ phải đấu tranh để đòi hỏi quyền lợi chính đáng, chứ không phải họ gây khó khăn cho dự án.
Hộ gia đình bà Đ.T.V - xóm Nha, xã Chấn Hưng chia sẻ: “Gia đình tôi mất hơn 4 sào ruộng, nhà có 3 con trai, giờ bán hết ruộng, được nhận tiền đất dịch vụ với giá quá rẻ (6 triệu đồng/1m2). Với số tiền nhận được gần 400 triệu gia đình không mua nổi 50m2 đất ở. Như vậy thì cuộc sống của con cháu tôi sẽ như thế nào? Đề nghị UBND huyện Vĩnh Tường và chủ đầu tư có mức đền bù thoả đáng cho người dân chúng tôi”.
Để có thông tin khách quan và đa chiều gửi tới bạn đọc, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã nhiều lần liên hệ trực tiếp với Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường là ông Trần Việt Cường. Ông Cường cho biết đã giao cho Phó Chủ tịch làm việc với phóng viên. Tuy nhiên, phóng viên đã chờ đợi rất lâu mà vẫn không nhận được một lịch hẹn nào. Khi đặt lịch làm việc trực tiếp không được, phóng viên đã gửi giấy hẹn lịch làm việc với Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Tường cho ông Chánh văn phòng UBND huyện là ông Vũ Đức Kim. Nhưng ông Kim cũng không hồi âm cho phóng viên biết là lãnh đạo huyện có làm việc được trong hẹn được hay không (tức ngày 31/5). Nhiều lần phóng viên gọi cho ông Kim, trả lời qua điện thoại ông Kim cho biết: “Ngày 31/5 tất cả các lãnh đạo có lịch họp”.
Tiếp đó, ngày 03/6/2019, phóng viên Báo điện Xây dựng cũng đã nhiều lần liên hệ với ông Trần Việt Cường, tuy nhiên, vẫn như những lần liên hệ trước, ông Cường đều nói giao cho cấp dưới, còn cấp dưới nào thì đến nay, phóng viên không biết.
Không chỉ lịch làm việc liên quan đến dự án KCN Chấn Hưng phóng viên Báo điện tử Xây dựng mới bị huyện Vĩnh Tường cố tình né tránh mà lịch làm việc liên quan đến các vấn đề khác trước đó của huyện cũng đều “bặt vô âm tín”.
Ngày 6/6/2019, Báo điện tử Xây dựng nhận được Công văn số 1419/UBND-VP của UBND huyện Vĩnh Tường “phúc đáp” một số nội dung được đăng trong bài viết “Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc): Chưa đền bù thỏa đáng, chính quyền đã phá đồng ruộng không cho dân cấy cày?”. Trong công văn, UBND huyện Vĩnh Tường đã kể ra rất nhiều “thành tích” về việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên việc bồi thường cho dân bao nhiêu, có thỏa đáng hay không thì lại không được UBND huyện Vĩnh Tường đề cập đến.
Huyện Vĩnh Tường cũng cho rằng: “Tuy là huyện có dân số đông, đầu mối đơn vị hành chính cấp xã nhiều nhất tỉnh, song số lượng đơn thư khiếu nại tố cáo tồn đọng kéo dài như hiện nay thì chưa phải là huyện đứng đầu của tỉnh. Việc phóng viên lấy kết quả công dân lên tỉnh để kiến nghị trong một buổi tiếp công dân để nhận xét đánh giá viết bài là không khách quan, phiến diện…”.
Sau 16 năm thu hồi, KCN Chấn Hưng (Vĩnh Tường) vẫn là bãi đất trống.
Báo điện tử Xây dựng xin trả lời rằng: Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Quyết định số 1849 ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 363/KH – TTCP ngày 20/3/2019 của Thanh Tra Chính phủ về kiểm tra, rà soát, giải quyết việc khiếu nại tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài diễn ra vào ngày 7/5/2019 do Thanh tra Chính phủ tổ chức, ở điểm cầu Vĩnh Phúc, ông Vũ Chí Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, đã đưa ra nội dung: “Tại tỉnh Vĩnh Phúc, còn 27 vụ việc khiếu nại tố cáo phức tạp, kéo dài; trong đó huyện Vĩnh Tường là đơn vị có nhiều vụ việc nhất”. Như vậy, Báo điện tử Xây dựng đã nêu thông tin một cách khách quan, từ chính lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc phát ngôn, chứ không phải viết phiến diện như UBND huyện Vĩnh Tường nêu.
Một dự án sau 16 năm thu hồi giờ vẫn bỏ không, cỏ mọc um tùm, lãng phí khủng khiếp, thì chưa bàn đến yếu tố việc bồi thường giải phóng mặt bằng có đúng pháp luật hay không, người dân có quyền đánh giá, nghi ngờ về khả năng quản lý, lãnh đạo yếu kém của chính quyền.