TP Hồ Chí Minh: Nói thêm về gói thầu XL.02 “Thiết kế - xây dựng – vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè”

Thứ sáu, 13/09/2019, 17:29 GMT+7

(Xây dựng) - Báo điện tử Xây dựng đã đăng tải một số bài liên quan đến Nhà máy xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Câu chuyện tưởng như đã lắng xuống bởi UBND TP Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo Ban Quản lý dự án xử lý những khiếu nại của nhà thầu nước ngoài trong việc đấu thầu gói thầu XL.02.

Nhưng gần đây, ngày 28/8/2019 liên danh nhà thầu SUEZ – POSCO lại tiếp tục có đơn khiếu nại khẩn cấp gửi Chính phủ, lãnh đạo một số Bộ, ngành và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng – đô thị TP Hồ Chí Minh. Trong đơn khiếu nại này, nhà thầu kiến nghị 4 vấn đề:

Tạm dừng ngay việc triển khai hợp đồng gói thầu XL.02 đối với liên danh ACCIONA-VINCI cho đến khi việc khiếu nại của chúng tôi được giải quyết dứt điểm.

Tiến hành kiểm tra, rà soát lại hồ sơ dự thầu của liên danh ACCIONA-VINCI đối chiếu với các quy định của hồ sơ mời thầu để đánh giá lại hồ sơ dự thầu của liên danh này.

Tiến hành gia hạn hiệu lực hồ sơ dự thầu của các đơn vị tham gia gói XL.02 này để sau khi thực hiện đánh giá lại hồ sơ dự thầu của liên danh ACCIONA-VINCI có thể tiến hành thương thảo và trao hợp đồng cho đơn vị khác đáp ứng các tiêu chí của hồ sơ mời thầu và các quy định khác.

Xem xét đánh giá lại hồ sơ dự thầu của liên danh chúng tôi cũng như các kiến nghị chúng tôi đã gửi trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu để đảm bảo hồ sơ dự thầu của chúng tôi được đánh giá một cách công bằng, khách quan và nếu đáp ứng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu và các tiêu chí, yêu cầu khác thì tiến hành đàm phán và trao hợp đồng cho liên danh chúng tôi.

Đây là những kiến nghị hợp lý và chính đáng, bởi trong quá trình đấu thầu gói thầu này đã chậm gần 3 năm kể từ khi mời thầu và tới giờ vẫn chưa kết thúc việc lựa chọn nhà thầu. Sự chậm trễ này là do trong quá trình lựa chọn nhà thầu có những vấn đề không minh bạch mà Ban Quản lý dự án cũng đã sửa. Nhưng vẫn chưa đảm bảo một cách triệt để, đảm bảo tính trung thực, khách quan làm mất lòng tin của các nhà thầu và dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài.

Qua nghiên cứu tài liệu, chúng tôi thấy rằng điều đáng lo ngại nhất của dự án này là việc lựa chọn công nghệ xử lý bùn. Theo tài liệu nhà thầu phản ánh, trong hồ sơ mời thầu tháng 6/2017 (phần 1, mục 3 trang 36) chỉ có 3 công nghệ và các biến thể của 3 công nghệ này được chấp nhận gồm: CAS (bùn hoạt tính truyền thống); SBR (phản ứng sinh học theo mẻ); BF (lọc sinh học). Ba công nghệ này được hiểu là đã được thiết kế trước, được đánh giá và chứng minh là khả thi về mặt kỹ thuật.

Vậy trong quá trình lựa chọn thầu, ai cho phép bổ sung công nghệ MBBR để cho nhà thầu ACCIONA-VINCI trúng thầu với lựa chọn công nghệ này? Trong khi một số nghiên cứu khoa học mà tác giả cung cấp với công nghệ MBBR là không phù hợp với điều kiện khí hậu và nước thải đối với công trình này. Đồng thời công nghệ này cũng chưa được áp dụng trên thế giới đối với những nhà máy xử lý nước thải có công suất lớn hơn hoặc bằng 240.000m3/ngày đêm như yêu cầu trong hồ sơ mời thầu?

