Sai phạm diễn ra thời gian dài
Sau khi kiểm tra thực tế, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo thành phố đã có buổi làm việc với các cơ quan chức năng, UBND huyện Bình Chánh và các xã liên quan tìm hướng xử lý những tồn tại "nhức nhối" trong quản lý, vi phạm trật tự xây dựng được dư luận đặc biệt quan tâm tại địa bàn này.
Mở đầu cuộc họp, ông Trần Hữu Vũ Duy, người vừa được bố trí làm Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A được 3 ngày chia sẻ khó khăn về nhân sự, vật lực và cả chính sách trong việc xử lý nhà xây dựng không phép trên địa bàn. Những sự vụ báo chí phản ánh vừa qua tồn tại từ nhiều năm nay, trải qua 2 nhiệm kỳ Chủ tịch UBND xã và chưa được giải quyết.
"Trong khi đó, việc chưa xử lý hình sự đối tượng môi giới, phân lô trái phép trên đất nông nghiệp nên chưa đủ sức răn đe tình trạng xây dựng nhà không phép, thậm chí có đối tượng đầu nậu, môi giới nhà đất đe doạ cán bộ kiểm tra và xử lý công trình vi phạm", ông Duy cho biết.
Theo ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, vi phạm xây dựng tại huyện Bình Chánh như con bạch tuộc mà bên trong gắn với một số cán bộ tha hóa biến chất bị mua chuộc để làm ngơ cho hành vi vi phạm còn bên ngoài móc nối với đối tượng trung gian cò đất để xây dựng trái phép. Thời gian qua huyện Bình Chánh đã xử lý nhiều cán bộ vi phạm trật tự xây dựng từ hành chính đến xử lý hình sự nhưng đây cũng chỉ như "bề nổi của tảng băng chìm", chỉ cần lơ là, thiếu quan tâm là bạch tuộc sẽ vươn vòi.
Hiện trên địa bàn huyện Bình Chánh vẫn còn hơn 4.000 công trình xây dựng sai phép tồn tại qua nhiều thời kỳ. Đây cũng là lý do để các đầu nậu, cò đất dẫn dụ người mua, hứa hẹn sẽ hợp thức hóa giấy tờ để được tồn tại nhà không phép. Để xử lý 38 cò đất, đầu nậu đang lộng hành ở xã Vĩnh Lộc A, ông Trần Phú Lữ kiến nghị UBND thành phố giao Công an thành phố hỗ trợ huyện Bình Chánh đấu tranh, xử lý các đối tượng đầu nậu, cò đất về hành vi đưa nhận hối lộ, trốn thuế, lừa đảo…
Ông Đặng Minh Đạt, Chánh Thanh tra TP Hồ Chí Minh cho biết, từ trước đến nay Bình Chánh là điểm nóng về xây dựng, đất đai, qua các thời kỳ lãnh đạo huyện đều ban hành nghị quyết liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng nhưng việc thực hiện còn hạn chế. Chỉ tính riêng các quyết định xử lý của Thanh tra Sở Xây dựng, trên địa bàn trong năm 2016 có 67% vụ việc chưa thực hiện được, năm 2017 và 2018 còn 58% số vụ nhưng đến 2019 tăng cao tới 80% vụ việc chưa xử lý được. Ngay cả cả quyết định xử phạt xử lý của UBND thành phố cũng chưa thực hiện được nhiều.
Bản thân UBND huyện Bình Chánh đã ban hành nhiều quyết định xử lý hàng năm, thường tập trung phạt tiền nhưng việc khắc phục sai phạm, khôi phục hiện trạng ban đầu thì lại khó khăn. Theo ông Đặng Minh Đạt, do không nắm sát tình hình nên khi lập biên bản xử phạt thì công trình đã xây dựng tới 80%. Chỉ riêng 4 xã gồm Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, Tân Kiên, Bình Hưng đã chiếm tới 70% tổng số vụ vi phạm trên địa bàn huyện Bình Chánh, trong khi tinh thần xử lý trách nhiệm của cán bộ chưa cao, công tác xử lý ngay từ đầu còn hạn chế.
Xử lý nghiêm đầu nậu
Tại buổi làm việc, định hướng quan điểm xử lý vụ việc tại xã Vĩnh Lộc A, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, vi phạm trật tự xây dựng tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh rộ lên trong thời điểm cả nước phòng chống dịch COVID-19. Còn trên địa bàn huyện Bình Chánh, có tới 50% vụ việc lập biên bản xử lý vi phạm nhưng vẫn còn tồn tại. Phải xem việc xử lý sai phạm tại xã Vĩnh Lộc A là bài học của huyện Bình Chánh và cũng là bài học của thành phố.
