Vĩnh Phúc: Bất thường ở dự án khu đất đấu giá, giãn dân?

Thứ bảy, 15/07/2017, 11:20 GMT+7

Sau mấy chục năm sinh sống ổn định tại Khu tập thể Bách hóa (phường Trưng Trắc, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) các hộ dân đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hợp thức và công nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, UBND phường Trưng Trắc đã “biến” nơi đây thành khu đất bán đấu giá và giãn dân và có những động thái khiến người dân bất an…

Ép dân di chuyển

Theo phản ánh, đa số các hộ dân ở đây đều là cán bộ, nhân viên của Cty Công nghệ phẩm Bách hóa Mê Linh (Cty Mê Linh) được phân nhà ở tại phường Trưng Trắc từ những năm 80 và sinh sống ổn định, liên tục và không có tranh chấp đến nay.

vinh-phuc-bat-thuong-o-du-an-khu-dat-dau-gia-gian-dan-
Lối đi và đường ống nước sinh hoạt của các hộ dân bị đơn vị thi công phá nát.

17 hộ dân đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc đồng ý cho hợp thức quyền sử dụng đất tại Quyết định số 3603/QĐ-UBND ngày 12/12/2014.

Nhưng không hiểu sao, UBND phường Trưng Trắc đã “biến” đất của các hộ dân ở đây thành Dự án khu đất đấu giá và giãn dân cho cán bộ, công nhân viên và nhân dân phường Trưng Trắc và “ép” các hộ dân phải tự phá dỡ nhà cửa, di chuyển đến nơi khác để thực hiện quy hoạch lại và làm hạ tầng trước ngày 10/3/2017…

Cho rằng quyền lợi của mình không được đảm bảo, một số hộ dân không di chuyển và có đơn gửi các cấp chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu phải có các thủ tục, văn bản như: Quyết định thu hồi đất, quyết định giao đất tái định cư theo kết quả bốc thăm cũng như nghĩa vụ và quyền lợi về tài chính…

Mặc dù chưa trả lời thỏa đáng cho người dân, nhưng UBND phường Trưng Trắc đã gửi công văn đề nghị điện lực và Công ty CP Nước sạch Phúc Yên cắt điện, nước để ép người dân phải di dời.

Đỉnh điểm là vào ngày 1/6/2017, dưới sự chỉ đạo của UBND phường Trưng Trắc, đơn vị thi công là Cty CP Xây dựng số 1 Vĩnh Phúc đã đưa máy móc vào phá đường đi, làm vỡ đường ống nước sinh hoạt của người dân.

Tiếp đó, UBND phường Trưng Trắc ra Thông báo yêu cầu các hộ còn lại phải di dời, nếu không sẽ bị cưỡng chế. “Khi tôi ra hiện trường đề nghị họ dừng thi công thì bị một số người lao vào đánh và bẻ quặt tay ra đằng sau, đè chân lên ngực.

Việc làm của UBND phường Trưng Trắc và đơn vị thi công khiến các hộ dân không có nước sinh hoạt, cuộc sống vô cùng khổ cực…”- ông Lê Mạnh Tường cho biết.

Bức xúc, các hộ dân đã phản ánh đến nhiều cơ quan nhưng không nhận được hồi âm. Phải đến nửa tháng sau, Công ty CP Nước sạch Phúc Yên mới đến làm tạm đường nước cho người dân sử dụng và “biện minh” rằng: việc vỡ đường ống là do lỗi của UBND phường chưa giải phóng xong mặt bằng, gây thất thoát nước của công ty…

Lấy nhiều, bồi thường ít chênh lệch đi đâu?

Bà Đoàn Thị Tích cho biết, năm 1989 gia đình bà nộp tiền để Cty Mê Linh xây dựng nhà ở và cấp đất cho vợ chồng bà diện tích 120m2.

Trong quá trình sinh sống, vợ chồng bà đã khai hoang thêm nâng tổng diện tích sử dụng lên trên 200m2, không có tranh chấp hay khiếu kiện với ai. Khi UBND phường Trưng Trắc thực hiện quy hoạch lại Khu tập thể Bách hóa đã không căn cứ vào diện tích đất ở thực tế của gia đình bà mà lại “cào bằng”.

Theo dự kiến thì đất gia đình bà được cấp chỉ khoảng 67m2 . Với cách làm này, sau khi thu hồi đất của 17 hộ dân, UBND phường Trưng Trắc đã có 4 ô đất để bán đấu giá làm hạ tầng và trả cho Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Thân Hà (công ty được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt dự án xây chung cư từ năm 2003 trên diện tích đất Khu tập thể Bách hóa, nhưng sau đó lại có quyết định thu hồi).

Gia đình bà Tích đã làm đơn gửi thị xã Phúc Yên và tỉnh Vĩnh Phúc nhưng đến nay, mới chỉ có UBND phường Trưng Trắc có văn bản trả lời rằng, “đây là đất chuyên dùng”.

“Không hiểu họ căn cứ vào đâu để cho rằng đất của chúng tôi là đất chuyên dùng?”- bà Tích ngán ngẩm nói.

Tại sao quyền lợi của người dân không được UBND phường Trưng Trắc công khai, minh bạch? Đã đến lúc cần phải có cấp chính quyền cao hơn đứng ra giải quyết khiếu nại của người dân bởi không thể để UBND phường Trưng Trắc “vừa đá bóng vừa thổi còi” trong vụ việc này. Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

TheoPháp luật +