TP.HCM, xóa một số BQL dự án nhằm tinh gọn bộ máy công

Thứ năm, 04/10/2018, 00:00 GMT+7
TP.HCM, xóa một số BQL dự án nhằm tinh gọn bộ máy công

TP.HCM, xóa một số BQL dự án nhằm tinh gọn bộ máy công

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 44 ban quản lý dự án có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng và một số sở - ngành không có ban quản lý, nhưng có thực hiện chức năng, nhiệm vụ về ...

Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trên địa bàn thành phố có 44 ban quản lý dự án có nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng và một số sở - ngành không có ban quản lý, nhưng có thực hiện chức năng, nhiệm vụ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
 


Đó là: Khu Quản lý Giao thông đô thị số 1, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 2, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 3, Khu Quản lý Giao thông đô thị số 4, Khu Quản lý giao thông đường thủy trực thuộc Sở Giao thông - Vận tải và Trung tâm Khai thác hạ tầng trực thuộc Ban quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao. Dù các ban quản lý đã nỗ lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhưng mô hình tổ chức như hiện nay đã làm cho nguồn vốn đầu tư phân tán, dàn trải.

Để giảm đầu mối, khắc phục chồng chéo, dàn trải, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, UBND TP.HCM đã trình Hội đồng nhân dân TP.HCM đề án sắp xếp lại các ban quản lý dự án của TP.HCM, quận huyện, ban quản lý đầu tư các khu đô thị, ban quản lý đầu tư các dự án ODA theo phương án hình thành các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành và khu vực đủ điều kiện và năng lực hoạt động giúp UBND TP.HCM thực hiện nhiệm vụ của chủ đầu tư, quản lý có hiệu quả các dự án trên địa bàn.

Cụ thể, thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trực thuộc UBND TP.HCM, trên cơ sở hợp nhất các ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc các Sở Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Văn hóa và Thể thao, Lao động - Thương binh và Xã hội. Đồng thời, sáp nhập vào Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng công trình Nâng cấp đô thị.

Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TP.HCM trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của Khu giao thông đô thị, Khu Quản lý đường thủy nội địa và sáp nhập Ban Quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 vào Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Công trình Giao thông đô thị.

Thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án của Trung tâm Chống ngập và hợp nhất với Ban Vệ sinh môi trường. Thành lập Ban Quản lý phát triển đô thị thành phố trên cơ sở sáp nhập Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm, Ban Quản lý Khu Nam và Ban Quản lý Khu Tây Bắc.

Tổ chức lại Khu Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc thành Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa Dân tộc trực thuộc UBND TP.HCM. Thành lập Ban Quản lý dự án khu vực quận, huyện trên cơ sở kiện toàn Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc quận huyện.

Giữ nguyên Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp phát triển nông thôn, Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng Khu Công nghệ cao TP.HCM, Ban Quản lý đường sắt đô thị, Trung tâm Khai thác hạ tầng. Chuyển Ban Quản lý xây dựng Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM từ trực thuộc UBND TP.HCM thành đơn vị trực thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc.

Với mô hình dự kiến sắp xếp như trên, TP.HCM sẽ giảm được 11 đầu mối. So với biên chế, số lượng người làm việc được giao năm 2017, việc sắp xếp dự kiến giảm khoảng 110 biên chế hành chính trở lên và có khả năng giảm số lượng người làm việc khoảng 245 người.
 
DiaOcOnline.vn - Theo Trí Thức Trẻ

 


diaoconline.vn