Người đứng đầu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, xử lý vụ việc này phải trả lời cho được câu hỏi: Hệ thống chính trị Bình Chánh có khả năng chấm dứt hoạt động của các đầu nậu tại xã Vĩnh Lộc A được không? Từ đây đến Đại hội Đảng bộ huyện Bình Chánh có thực hiện được việc không cho xây dựng không phép tại Vĩnh Lộc A hay không?
“Phạt xong để đó là nguy hiểm trong quản lý nhà nước. Việc này sẽ kích thích những vi phạm tương tự, bản thân sự vụ vi phạm, người vi phạm không bị xử lý tới cùng. Xác định cán bộ phải hoàn thành nhiệm vụ, nếu không làm được thì xin nghỉ. Tổ trưởng nhân dân nào tham gia môi giới nhà đất hãy chấm dứt ngay và từ chức; đảng viên, lãnh đạo nào tham gia môi giới hãy từ chức ở vị trí đang đảm nhiệm”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo.
Trong khi đó, ông Trần Lưu Quang, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh thẳng thắn nhận khuyết điểm cá nhân khi là người được Ban Thường vụ Thành ủy giao chỉ đạo trực tiếp việc hiện Chỉ thị 23/CT-TU ngày 25/7/2019 của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn thành phố nhưng vẫn để xảy ra vi phạm tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh.
Theo ông Trần Lưu Quang, hệ thống chính trị chưa làm tròn vai trò trách nhiệm, kể cả cả trách nhiệm của 2 đoàn thanh tra của thành phố trước đó thanh tra về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh. Nếu hệ thống chính trị tiếp tục ứng xử công việc như hiện nay thì việc thực hiện Chỉ thị 23-CT/TU sẽ thất bại. Vì thế, UBND thành phố phải có giải pháp để trước mắt không làm phát sinh trường hợp mới, xử lý ngay các đầu nậu, cò đất trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A để cán bộ đủ tự tin và người dân sẽ không tham gia mua, xây nhà trái phép.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho hay, so sánh vi phạm xây dựng tại xã Vĩnh Lộc A diễn ra tràn lan như dịch, có tổ chức, có chính sách đối phó với chính quyền, thậm chí đe dọa cán bộ, không thuần túy mang tính tự phát, có sự tham gia tiếp tay của một số cán bộ. Việc cán bộ làm ngơ cũng là gián tiếp tiếp tay cho vi phạm. Việc phạt tiền xong để đó sẽ dẫn tới sự coi thương pháp luật.
Ông Dương Ngọc Hải, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị cơ quan tố tụng huyện Bình Chánh cần lưu ý để xử lý nghiêm tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm của cán bộ, xử lý hình sự đầu nậu, cò đất, phân loại 38 đối tượng đầu nậu tại xã Vĩnh Lộc A để xử lý, điều tra về hành vi lừa đảo, vi phạm trong quản lý đất đai, đưa hối lộ, vi phạm trật tự dựng gây hậu quả nghiêm trọng…
Đồng quan điểm, bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc đầu nậu phân lô trên đất nông nghiệp, xây dựng trái phép như vòi bạch tuộc nhưng việc xử lý chưa đủ sức răn đe, chưa cán bộ nào bị khai trừ Đảng, cách chức hoặc xử lý hình sự. Hệ thống chính trị cơ sở là tai mắt của nhân dân nhưng hiện nay trên địa bàn huyện Bình Chánh vẫn có tới 80% vụ vi phạm chưa được xử lý dứt điểm dù đã có kết luận kiểm tra.
Nói về vấn đề xử lý hình sự vụ việc, ông Đinh Thanh Nhàn, Phó giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, Công ban thành phố từng có văn bản báo cáo, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo huyện Bình Chánh xử lý tình trạng kinh doanh, mua bán đất đai, xây dựng ở nhiều nhiều quỹ đất trống vì thế tình hình có phần lắng dịu nhưng sau đó trở lại như ngày hôm nay.
"Quan hệ phối hợp giải quyết vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh có sự chệch choạc. Công an thành phố sẽ xây dựng kế hoạch, phối hợp với Công an huyện Bình Chánh quyết tâm xử lý các vụ liên quan đến xây dựng, đất đai trên địa bàn huyện", ông Đinh Thanh Nhàn cho biết thêm.