Vừa qua, UBND Tp.HCM đã giao Sở Xây dựng phối hợp với UBND các quận huyện - nơi có tuyến đường sắt đô thị đi qua, xem xét giải quyết hồ sơ cấp phép xây dựng công trình, nhà ở riêng lẻ.
Trong đó, ưu tiên tối đa đảm bảo an toàn cho các công trình đã có của dân và công trình mới phá đảm bảo không ảnh hưởng đến công trình đường sắt đô thị.
Các UBND quận - huyện cần phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường công tác hậu kiểm các công trình, nhà ở, xây dựng dọc các tuyến đường sắt đô thị. Đồng thời, quản lý việc xây dựng theo đúng giấy phép được cấp, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho nhà dân, trụ sở doanh nghiệp và các công trình đường sắt đô thị.
Nhà ở riêng lẻ gần các tuyến metro vẫn được cấp phép xây dựng
Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, UBND Tp.HCM sẽ có 8 tuyến metro. Trong đó, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20km và dự kiến kéo dài đến Bình Dương, Đồng Nai. Tuyến số 2 Thủ Thiêm - Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi khoảng 48km nhưng sẽ làm trước đoạn Bến Thành - Tham Lương.
Tuyến 3A Bến Thành - Tân Kiên dài khoảng 20km. Tuyến 3B ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước có chiều dài hơn 12km. Tuyến 4A cầu Bến Cát - Khu đô thị Hiệp Phước dài 36km. Tuyến 4B ga công viên Gia Định - Ga Lăng Cha Cả dài 5,2km.
Tuyến số 5 cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc dài khoảng 17km. Tuyến số 6 Bà Quẹo -vòng xoay Phú Lâm dài hơn 6km. Bên cạnh đó, Tp.HCM còn có 3 tuyến xe điện mặt đất hoặc đường sắt một ray.
Theo Trí thức trẻ