(Xây dựng) – Thời gian vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đang chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương trong tỉnh đẩy nhanh tiến độ giao đất dịch vụ cho người dân. Chính sách đất dịch vụ là một chủ trương lớn của tỉnh nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, địa phương và người sử dụng đất.
Xã Định Trung (TP Vĩnh Yên) kiểm tra, rà soát quỹ đất dịch vụ cho người dân trên địa bàn Dương Hà.
Những năm qua, công tác triển khai thực hiện chính sách đất dịch vụ cho nhân dân trên địa bàn TP Vĩnh Yên đã được triển khai tích cực. UBND thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách đất dịch vụ, tăng cường kiểm tra, đôn đốc hướng dẫn việc dồn ghép, chuyển nhượng, bốc thăm ô đất dịch vụ nhằm đẩy nhanh công tác giao đất dịch vụ cho nhân dân. Thành phố cũng ưu tiên bố trí vốn để giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng các khu đất dịch vụ, tập trung chỉ đạo việc xét giao đất dịch vụ cho các trường hợp đã có quỹ đất và chỉ đạo công tác dồn ghép, bốc thăm vị trí ô đất dịch vụ theo quy định của UBND tỉnh. Nhờ đó, công tác giải quyết đất dịch vụ đang đạt được kết quả khả quan.
Tính đến tháng 7/2018, TP Vĩnh Yên đã có quyết định giao 1.429 ô đất dịch vụ, với diện tích 13,64ha cho các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn thành phố, đạt gần 68%. Thành phố đang lập kế hoạch giao thêm 2,29ha đất dịch vụ ở các phường Hội Hợp, Đồng Tâm, Khai Quang, Tích Sơn, Liên Bảo và xã Định Trung. Như vậy, tính đến hết năm 2018, Vĩnh Yên dự kiến giao được 15,93ha đất dịch vụ cho nhân dân, đạt khoảng 80% tổng diện tích đất dịch vụ phải giao. Kết quả này là một nỗ lực cố gắng rất lớn của Vĩnh Yên, giúp người dân nhanh ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế khi bị thu hồi đất...
Tại huyện Vĩnh Tường, toàn huyện có 21/29 xã, thị trấn cơ bản hoàn thành việc chi trả đất dịch vụ với tổng diện tích đất đã chi trả 11,5ha, đạt 73,2%. Hiện còn 4,2ha đất dịch vụ chưa chi trả được cho nhân dân 8 xã gồm: Cao Đại, Lũng Hòa, Yên Bình, Kim Xá, Vĩnh Ninh, Thượng Trưng, Lý Nhân và Chấn Hưng. Nguyên nhân chủ yếu là do việc bố trí kinh phí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng và chi trả đất dịch vụ bằng tiền cho các hộ gặp nhiều khó khăn; Một số hộ cố tình không nhận tiền đền bù, không bàn giao lại đất cho Nhà nước khi đã có quyết định thu hồi…
Tính đến tháng 6/2017, diện tích đất dịch vụ cần phải chi trả cho các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là hơn 136ha; Trong đó đã giải quyết 56,54ha cho người dân. Phần diện tích còn lại chưa được giải quyết và trong đó có 9,79ha đã có hạ tầng, 69,8ha chưa giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng. Tiến độ giải quyết đất dịch vụ cho người dân trên địa bàn tỉnh diễn ra rất chậm, mới đạt hơn 41% diện tích đất phải chi trả.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thì nguyên nhân chính là do chậm trễ nguồn lực đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng còn thấp, một số hộ dân ở khu vực có giá đất cao muốn được nhận bằng tiền nhưng nguồn kinh phí chi trả có hạn, công tác kê khai chậm và đặc biệt cơ chế, chính sách, cách tính, phạm vi và đối tượng hưởng đất dịch vụ có nhiều thay đổi.
Để giải quyết đất dịch vụ nhanh chóng, Vĩnh Phúc đang tập trung kiểm tra, rà soát kỹ việc thống kê, quy hoạch để đảm bảo tính chuẩn xác; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân; Tăng cường phát triển các khu dân cư mới ở các khu vực thuận lợi để tăng thêm tiền sử dụng đất qua đấu giá và giao đất cho dân; Việc đền bù bằng đất hoặc tiền mặt cho dân công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Đối với các khu vực đã có mặt bằng và đầu tư hạ tầng, tỉnh sẽ cho phép sử dụng linh hoạt các loại quỹ đất trong khu vực để bố trí, giải quyết đất dịch vụ. Phấn đấu đến năm 2019, Vĩnh Phúc hoàn thành việc giải quyết đất dịch vụ cho dân.