Theo kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải, công tác sửa chữa, khắc phục vết nứt dầm ngang CB6 của cầu Vàm Cống sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018 và đưa công trình vào sử dụng trước Tết Nguyên đán 2019.
Tuy nhiên, tại cuộc họp Bộ Giao thông ngày 2/10, đại diện nhà thầu chính là GS E&C (Hàn Quốc) cho biết, tiến độ sửa chữa sự cố đang chậm khoảng 60 ngày. Nguyên nhân là các cơ quan chậm phê duyệt hồ sơ và nhà thầu gặp vướng mắc về tài chính do chưa được thanh toán tiền thuế giá trị gia tăng, đơn vị bảo hiểm chưa tạm ứng tiền bảo hiểm công trình.
“Chúng tôi đã đầu tư nhiều chi phí tài chính vào công tác sửa chữa, hiện cố gắng làm để bù tiến độ đã bị chậm theo yêu cầu của Bộ Giao thông”, đại diện GS E&C nói.
Dầm thép ngang bị nứt sẽ được thay thế 60%. Ảnh: Cửu Long. |
Trái với ý kiến đó, ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đại diện chủ đầu tư), cho rằng việc sửa chữa vết nứt dầm ngang cầu Vàm Cống bị chậm do nhà thầu GS E&C không chủ động và không quyết liệt. Đặc biệt, nhà thầu chính không chỉ đạo được nhà thầu phụ là Công ty CP Thành Long trong công tác sửa chữa.
Theo ông Thi, nhà thầu Thành Long bố trí thợ hàn không đủ số lượng. Khối lượng 100 tấn thép đối với nhà máy Thành Long không phải là lớn, nhưng đơn vị này không sản xuất và không tập trung vào công việc. “Tư vấn dự án hàng ngày đều báo cáo và Tổng công ty Cửu Long cũng thường xuyên phát văn bản đôn đốc nhà thầu chính GS E&C, nhưng nhà thầu chính thiếu tôn trọng chủ đầu tư", ông Thi nói.
Về giải pháp xử lý đối với hai nhà thầu GS E&C và Thành Long, đại diện chủ đầu tư đề nghị Bộ Giao thông sau khi hoàn thành sửa chữa cầu Vàm Cống sẽ cấm hai nhà thầu tham gia vào các dự án của Bộ Giao thông quản lý.
Ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho biết, cầu Vàm Cống chưa hoàn thành, việc sửa chữa sự cố là trách nhiệm của nhà thầu chính. Ngày 10/9, Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Cửu Long kiểm tra hiện trường, xưởng sản xuất và phát văn bản mời Chủ tịch GS E&C sang cùng làm việc. Tuy nhiên, phía GS E&C không có bất kỳ hành động và phản hồi nào.
"Chúng tôi không hiểu cách quản lý, thực hiện vai trò nhà thầu chính ở dự án này thế nào?”, ông Thành nói.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, đối với phần vốn nước ngoài, Bộ Giao thông cung cấp đủ cho dự án. Còn lại phần vốn đối ứng bằng ngân sách nhà nước để chi trả thuế giá trị gia tăng, Bộ Giao thông đã chuyển 40 tỷ đồng từ các dự án sang dự án cầu Vàm Cống. Bộ cũng đã tích cực làm việc với đơn vị bảo hiểm để giảm thiểu tổn thất tối đa cho nhà thầu.
"Dự án này chưa kết thúc nên trách nhiệm của nhà thầu chính là sửa chữa và khắc phục hoàn chỉnh công trình, chứ không thể đổ lỗi do thiếu vốn hay bảo hiểm chưa cho ứng 50% phần chi trả tiền đền bù được”, Thứ trưởng Nhật nói và yêu cầu các đơn vị khẩn trương vào cuộc để sớm hoàn thành công tác sửa chữa, đưa cầu Vàm Cống vào sử dụng.
Cầu Vàm Cống bắc qua sông Hậu, nối huyện Lấp Vò (Đồng Tháp) và quận Thốt Nốt (TP Cần Thơ), được hợp long cuối tháng 9/2017, theo kế hoạch ban đầu là thông xe vào cuối năm 2017. Dự án được đầu tư hơn 270 triệu USD (gần 5.700 tỷ đồng) từ nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Công trình được thực hiện bởi các nhà thầu Hàn Quốc.
Chiều 14/11/2017, trong quá trình thi công khe co giãn tại trụ P29, các đơn vị đã phát hiện dầm ngang CB6 bị nứt. Vết xé rộng hơn 4 cm, kéo dài ngang dầm khoảng 2 m.
Bộ Giao thông Vận tải đã kiểm định, đánh giá độc lập. Bộ đồng thời phối hợp với Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) và các chuyên gia đầu ngành đánh giá nguyên nhân, lựa chọn giải pháp khắc phục
Bộ Giao thông đã phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật phương án khắc phục là thay bán phần dầm ngang trên 60% diện tích. Chiều dày bản đáy sẽ tăng từ 6 lên 8 cm để làm tăng độ cứng của dầm. Cabin hàn tại hiện trường được lắp đặt đảm bảo các điều kiện hàn tương tự như trong nhà máy, với thiết bị và nhân công từ Hàn Quốc.