Tràn lan biệt phủ mọc trái phép trên đất nông nghiệp tại Hòa Bình

Thứ tư, 29/03/2017, 08:58 GMT+7

Chỉ trong một thôn thuộc xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đã có gần 10 công trình xây dựng quy mô, hoành tráng, trong đó có những công trình xây trên đất nông nghiệp. Đáng nói là hoạt động xây dựng, mua bán đất đã diễn ra cả chục năm nay, song chính quyền địa phương nắm thông tin rất mơ hồ.

Đua nhau bán nhà, bán đất
Xã Hòa Sơn là địa phận thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình, cách TP. Hà Nội chỉ một con đường là Quốc lộ 21. Cách đây 12 năm, khi con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc được khởi công (nay là Đại lộ Thăng Long), nối trung tâm TP. Hà Nội với cửa ngõ Tây Bắc cũng là lúc nhiều người có tiền bắt đầu rục rịch lên đây mua gom đất nông nghiệp để làm trang trại.

Từ một vùng quê đồi núi, người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, xã Hòa Sơn bắt đầu lên "cơn sốt" đất. Sau thời điểm đường cao tốc Láng - Hòa Lạc hoàn thành thì đất thổ cư, đất nông nghiệp, đất trồng rừng ở đây được các đại gia từ Hà Nội lên săn lùng và mua cho bằng được. Ông Bùi Văn Hóa, một người dân thôn Đồng Gội, xã Hòa Sơn cho hay, vào khoảng năm 2008 - 2010, ra đường là thấy “xe ô tô biển 29, 30 đỗ đầy đường”.

“Đi đâu, gặp chúng tôi, họ cũng hỏi có bán đất không? Đất vườn, đất nông nghiệp, lâm nghiệp họ đều mua. Nếu không có thì giới thiệu, họ sẽ trả tiền hoa hồng. Khi ấy, đất thổ cư ở đây còn rẻ như cho chứ nói gì đất rừng, đất trồng lúa. Vậy mà bỗng chốc, nhiều người dân ở đây trở nên giàu có, cầm trong tay cả tỉ đồng nhờ bán đất”, ông Hóa nhớ lại.

Bà N.T.H, một người dân ở cạnh Trang trại Đồng Gội (thôn Đồng Gội, xã Hòa Sơn) kể: “Ngày xưa, tôi có 2 người hàng xóm thân lắm, nhưng khi đất lên giá, họ bán cả nhà, cả đất vườn, cả ao thả cá lên tới mấy trăm triệu, rồi xuống thị trấn ở với con cháu. Còn chúng tôi, gắng gượng mấy chục năm mới xây được cái nhà nho nhỏ và mảnh vườn để trồng chè, trồng rau, họ cũng gạ mua lại hơn 300 triệu nhưng tôi không bán".

Sau hơn 10 năm “dậy sóng” vì đầu cơ để phục vụ mốt chơi trang trại của các đại gia, hiện nay đất ở khu vực này lại quay về thời kỳ “nguyên thủy” với giá rẻ hơn rất nhiều. Nhưng ở thôn Đồng Gội, nhiều khu đất ở vị trí đẹp hoặc được đầu tư lớn thì vẫn được rao bán hoặc định giá lên tới hàng chục đến hàng trăm tỉ đồng. Tìm đến một khu biệt thự rất hoành tráng, PV thấy chủ nhà đã treo biển bán toàn bộ dinh cơ này. Gọi theo số điện thoại được để lại trước cửa một ngôi nhà được xây theo kiểu lâu đài nhưng chưa hoàn thiện, nữ chủ nhân tên L cho biết, toàn bộ diện tích bao gồm đất thổ cư, đất vườn là 15.000m2 và chỉ có 5.000m2 là có sổ. “Nếu em muốn mua thì chị bán 11 tỷ và chị sẽ giúp hoàn thiện toàn bộ giấy tờ”, người tên L trả lời qua điện thoại.

tran-lan-biet-phu-moc-trai-phep-tren-dat-nong-nghiep-tai-hoa-binh
Khu nhà đồ sộ của ông M. Ảnh: P.B

Tràn lan biệt phủ xây trái phép
Nằm ngay cạnh khu đất của bà L là một biệt phủ rộng lớn mang tên V.T.C. Người hàng xóm tại đây cho biết, chủ nhân khu biệt phủ này không ở mà thuê người địa phương trông coi, chăm sóc. Thỉnh thoảng họ mới về đây vào ngày nghỉ cuối tuần. Theo quan sát, khu biệt phủ này cũng rộng hàng chục nghìn mét vuông, cổng chính được xây dựng quy mô, còn bên trong là nhiều tượng đá trắng cùng một lâu đài trắng đồ sộ, cao 4, 5 tầng và đều được bao bọc bởi bờ rào, bất khả xâm phạm.