Những thắc mắc, kiến nghị của nhà thầu SUEZ POSCO đặt ra như việc lựa chọn công nghệ MBBR không phù hợp với hồ sơ mời thầu, công nghệ này không đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đối với công trình xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là có cơ sở pháp luật và khoa học.

Xét về mặt giá trúng thầu; cũng theo tài liệu nhà thầu cung cấp: Vốn đầu tư cho công trình là 261 triệu USD, có 3 nhà thầu bỏ giá thấp (SAMSUNG KOLON TSK (NERADA): 187 triệu USD; VINCI ACCIONA: 206 triệu USD; SUEZ POSCO: 215 triệu USD).

Được biết lần đầu Ban Quản lý dự án đã lựa chọn nhà thầu SAMSUNG KOLON TSK (NERADA) với 187 triệu USD, đây là giá thấp nhất so với 2 nhà thầu còn lại. Nhưng rồi khi có ý kiến khiếu nại của nhà thầu SUEZ POSCO thì Ban Quản lý dự án đã xem xét lại và sau đó đã loại nhà thầu này, đồng thời phải thay đổi tư vấn lựa chọn nhà thầu. Hiện nay, Ban Quản lý dự án tiếp tục lựa chọn nhà thầu có giá thấp thứ 2 VINCI ACCIONA với 206 triệu USD. Như vậy, có thể nói việc lựa chọn nhà thầu trong trường hợp này Ban Quản lý dự án chỉ căn cứ vào giá bỏ thầu.

Tại Việt Nam, đối với một số công trình quy mô lớn đã và đang xây dựng thì giá bỏ thầu thấp để trúng thầu hầu như không còn ý nghĩa. Hầu hết, các công trình này sau khi quyết toán đều vượt rất cao so với giá bỏ thầu ban đầu. Điều đáng tiếc hơn nữa vì “tiền nào của nấy”. Kết cục là công trình xây dựng thì đắt, công nghệ thì lạc hậu? Xét về các yếu tố kỹ thuật cũng như kinh tế đã nêu; cách lựa chọn nhà thầu hiện nay của Ban Quản lý dự án cũng sẽ rơi vào tình trạng như trên.

Tác giả bài báo cho rằng, những khiếu kiện của nhà thầu là có cơ sở khoa học và pháp luật, tại sao cuộc đấu thầu này kể từ khi phát hành hồ sơ tới nay đã gần 3 năm cũng đã chậm lắm rồi, tại sao UBND TP Hồ Chí Minh không chỉ đạo Ban Quản lý dự án dừng thêm vài tháng nữa để tham khảo ý kiến của của các nhà khoa học Việt Nam am hiểu về xử lý nước thải để đi đến quyết định cuối cùng về công nghệ MBBR; để có cơ sở khoa học trả lời những khiếu kiện của nhà thầu SUEZ POSCO một cách công khai, minh bạch. Mặt khác, cũng hoàn toàn yên tâm trong việc sử dụng công nghệ MBBR xử lý bùn đối với công trình xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Vì Ngân hàng thế giới (bên cho vay) đã trả lời đơn khiếu nại của nhà thầu SUEZ POSCO và cho rằng việc lựa chọn nhà thầu đối với dự án xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là trách nhiệm của UBND TP Hồ Chí Minh và Ban Quản lý dự án và trách nhiệm này đang thuộc về phía chúng ta.

Dự án xử lý nước thải kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một dự án công suất lớn, lần đầu tiên xây dựng ở Việt Nam, với nguồn kinh phí lớn mà lại phải đi vay; ở đó chứa đựng nhiều mồ hôi nước mắt của nhân dân TP Hồ Chí Minh và của cả đất nước. Thiết nghĩ, UBND TP Hồ Chí Minh cần có trách nhiệm chỉ đạo Ban Quản lý dự án sớm làm rõ những kiến nghị của liên danh nhà thầu SUEZ POSCO trước khi chính thức lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình này để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Duy Nguyên


baoxaydung.com.vn