Sau khi UBND TPHCM thống nhất điều chỉnh ranh thu hồi đất, gần 100 hộ dân không phải di dời để thi công dự án chống ngập do triều trị giá gần 10.000 tỷ đồng. Chính quyền thành phố cũng đồng ý điều chỉnh thiết kế cơ sở dự án và mời đơn vị thuộc Bộ Công Thương đánh giá việc thay đổi vật liệu thép, một trong những nguyên nhân khiến dự án “đắp chiếu” gần 1 năm.
Theo thông báo của Văn phòng UBND TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thống nhất điều chỉnh thiết kế cơ sở, ranh thu hồi đất của dự án chống ngập (do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu) trị giá gần 10.000 tỷ đồng theo đề xuất của Đoàn Kiểm tra đánh giá dự án.
Mương Chuối là cống ngăn triều lớn nhất trong 6 cống ngăn triều của dự án chống ngập trị giá gần 10.000 tỷ đồng tại TPHCM
Đáng chú ý, UBND TP chấp thuận chủ trương thuê đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu cơ khí thuộc Bộ Công Thương kiểm định, đánh giá việc thay đổi vật liệu thép chế tạo cửa van dự án theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Việc thay đổi vật liệu thép là một trong những nguyên nhân khiến dự án bị ngưng thi công từ cuối tháng 4/2018 và đến tháng 3/2019, sau khi có ý kiến của UBND TP, dự án mới tái khởi động, thi công rầm rộ trở lại.
Công trình ngưng thi công, thép bị gỉ phải tẩy rửa
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (đơn vị thực hiện dự án) cho biết, từ khi UBND TP chấp thuận cho nhà đầu tư tái khởi động dự án thì đã bắt đầu làm trong Tết Kỷ Hợi 2019, làm 3 cống Bến Nghé, Tân Thuận và Phú Định nhằm đảm bảo chất lượng công trình. Đến cuối tháng 2/2019, dự án chính thức tái khởi động, trong tháng 3 này dự án thi công rầm rộ trở lại khi tập trung được nhân sự và máy móc.
Về tiến độ, ông Tiến cho biết toàn bộ dự án đã hoàn thành được 72% khối lượng công việc, riêng cống Tân Thuận đạt khoảng 60%.
Lý giải điều này, theo ông Tuyến, cống Tân Thuận chậm hơn các cống khác vì phải xử lý nền để đảm bảo an toàn cho nhà dân ở bờ quận 7. Đây là khu vực có mật độ giao thông thủy lớn nhất trong 6 cống thuộc dự án. Trong tháng 3 sẽ xử lý nền và bơm bùn. Đến tháng 7 sẽ thông âu thuyền.
Cống Tân Thuận dự kiến hoàn thành sau cùng vì thi công phức tạp và mật độ giao thông thủy lớn
Cũng theo ông Tiến, đơn vị thi công cố gắng hoàn thành cống Mương Chuối, Phú Xuân, Cây Khô trong tháng 10, cống Phú Định vào tháng 11 và cống Tân Thuận trong tháng 12.
Trong hơn 7km đê kè, một số nơi còn dang dở và nhà thầu sẽ hoàn thành trong 2 tháng tới để hoàn thiện hệ thống đê kè dự án.
“Chúng tôi cố gắng cuối năm nay, chậm nhất là quý 1/2020 hoàn thành toàn bộ dự án, nếu UBND TPHCM giao mặt bằng đúng cam kết là cuối tháng 6/2019. Dự án vận hành sớm sẽ góp phần hạn chế tối đa ngập lụt do triều và hỗ trợ thoát nước đô thị”, ông Tiến nói.
Hệ thống đê kè dang dở, khung thép nằm trơ trọi gần cả năm
Theo ông Tiến, nhờ điều chỉnh một số tuyến, ranh dự án nên từ chỗ 328 hộ dân bị ảnh hưởng đã giảm được 97 hộ dân. Điều này giúp giải quyết nhanh vấn đề bàn giao mặt bằng.
“Tại một số hạng mục, thép bị gỉ vì ngưng thi công lâu ngày sẽ được tẩy rửa. Các công trình đều ngoi lên mặt nước nên đảm bảo chất lượng, ổn định, bền vững”, ông Tiến khẳng định.
Theo ông, sau khi điều chỉnh thiết kế dự án, thời gian hoàn thành dự án sẽ được chốt. Đây là cơ sở để UBND TPHCM làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ để gia hạn thời hạn tái cấp vốn cho dự án.
Cống Phú Xuân còn 16 hộ dân, nhà chòi phía quận 7 và 2 hộ phía huyện Nhà Bè chưa giải phóng mặt bằng
Cống Phú Định tại quận 8, các hộ dân đã thống nhất giá bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Dự án "đắp chiếu", thép xây dựng tại cống Phú Định cũng "thi gan cùng tuế nguyệt" đến hoen gỉ
Dự kiến, cống Cây Khô (huyện Bình Chánh) hoàn thành trong tháng 10/2019
Cống Tân Thuận sẽ thông âu thuyền trong tháng 7 để thi công cửa van.