Quá trình tìm hiểu về hoạt động xây dựng trang trại, biệt phủ trên địa bàn xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, chúng tôi khá ngạc nhiên là các thông tin biến động về đất đai, các cán bộ địa phương ở đây nắm được rất ít.

Tại buổi làm việc với ông Nguyễn Đình Hiến, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn, khi đề cập đến gần 10 công trình gồm các biệt phủ, trang trại xây dựng không phép, sai phép trên đất nông nghiệp, đất rừng, ông Hiến giải thích do mới lên làm Chủ tịch xã nên không nắm được tình hình. Ngay đến trang trại nuôi gà rộng hàng chục nghìn mét vuông của ông Nguyễn Châu Thành, ở thôn Đồng Gội, hiện đang trong quá trình hoàn thiện nhưng ông Hiến cũng… không rõ(?!). Sau đó, ông Hiến lại cho biết là “đang trong quá trình lập đề án và xin phép”.

Về phía UBND huyện Lương Sơn, ông Hoàng Văn Thống, Phó Trưởng phòng Tài nguyên môi trường huyện Lương Sơn tỏ ra rất ngạc nhiên khi nghe PV cung cấp thông tin. Sau khi cùng PV xuống hiện trường, ông Thống cũng không biết các biệt phủ này được xây dựng từ khi nào, trên diện tích đất bao nhiêu. Đáng lưu ý nhất là biệt phủ của ông L.C rộng hàng chục nghìn mét vuông, được mua lại từ đất thổ cư, đất vườn của nhiều hộ dân gộp lại. Hiện nay, khu đất này đã được ông L.C xây dựng cơ ngơi hoành tráng.

Dư hơn 17.000m2 đất…
Cách khu biệt phủ của ông L.C không xa là Trang viên Đồng Gội do ông Nguyễn Chí Sỹ làm chủ. Được biết, ông Sỹ nguyên là Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco). Theo Báo cáo số 09/BC-TNMT ngày 16/3/2017 của Phòng TNMT huyện Lương Sơn, trang viên Đồng Gội của ông Sỹ có 19.814,8m2, trong đó có 1.000m2 đất ở, còn lại là đất trông cây lâu năm khác. Về tài sản gắn liền với đất, trang viên của ông Sỹ có 5 căn nhà kiên cố, được xây dựng theo kiểu dáng biệt thự và một căn nhà sàn bằng gỗ cao từ 2-6 tầng. Theo quan sát của PV, trong trang viên của ông Sỹ xây dựng nhiều công trình phụ khác như toàn bộ đường đi lối lại đều được đổ bê tông, bể bơi, sân tennis, ao…

Điều đáng nói là trang viên của ông Nguyễn Chí Sỹ khi Phòng TNMT huyện Lương Sơn đo đạc thực tế thì lên tới 36.900,7m2, tức là có tới 17.085,9m2 nằm ngoài sổ đỏ. Theo giải thích của ông Sỹ, tổng diện tích “dư” này là ông đã tự nhận chuyển nhượng đất trồng lúa, vườn, trồng rau của hơn 40 hộ dân (khoảng 12.000m2), còn lại là đất chưa sử dụng, đất trồng cây lâu năm, đất sông suối. Khi được hỏi về việc nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp mà không thông qua chính quyền địa phương, ông Sỹ cho biết: "Do người dân ở đây vận động tôi mua nên tôi mủi lòng mua lại để giúp đỡ họ”.

Theo báo cáo của Phòng TNMT huyện Lương Sơn, tổng số diện tích đất trồng cây lâu năm mà ông Sỹ đã dùng để xây biệt thự hoặc sử dụng sai mục đích là không nhỏ. Toàn bộ diện tích đất của ông Sỹ đã được xây dựng bờ rào cao 2 - 3m bao quanh. Ông Sỹ cho biết, số đất này được “anh em ngày xưa trong công ty” mua gom lại cho ông. Bên cạnh khu biệt phủ của ông Sỹ là khu trang trại của một người tên M. Theo quan sát, khu trang trại của người này đã xây dựng một tòa lâu đài hoành tráng, bờ rào bao quanh và nhiều hạng mục công trình kiên cố khác như hòn non bộ, ao cá… đã xây dựng từ lâu.

Theo Gia Đình và xã hội