Tranh cãi về dự án xây cảng Liên Chiểu

Thứ sáu, 08/11/2019, 00:35 GMT+7

Chiều 7/11, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo quốc tế lấy ý kiến về phương án quy hoạch, đầu tư các cảng biển tại Đà Nẵng. Thành phố hiện có cảng Tiên Sa nằm tựa lưng vào bán đảo Sơn Trà, đảm nhiệm đồng thời vai trò cảng hàng hoá và du lịch.

Tháng 9/2018, lãnh đạo chủ chốt thành phố đề xuất với Thủ tướng cho xây dựng cảng Liên Chiểu quy mô 220 hecta, tổng vốn đầu tư 32.860 tỷ đồng, tại vị trí gần như đối xứng với cảng Tiên Sa qua vịnh Đà Nẵng. Tháng 1/2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43 có nội dung "Xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa".

Tuy nhiên tại hội thảo lần này, liên danh tư vấn Sakae Corporate Advisory và Surbana Jurong (Singapore) lại nghiêng về phương án giữ nguyên và mở rộng cảng Tiên Sa thay vì chuyển đổi phục vụ du lịch và xây cảng Liên Chiểu chuyên phục vụ vận tải hàng hoá.

Theo họ, nếu xây dựng cảng Liên Chiểu cần làm kênh nước sâu 20 m, dài từ 80 đến 100 m. Khi đó cùng với kênh nước sâu 16m của cảng Tiên Sa hiện nay sẽ chia cắt vịnh Đà Nẵng, tàu thuyền đi vào sẽ có nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái và "vịnh Đà Nẵng sẽ không còn như xưa nữa".

Vị trí xây dựng cảng Liên Chiểu nằm sát với đèo Hải Vân, phía đối diện qua vịnh Đà Nẵng là cảng Tiên Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.

Vị trí xây dựng cảng Liên Chiểu nằm sát với đèo Hải Vân, phía đối diện qua vịnh Đà Nẵng là cảng Tiên Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.

Dành nhiều thời gian cho ý tưởng giữ nguyên cảng Tiên Sa, bản đồ của nhóm tư vấn này trình bày diện tích mở rộng cảng hiện hữu bao trọn cả khu vực quân cảng Vùng 3 - nơi neo đậu tàu chiến và tàu kiểm ngư. Nhóm tư vấn đề xuất làm một đảo nổi tại khu vực này để tàu du lịch cập bến.

Giải quyết vấn đề giao thông khi giữ nguyên cảng Tiên Sa, phía tư vấn cho rằng thành phố nên làm cầu cạn vượt các nút giao trên tuyến đường ra cảng để container không đi chung với ôtô đô thị. Phía trên cầu cạn là đường sắt. Hướng di chuyển của container cũng dịch chuyển không qua Ngô Quyền (thuộc quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn) mà sang vùng đô thị ở quận Hải Châu và Thanh Khê, kết nối với tuyến đường sắt bắc - nam. 

Hầu hết ý kiến chuyên gia không đồng tình với phương án mở rộng cảng Tiên Sa thay cho xây dựng cảng Liên Chiểu. Phía tư vấn được cho là đã không đưa ra được nhiều dữ liệu so sánh và chứng minh vì sao không nên xây dựng cảng Liên Chiểu để phát triển logistics như Nghị quyết 43 nêu.

Ông Ryoya Watanabe, chuyên gia JICA tại Việt Nam nói, cảng Liên Chiểu không phải sâu 20 m như tư vấn trình bày. Mở rộng cảng Tiên Sa, thành phố chỉ quản lý một điểm, tốt cho tự nhiên, giữ nguyên đường luồng nước. Nhưng vướng vào giải phóng mặt bằng, trong đó có nhiều diện tích là đất quân sự.

Đơn vị tư vấn cũng đề xuất mở rộng diện tích cảng Tiên Sa 5,8 km chiều dài bến, trong đó có 15 đường xe bus cũng được nhận xét là quá chật chội. "Về mặt pháp lý, cảng Liên Chiểu đã có trong quyhoạch của Trung ương, nếu giờ thay đổi sẽ mất nhiều thời gian trình Bộ Xây dựng và Thủ tướng, trong khi cảng Tiên Sa đến năm 2023 đã hết công suất 12 triệu tấn", ông Ryoya Watanabe nói.

Ông Bas Van Dijk, Tổng giám đốc Công ty Royal Haskoning DHV Việt Nam, dẫn chứng ba cảng nổi tiếng trên thế giới cùng đứng trước thách thức về an toàn giao thông khi quá đông xe container ra vào, tình trạng tương tự như cảng như Tiên Sa. Cảng Durban ở Nam Phi chỉ đưa ra giải pháp ngắn hạn là mở rộng, không chọn việc xây cảng hàng hoá mới như hai cảng còn lại, và hiện tại giao thông vẫn tắc nghẽn. Mỗi container đặt ở cảng phải nộp số tiền 500 USD vì quá tải.

Ông Bas Van Dijk nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Bas Van Dijk nêu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Tôi chưa thấy tại sao phải chọn cách của nhà tư vấn là không xây cảng Liên Chiểu. Đà Nẵng đang có cơ hội để phát triển thành hình mẫu ở Việt Nam, trong đó phải có cảng biển và sân bay. Xây dựng cảng biển thì đó chính là món quà cho con cháu", ông nói.

