Theo thống kê của Sở Xây dựng TP.HCM, hiện có 170 dự án dù đã được UBND TP.HCM chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc công nhận chủ đầu tư nhưng vẫn không thể đưa vào triển khai được do các quy định “trái ngang” của pháp luật.
Trong số 170 dự án, 44 dự án có quyền sử dụng đất ở đã được UBND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư và đã được cơ quan thẩm quyền cấp sổ đỏ có mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị. Phần lớn các dự án này, trước đây đã được UBND TPHCM cho chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai và luật Nhà ở cũ.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, chỉ có một số ít dự án diện tích nhỏ tại các quận nội thành mới có 100% diện tích đất ở. 126 dự án có quỹ đất hỗn hợp, có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp, đất chuyên dùng.
Trong đó có 51 dự án đến nay đã hết thời hiệu. Kể từ tháng 9/2018 đến nay, tất cả các dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, kể cả 51 dự án đã hết thời hiệu, đều phải thực hiện thủ tục thông qua Sở Kế hoạch - Đầu tư để trình UBND TPHCM ban hành "Quyết định chủ trương đầu tư" theo quy định của luật Đầu tư.
Thế nhưng, tất cả các dự án đã có "Quyết định chủ trương đầu tư" và các dự án có quỹ đất hỗn hợp đều bị ách tắc thủ tục "công nhận chủ đầu tư" và thủ tục "phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500". Đây là một nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, sụt giảm nguồn cung sản phẩm nhà ở, sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.
Trước những khó khăn của doanh nghiệp, Sở Xây dựng TPHCM cho biết ách tắc lớn nhất hiện nay trong thủ tục "lựa chọn chủ đầu tư" dự án nhà ở thương mại bằng hình thức "chỉ định chủ đầu tư" là quy định đất ở 100%.
Hiện có đến 74,1% dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, thường bao gồm khoảng trên dưới 10% là đất ở; trên dưới 80% là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp; trên dưới 10% là đất rạch, bờ đất, đường do nhà nước trực tiếp quản lý. Chỉ có 25,9% dự án có 100% đất ở được chỉ định chủ đầu tư.
Do đó, Sở đã báo cáo rà soát, tổng hợp các trường hợp dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất chuyên dùng trên địa bàn thành phố và đã dự thảo nội dung Văn bản đề nghị UBND TPHCM báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Quy định phải có 100% đất ở thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại là một vướng mắc rất lớn và cũng là một nguyên nhân chủ yếu gây ách tắc thị trường bất động sản hiện nay.
Trong khi đó, Sở Tài nguyên - Môi trường lại cho rằng vướng mắc hiện nay không phải là khái niệm "quyền sử dụng đất ở hợp pháp" theo kiến nghị của Sở Xây dựng, mà là khái niệm về "nhà đầu tư" và "chủ đầu tư".
Mới đây, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa có văn bản đề nghị Thành phố sớm giải quyết ách tắc về lựa chọn chủ đầu tư; phê duyệt quy hoạch 1/500; tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp, trong đó xen cài đất rạch, đường, bờ đất thuộc Nhà nước quản lý.
Theo HoREA, việc quy định doanh nghiệp có "đất ở" thì mới được chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại như hiện nay đã dẫn đến ách tắc, do hầu hết các dự án đều có quỹ đất hỗn hợp.
HoREA đánh giá, hầu như tất cả các dự án nhà ở thương mại đều có quỹ đất hỗn hợp gồm đất ở, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp xen cài khoảng trên dưới 10% diện tích đất rạch, bờ đất, đường, hẻm (ngõ, ngách) thuộc Nhà nước quản lý.
Hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang lúng túng trong việc xử lý quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở. Đây là vướng mắc cần được sớm giải quyết để khai thông ách tắc của các dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra, việc phân loại quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý xen cài trong dự án nhà ở thương mại cũng đang có những vướng mắc.
Cụ thể, phần lớn quỹ đất này thường có hình dáng bất định hình, nằm rải rác trong dự án, không thể xác lập các chỉ tiêu quy hoạch để hình thành dự án độc lập, nên không thể thực hiện đấu giá theo quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Một số thửa đất thuộc Nhà nước quản lý, có hình dạng xác định, có diện tích đủ lớn, có thể xác lập các chỉ tiêu quy hoạch để hình thành dự án độc lập, nên có thể thực hiện đấu giá lựa chọn chủ đầu tư.
DiaOcOnline.vn – Theo Nhịp sống kinh tế