Vĩnh Phúc: Tăng cường công tác đảm bảo an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình

Thứ sáu, 06/09/2019, 16:00 GMT+7

(Xây dựng) – Đi đôi với tăng cường công tác quản lý hoạt động xây dựng, chất lượng công trình xây dựng thì công tác đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn được các cấp, các ngành chú trọng.


An toàn lao động luôn được các cấp, các ngành, chủ đầu tư và nhà thầu thi công chú trọng, quan tâm.

Trong những năm qua, chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng ngày càng được coi trọng, cơ bản đi vào nề nếp. Các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình, phần lớn các công trình hoàn thành đều đạt chất lượng cao.

Nhiều công trình đưa vào hoạt động khai thác sử dụng đã mang lại hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, mỹ thuật, công năng sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư, phục vụ thiết thực đời sống sinh hoạt của cộng đồng và sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.

Đi đôi với tăng cường công tác quản lý hoạt động xây dựng, chất lượng công trình xây dựng thì công tác đảm bảo an toàn lao động, bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn được các cấp, các ngành, các đơn vị nhà thầu chú trọng, quan tâm.

Theo đó, hàng năm Chi cục Giám định Xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành kiểm tra công tác an toàn lao động trong thi công công trình xây dựng được lồng ghép trong kế hoạch kiểm tra quản lý chất lượng công trình xây dựng theo kế hoạch hàng năm hoặc đột xuất. Trong quá trình kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời vi phạm theo quy định pháp luật và đề xuất xử phạt vi phạm hành chính về công tác an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình theo quy định.

Trước khi thi công dự án, đối với các dự án thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, yêu cầu chủ đầu tư phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường trình lên cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận trước khi triển khai dự án. Từ đó lập kế hoạch quản lý môi trường và tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường theo kế hoạch.

Cùng với đó, các đơn vị được uỷ thác quản lý dự án phải thường xuyên kiểm tra, giám sát biện pháp thi công và công tác giữ gìn vệ sinh môi trường của nhà thầu thi công. Theo dõi những tác động ảnh hưởng tới môi trường cần yêu cầu nhà thầu thi công phải dừng thi công để khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.

Thực hiện khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, “An toàn là trên hết”, các nhà thầu thi công đã thực hiện tốt công tác trang bị đồ bảo hộ cho công nhân làm việc tại công trường, đặt, treo các quy định về an toàn lao động tại các vị trí dễ nhìn, dễ thấy. Tại công trường đều có phòng y tế tại chỗ. Đặc biệt tại khu Ban chỉ huy, các lán trại công nhân, hiện trường thi công luôn đầy đủ trang thiết bị phòng cháy chữa cháy.

Có thể nói, việc đảm bảo an toàn lao động tại công trường thi công là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của cả dự án.

Bích Huệ


baoxaydung.com.vn