Riêng phương án làm cầu cạn, ông Bas Van Dijk cho rằng ở Hong Kong và Singapore đã thành công nhưng trên toàn thế giới thì đó là nơi tập trung tiếng ồn, giảm giá trị đất đai và điểm nóng về tội phạm.

Theo ông Nguyễn Minh Quý, chuyên gia cảng Japan Port Consultants, Đà Nẵn crồi cũng phải xây dựng cảng Liên Chiểu, nếu muốn thành Busan, Thẩm Quyến hay Hong Kong. Nếu thành phố quy hoạch cho 50 năm tới mà chỉ để cảng Tiên Sa đạt công suất 1/7 đến 1/10 công suất cảng Busan hiện tại thì rất khó chấp nhận.

Ông Quý nhấn mạnh, vị trí cảng Tiên Sa hiện tại có nhiều yếu điểm, mưa lớn bồi phù sa sẽ khó khai thác tối đa. "Chúng ta có bài học từ Hải Phòng. Nạo vét vài chục tỉ đồng mỗi năm nhưng cuối cùng phải tiến ra biển. Vì sao cảng Hải Phòng không nạo vét cho tàu 100.000 tấn mà phải đưa ra ngoài, xây đê chắn sóng", ông dẫn chứng.

Nêu ý kiến thành phố cần xây dựng ngay cảng Liên Chiểu để năm 2025 chuyển hàng hoá từ cảng Tiên Sa sang, ông Nguyễn Hữu Sia, nguyên Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng, cho biết cảng Tiên Sa do Mỹ xây dựng năm 1965, đến nay "tuổi đã già", thành phố muốn giàu thì phải có Logistics. 

Theo ông, du lịch đóng góp 10-15% GDP. Do đó, nuôi dân của thành phố không chỉ du lịch mà phải có công nghiệp. "Logistics rất hay. Ngân hàng, bảo hiểm, đội xe, kho bãi phát triển, hội nhập rất nhanh, không cần nhiều tiền, đất và nhân lực, trí thức tốt thôi. Tóm lại logistics dễ có tiền hơn", ông Sia nói.

Ông Sia nói, nếu thành phố không xây dựng cảng Liên Chiểu thì "quá uổng", bởi tư vấn Nhật Bản đã chuẩn bị cho thành phố một hành lang kinh tế. Cảng Liên Chiểu trong tương lai có nhiều ưu thế, riêng diện tích đã gấp nhiều lần Tiên Sa hiện tại (27 hecta). Làm logistics thì năng suất phải cao, giao hàng đúng hẹn. Nếu dồn hết vào Tiên Sa thì tàu nhiều khi bị ngăn không đến, thành phố thì cầm xe 3 đến 5 tiếng mỗi ngày.

Ông Nguyễn Hữu Sia nêu quan điểm Đà Nẵng cần khởi công ngay cảng Liên Chiểu thay vì bàn ra tính vào việc mở rộng cảng Tiên Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.

Ông Nguyễn Hữu Sia nêu quan điểm Đà Nẵng cần khởi công ngay cảng Liên Chiểu thay vì bàn ra tính vào việc mở rộng cảng Tiên Sa. Ảnh: Nguyễn Đông.

"Trong cơ chế thị trường đặt vấn đề Đà Nẵng phải là cảng số một ở miền Trung. Nếu làm cảng Liên Chiểu thì nhường hàng bao, hàng tổng hợp cho cảng Chân Mây, Trường Hải Chu Lai, vì hàng này không có ăn. Làm kinh tế phải thông minh lên. Không thể nào làm đại trài được", ông Sia nói.

Nguyên giám đốc Cảng Đà Nẵng khẳng định chỉ có xây cảng tách biệt chuyên cho vận tải hàng hoá thì mới giải quyết được vấn đề tai nạn giao thông liên quan đến xe container ra vào cảng như thời gian vừa qua. "Thành phố du lịch mà hết sự cố dưới sông rồi trên bờ. Nếu tôi là du khách thì say good bye luôn", ông Sia nói thêm.

Chuyên gia Phạm Phú Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TP Đà Nẵng, nói nếu thành phố chọn mở rộng cảng Tiên Sa thì đó là ý nghĩ viển vông khi tính đến chuyện lấy đất của Vùng 3 Hải quân. Còn ông Trần Dân, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật Cầu đường Đà Nẵng cho rằng nếu mở rộng cảng Tiên Sa thành phố sẽ đụng đến đất của bán đảo Sơn Trà.

Chủ trì hội thảo, ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Nẵng, kết luận phải xác định cảng Đà Nẵng là cụm cảng chứ không chỉ riêng cảng Tiên Sa. Ông đề nghị phía tư vấn phải cho biết nên theo phương án nào, chứ không thể đưa ra phương án và hỏi ngược lại phía lãnh đạo thành phố quyết định.

Thời gian hoàn thiện đề án Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 không còn nhiều, ông Dũng yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến các chuyên gia và khẩn trương tính toán phương án thuyết phục trên cơ sở "bất cứ giải pháp xây dựng cảng như thế nào cũng phải tạo động lực phát triển kinh tế mới cho Đà Nẵng".


vnexpress.net