Tư vấn dự án 10.000 tỷ của TP HCM từ chối họp 'vì bị đe đọa'

Thứ hai, 01/10/2018, 20:50 GMT+7

Được Trung tâm chống ngập mời làm việc cùng đơn vị thi công để tháo gỡ vướng mắc nhưng liên danh tư vấn từ chối để bảo đảm an toàn.

Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế - xã hội TP HCM chiều 1/10, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập Nguyễn Hoàng Anh Dũng cho biết, để giải quyết các vướng mắc trong dự án chống ngập 10.000 tỷ, đơn vị này đã mời Công ty Meinhardt - đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (TVGSHĐ) đến làm việc cùng chủ đầu tư nhưng bị từ chối.

Lý do được phía tư vấn đưa ra là, một số nhân viên của họ đã nhận được nhiều lời đe dọa từ các "đối tượng xã hội". "Để bảo đảm an toàn cho các chuyên gia và nhân viên, đơn vị này xin phép không tham dự cuộc họp", ông Dũng nói.

Việc TVGSHĐ không đến có thể gây ảnh hưởng đến dự án, đơn vị thi công là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đã gửi văn bản đề nghị chính quyền TP HCM chỉ đạo Công an làm rõ, để minh bạch cho các bên liên quan, đồng thời giải tỏa tâm lý cho nhân viên tham gia dự án.

Dự án chống ngập làm được 72% nhưng đã bị dừng thi công suốt 5 tháng qua. Ảnh: Quỳnh Trần.

Dự án chống ngập làm được 72% nhưng đã bị dừng thi công suốt 5 tháng qua. Ảnh: Quỳnh Trần.

Chánh Văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho hay, sự việc đã được báo cáo Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến. Nhà đầu tư và TVGSHĐ là hai chủ thể có trách nhiệm khác nhau, có thể có những quan điểm, ý kiến khác nhau thì cần ngồi lại để giải quyết. "TVGSHĐ cần xem lại hành động từ chối đi họp theo lời mời của cơ quan Nhà nước. Tư vấn chỉ ra vấn đề mà không nghe nhà đầu tư giải thích thì làm sao hiểu", ông Hoan nói.

Trong tuần này thành phố tổ chức cuộc họp để làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cơ quan để đảm bảo đúng nhiệm vụ và hướng tới mục tiêu chung là sớm khởi động lại, hoàn thành dự án.

"Dự án chậm trễ ảnh hưởng đến chất lượng, giá trị công trình và phát sinh lãi suất. Đây là lỗi lớn của thành phố với người dân, với Chính phủ. Đề nghị tư vấn nói gì, làm gì cũng hướng vào sự thành công của dự án. Kỳ này thành phố sẽ làm rõ, không thể để việc này ảnh hưởng đến uy tín, công tác quản lý", ông Hoan khẳng định.

Ông Hoan cũng cho biết, thành phố đã chỉ đạo tổ kiểm tra đánh giá lại toàn bộ dự án và những vấn đề TVGSHĐ đưa ra, "bởi chậm ngày nào thì thành phố mệt ngày ấy". Mọi việc đã được báo cáo Thủ tướng, cơ quan Trung ương để giúp thành phố giải quyết một số vấn đề liên quan thẩm quyền. Người đứng đầu Chính phủ đã có văn bản giao cho các cơ quan, bộ ngành nghiên cứu báo cáo của thành phố để tham mưu, giải quyết.

Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) được Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 ký kết hoàn thành sau 3 năm, tức tháng 6/2019. Mục tiêu của dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, công trình cũng giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.

Tuy nhiên, suốt hơn 4 tháng qua, dự án phải dừng thi công do Ngân hàng BIDV - Chi nhánh Nam Sài Gòn ngừng giải ngân (UBND thành phố chưa ký xác nhận báo cáo thanh toán giải ngân của dự án để thực hiện thủ tục tái cấp vốn).

Hồi tháng 5, Công ty Meinhardt báo cáo UBND thành phố về việc chủ đầu tư dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng sử dụng tiêu chuẩn vật liệu chế tạo, lắp đặt cơ khí cửa van thép không thống nhất từ thiết kế cơ sở đến thiết kế bản vẽ thi công và thực tế thi công. Nhà đầu tư sử dụng các tiêu chuẩn vật liệu khác với tiêu chuẩn đã được duyệt.

Tuy nhiên, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 khẳng định việc dùng thép Trung Quốc là không sai so với hợp đồng, và hoàn toàn đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Thậm chí nhà đầu tư còn cam kết bảo hành công trình 10 năm thay vì 3 năm như trong hợp đồng ký kết với TP HCM.

Liên quan việc thuê máy bơm chống ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh, Chánh văn phòng UBND TP HCM Võ Văn Hoan cho biết các sở ngành họp bàn và xác định giá thuê nhưng thấp hơn nhiều (9,9 tỷ đồng) so với giá chủ đầu tư đưa ra (24 tỷ) nên hai bên chưa thống nhất được.

"Trong ngày mai, nếu vẫn chưa đưa ra giá thì thành phố phải có trách nhiệm ứng trước cho nhà đầu tư theo giá của thành phố và tiếp tục đàm phán với chủ đầu tư cho đến cuối tháng 10 để chốt giá cuối cùng", ông Hoan nói.

Hữu Nguyên


vnexpress.net